Báo Công An Đà Nẵng

Nghệ thuật không biên giới

Thứ bảy, 14/04/2018 16:14

Từ cuộc gặp gỡ giữa nữ điêu khắc nổi tiếng đến từ đất nước Mexico, bà Paloma Torres (58 tuổi) với các nhà điêu khắc, họa sĩ Đà Nẵng thượng tuần tháng 4 vừa qua, tôi chợt nghĩ: Nghệ thuật cũng giống như tình yêu, không có biên giới. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, bằng ngôn ngữ chung nhưng cũng rất riêng, đã đưa con người không cùng chung một tổ quốc, bất đồng ngôn ngữ xích lại gần nhau hơn.

Nữ điêu khắc Paloma Torres tại buổi giao lưu với các nhà điêu khắc, họa sĩ Đà Nẵng.

Điểm đáng yêu ở Paloma Torres khiến tôi ấn tượng là sự hồn nhiên và khả năng hoạt ngôn. Tuy lần đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng, nhưng từ trước đó, tác phẩm "Chuyện phố" của bà vinh dự được chọn đặt tại công viên APEC Đà Nẵng. Tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm của mình đặt trang trọng trong công viên APEC Đà Nẵng- nơi có các bức tượng điêu khắc đại diện cho các nền kinh tế thành viên APEC, Paloma Torres không giấu được niềm vui sướng, hạnh phúc thốt lên: "Thật tuyệt vời! Tôi thật sự sung sướng, hạnh phúc khi thấy tác phẩm tôi xem như đứa con tinh thần được đặt tại công viên APEC Đà Nẵng ở một vị trí đẹp như thế này!". Vừa nói, nữ điêu khắc 58 tuổi thoăn thoắt dạo quanh để chụp tác phẩm của mình ở nhiều góc ảnh khác nhau. Bà vui vẻ thổ lộ, với bà, nghệ thuật là tất cả. Ăn, ngủ, làm việc, bất kỳ ở đâu, trong không gian nào, bà đều đắm mình trong nghệ thuật. Tình yêu ấy thật khó diễn đạt bằng lời.

Tuy là người "ngoại đạo" nhưng khi ngắm những tác phẩm mỹ thuật điêu khắc của bà, tôi cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế, ý tưởng độc đáo cũng như tình yêu bà dành cho đất nước Mexico. Phần lớn các tác phẩm của Paloma Torres (giới thiệu tại buổi giao lưu) phản ánh chân thực cuộc sống đương đại đất nước Mexico. Có cảm giác như đất nước Mexico chính là nguồn cảm hứng tạo nên năng lượng dồi dào để bà không ngừng sáng tác, sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo. Đặc biệt, các tác phẩm của Paloma Torres là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc với kiến trúc. Lý giải điều này, bà cho biết, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về kiến trúc. Cũng theo Paloma, ở Mexico, những người nghệ sĩ điêu khắc thường làm việc với các kiến trúc sư. Thấy tôi lấy làm tò mò vì hầu hết tác phẩm điêu khắc được bà giới thiệu, khối hình trụ chiếm ưu thế, Paloma vui vẻ giải thích: "Tôi sinh ra ở TP Mexico nơi có 20 triệu dân đang sinh sống, rất đông đúc. Ở đó, có rất nhiều tòa nhà chọc trời, hình dáng dựng đứng của nó đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Gia đình tôi có truyền thống về ngành kiến trúc. Đấy là những lý do khiến tôi chọn khối hình trụ để thể hiện tác phẩm". Ngoài những lý do trên, qua tìm hiểu được biết, những khối hình trụ trong các tác phẩm của bà còn có ý tưởng của sự kiến tạo, vươn lên. Bà chia sẻ suy nghĩ, người ta cho rằng, thành phố được xem là môi trường hoàn hảo để chúng ta phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó và sự quá tải dân số, không gian sống của con người trở nên chật hẹp. Cũng theo bà, bạo lực không chỉ xuất phát từ chiến tranh mà còn từ thế giới công nghiệp. Trong đó, thiếu thốn không gian sống sẽ gây ra bạo lực. Không chỉ có thế, con người thời hiện đại đang phải đối mặt với thách thức khi không gian nội tâm bị xâm chiếm bởi mạng xã hội cũng như tính tức thời đang chiếm ưu thế. Vì những lẽ đó, Paloma cho rằng, con người cần tôn trọng không gian sống và làm việc, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm trí của mỗi chúng ta. Các tác phẩm của bà, từ "Chuyện phố" đến "Mưa màu đen", "Phù điêu"..., dù là phản ánh thực tế về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Mexico, hay nhấn mạnh về sự mất dần của không gian riêng tư, không gian cộng đồng, thì điều đọng lại sâu lắng mà tôi cảm nhận được từ những tác phẩm của Paloma chính là khát khao, khát vọng hướng tới việc xây dựng, kiến tạo nên một không gian sống đẹp cho con người, nơi không có ô nhiễm, không có bạo lực, nơi giữa truyền thống và hiện đại được kết hợp hài hòa, nhân văn nhất.

Nữ điêu khắc Paloma Torres bên tác phẩm "Chuyện phố" của mình đặt tại Công viên.

Khi được hỏi về nguồn cảm hứng để tạo nên bức tượng "Chuyện phố" được chọn đặt tại công viên APEC Đà Nẵng, bà cho biết đó là sự tương đồng. Vì thế, bà muốn tạo nên một tác phẩm biểu trưng cho tình bạn, tình hữu nghị. Tác phẩm được làm từ đất sét thể hiện khát vọng hướng đến một vũ trụ, nơi mà những sự khác biệt cấu thành vẻ thịnh vượng vô tận. Paloma đặc biệt quan tâm mối quan hệ giữa giáo dục với văn hóa. Theo bà, trong quá trình phát triển giáo dục, văn hóa luôn là điểm tựa. "Bất kể bạn là ai, làm bất kỳ ngành nghề gì trong xã hội thì văn hóa chính là nhân tố chính để hình thành nên nhân sinh quan sống của chúng ta. Giáo dục mà không gắn kết với văn hóa thì sẽ khô cứng, khuôn rập. Sự kết hợp giữa giáo dục với văn hóa sẽ giúp con người có cái nhìn rộng mở, có chiều sâu hơn. Văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề"- Paloma nhấn mạnh.

Vui mừng vì được gặp và giao lưu với nữ điêu khắc tài hoa này, nhà điêu khắc Phạm Hồng (Đà Nẵng) cho biết, ông lấy làm ấn tượng với tác phẩm "Chuyện phố" của bà. "Trong mỗi đường phố ở mỗi đất nước đều có hàng trăm, hàng nghìn hoạt động, kiến trúc, đường sá khác nhau, nhưng ý tưởng của bà thật độc đáo. Thông qua "Chuyện phố" của bà, giúp tôi hiểu, biết về đất Mexico như thế nào!". Ngoài ra, nhà điêu khắc Phạm Hồng cũng rất tâm đắc về quan điểm sáng tác gắn kết giữa điêu khắc gắn với kiến trúc của bà. Sự gắn kết quyện hòa giữa 2 nghệ thuật này rất độc đáo, tạo nên độ hoành tráng cho tác phẩm. Đây là điều mà Việt Nam cần phải học hỏi...Yêu đất sét và đam mê nghệ thuật điêu khắc từ bé, 18 tuổi, Paloma đỗ vào Trường Nghệ thuật Tạo hình Quốc gia UNAM (ĐH Tự trị Quốc gia Mexico)- được xem là trường ĐH lớn nhất khu vực Mỹ Latinh. Không chỉ có thế, bà  còn lấy bằng Thạc sĩ về khắc màu ngay khi làm việc ở xưởng gốm của trường. Ngoài chất liệu chính là đất sét, bà còn dùng nhiều chất liệu khác như đồng, kim loại, bê-tông, đá... để thể hiện ý đồ tác phẩm của mình. Suốt 40 năm gắn bó với điêu khắc, bà  tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật liên quan đến lĩnh vực của mình, tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong và ngoài ngước. Bà từng là giáo sư mỹ thuật tại Đại học Iberoamericana ở TP Mexico, Trường Nghệ thuật Esmeralda, INBA. Ngoài ra bà còn tham gia giảng dạy tại các hội thảo điêu khắc gốm tại các cơ sở giáo dục khác trong nước. Không hiểu sao khi tiếp xúc với nữ nghệ sĩ 58 tuổi đến từ đất nước Bắc Mỹ này, tôi chợt nhớ đến nhà điêu khắc người Na Uy Oyvin Storbaekken- người có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành điêu khắc Đà Nẵng cũng như của Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc Đà Nẵng với quốc tế- vừa nói lời chia tay Đà Nẵng sau gần 20 năm gắn bó. Hy vọng, sau chuyến thăm đầu tiên này, Paloma sẽ là cầu nối giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sáng tác trên lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc giữa hai nước nói chung, Đà Nẵng- Mexico nói riêng.

P.THỦY