Nghị định 168 tạo hiệu ứng tích cực góp phần giảm tai nạn giao thông
Từ khi Nghị định 168 được áp dụng, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và đẩy lùi, riêng trong 9 ngày Tết Nguyên đán tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (Giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và giảm 2 người bị thương). Người tham gia giao thông ý thức hơn trong việc tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, việc tăng cường mức xử phạt, cũng như áp dụng cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) phần nào nâng cao ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Thành Trung ở thành phố Gia Nghĩa, chia sẻ: “Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, tôi tham gia giao thông kỹ hơn, bởi mức xử phạt rất nặng, nếu không may bị vướng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế gia đình. Mặc dù vậy, tôi thấy việc ra đời của nghị định này rất đúng, tạo sức răn đe để người tham gia giao thông chấp hành luật tốt hơn”.
Việc ra đời của Nghị định 168 không chỉ bó hẹp ở địa bàn các đô thị đông dân cư mà giờ đây đã lan toả đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Gần như ai cũng hiểu và có ý thức tự giác chấp hành luật pháp về TTATGT.
Bà Thị Thu ở huyện Tuy Đức, chia sẻ: “Hầu như cái Tết này tôi rất cẩn trọng trong việc lưu thông, có rượu, bia trong người là tôi không dám chạy xe luôn. Lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường tuần tra tại các tuyến đường, nếu như bị xử phạt là thiệt hại kinh tế khá lớn. Chúng tôi rất đồng tình khi cơ quan chức năng ban hành Nghị định 168”.
Ðó cũng là tâm lý chung của đa số người tham gia giao thông. Băn khoăn là vậy, thế nhưng, hiệu ứng tích cực của Nghị định 168 là không thể phủ nhận, từng bước làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người tham gia giao thông, cụ thể nhất là việc tăng mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm phổ biến như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi lái xe khiến người dân cẩn trọng hơn trong tham gia giao thông.
Trung tá Vũ Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đội đã tổ chức các tổ công tác trên tuyến vừa kiểm tra xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền giúp người dân nắm rõ các quy định mới của Luật TTATGT đường bộ 2024 và Nghị định 168, nhất là việc tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và một số hành vi vi phạm do lỗi cố ý của người tham gia giao thông. “Qua 1 tháng triển khai cho thấy tình hình giao thông trên địa bàn tiếp tục có những chuyển biến tích cực, ý thức của người than gia giao thông được nâng lên. Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định giảm mạnh”, Trung tá Vũ Tuấn Anh nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại thành phố Gia Nghĩa và các địa phương có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông, kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh, được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Trần Thanh Nghị ở thành phố Gia Nghĩa cho rằng, việc tăng mức xử phạt cũng sẽ khiến mọi người ý thức hơn khi tham gia giao thông. “Trước đây, lái xe trên đường, tôi cảm thấy rất khó chịu với những người cố tình vượt đèn đỏ, đi sai làn, thậm chí không xi-nhan mà rẽ tạt đầu phương tiện khác. Nhưng những ngày qua, tại những ngã tư, ngã ba có đèn tín hiệu, tôi thấy người tham gia giao thông đã chấp hành tín hiệu đèn hơn trước, có lẽ vì mức phạt nặng nên ai cũng tuân thủ”, ông Nghị nói.
Trong khi đó, đối với các tài xế đường dài, các quy định mới cũng tạo động lực để họ cẩn thận hơn. Tài xế Trần Thanh Bình, lái xe khách tuyến Bắc - Nam, cho biết: “Ngày trước, vi phạm tốc độ từ 10 - 20 km/giờ, ngoài bị phạt tiền còn bị tước GPLX 2 tháng, giờ thì trừ thẳng 2 điểm trong GPLX nhưng tài xế vẫn được điều khiển phương tiện. Theo tôi, đây là cơ hội để tài xế tiếp tục đi làm nhưng sẽ tự nhắc nhở bản thân luôn phải tuân thủ để không bị trừ điểm trong GPLX nữa”.
“Từ khi áp dụng Nghị định 168, ý thức tham gia giao thông của người dân đã thay đổi rõ rệt. Bản thân tôi và nhiều lái xe ô tô khách đường dài cũng chạy cẩn thận hơn, chấp hành nghiêm các quy định, không dám chạy ẩu...”. Anh Hồ Sĩ Tuấn, Lai xe ô tô khách chạy tuyến Gia Lai – Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt theo Nghị định 168 là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần làm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và khắc phục tình trạng coi thường pháp luật, nhờn luật của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay. Việc xử phạt áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật. Do đó, quan điểm của lực lượng CSGT trước tiên là chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn, văn minh. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm đều bị xử lý nghiêm, theo phương châm “không vùng cấm, không ngoại lệ” và kể cả cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định và minh bạch trong xử lý.
“Luật TTATGT đường bộ và Nghị định 168 đã quy định rất cụ thể các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm. Luật và nghị định mới cho phép CSGT áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đặc biệt có nội dung trừ điểm GPLX; yêu cầu người vi phạm tham gia khóa học và kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT nếu GPLX đã bị trừ hết điểm. Những biện pháp này sẽ góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông”. Thượng tá Phạm Quốc Lập thông tin thêm.
Hồng Long – Phương Thanh