Báo Công An Đà Nẵng

Nghị lực của cô gái khuyết tật đam mê vẽ tranh truyền thần

Thứ bảy, 17/09/2022 18:14
Chị Trần Thị Hiền bên bức tranh đầu tiên sau 3 tháng học vẽ.

Nghị lực vươn lên

Chị Hiền là con gái thứ 2 trong gia đình nông dân nghèo có 3 anh, chị em. Thuở bé, Hiền có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, cũng cắp sách tới trường như bao bạn cùng trang lứa khác. Học hết lớp 7, Hiền trải qua một trận cảm hàn nặng, sau đó bị biến chứng sang viêm đa khớp, chân tay co quắp, gia đình mới đưa đi Bệnh viện huyện điều trị. Sau 1 tháng điều trị không có kết quả, Hiền được chuyển xuống Bệnh viện tỉnh điều trị thêm 2 tháng.

“Quá trình nằm viện tỉnh, trong nhà có gì đáng giá, chúng tôi đều đem bán hết nhưng bệnh của Hiền ngày càng nặng, người teo tóp, quắt queo không còn sức sống. Hiền được chuyển ra Hà Nội điều trị, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi đưa về nhà. Hồi đó, ai đến thăm cũng nói “không còn hy vọng nữa đâu” và khuyên gia đình chuẩn bị lo hậu sự. May mắn lúc đó, có một người bà con biết được đã gửi về cho 1 hộp sâm ngậm, Hiền mới hồi tỉnh dần và có hy vọng sống. Dù kinh tế gia đình kiệt quệ do phải chạy vạy khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho con, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố ráng hết sức. Hễ ai mách có thuốc chữa ở đâu là chồng tôi lại lao đi lấy về cho con uống” – bà Chu Thị Cúc, mẹ chị Hiền kể lại.

Sau 2 năm trời nỗ lực tập luyện, bệnh tình Hiền chỉ tiến triển hơn một chút. Hiền đành phải nghỉ học, đành chấp nhận trở thành người mang khiếm khuyết, không thể tự đứng trên đôi chân của mình mà phải nhờ đến sự trợ giúp của nạng gỗ, xe lăn. Mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân Hiền lại đau nhức. Gần như mọi sinh hoạt cá nhân chị phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân.

“Cảm giác không tự làm được việc gì, đặc biệt là sinh hoạt cá nhân nó khó chịu lắm. Tôi thấy mình đã trở thành gánh nặng cho bố mẹ, trong khi bố mẹ càng ngày càng già yếu, bệnh tật. Đã có lúc tôi chán nản, muốn buông xuôi tất cả nhưng niềm đam mê vẽ đã thôi thúc tôi đứng dậy. Tôi thích vẽ từ nhỏ nhưng do bệnh tật nên không có điều kiện học hành, cứ rảnh rỗi lại lôi tờ lịch ra vẽ rồi dán khắp nhà. Trong một lần tình cờ lên mạng thấy một lớp học vẽ online, tôi rất thích nên vào nhắn tin, trình bày hoàn cảnh gia đình, rồi bạo dạn xin thầy cho được… học nợ”- chị chia sẻ.

Theo chị Hiền, khi vẽ phải thực sự yêu nhân vật, đưa cảm xúc vào tranh, nét vẽ mới có hồn, sắc sảo.

Thành công với đam mê vẽ tranh truyền thần

Cảm phục nghị lực của người học trò tật nguyền đam mê học vẽ, thầy giáo Nguyễn Văn Huy đã tặng cho chị Hiền khóa học vẽ 6 tháng với mức học phí hơn 3 triệu đồng. Nhận được tin vui này, chị Hiền vô cùng sung sướng, có thêm động lực đeo đuổi đam mê của mình. “Học online nhưng tôi được thầy giúp đỡ rất nhiệt tình, bạn cùng lớp cũng cho giấy bút gửi về tận nhà. Qua các video hướng dẫn thầy gửi, tôi bập bõm vẽ theo. Càng vẽ càng thích thú, ngày vẽ, đêm vẽ quên cả mệt mỏi. Khi chụp hình bức tranh đầu tiên đăng vào nhóm lớp, mọi người cười ồ lên vì nét vẽ quá non nớt. Lúc đó, thầy lại động viên tôi rằng, mình có khiếm khuyết phải cố gắng hơn các bạn nhiều lần. Trong 2 tháng đầu, vẽ một bức cũng không xong, tôi sửa đi sửa lại đến nát cả tranh. Đã có lúc thấy nản chí, muốn bỏ cuộc nhưng được mọi người an ủi, tôi lại cố. Đến tháng thứ 3, tôi hoàn thành bức tranh đầu tiên, đăng lên nhóm lớp, thầy giáo đã rất ngạc nhiên, trầm trồ: “Nếu không nhìn chữ ký của tác giả dưới tranh thì thầy không phân biệt đâu là tranh gốc, đâu là tranh trò vẽ”. Rồi thầy tuyên bố: “Thầy cho em nhận vẽ tranh thuê giá rẻ” – chị Hiền kể lại.

Học vẽ thành công đã tiếp cho người con gái tật nguyền ấy có thêm nghị lực sống. Những ngày đầu, chị đã được người thân, bạn bè ủng hộ đặt vẽ tranh. “Tiếng lành đồn xa”, khi những bức tranh mẫu được đăng lên mạng, nhiều người thích thú đặt vẽ. Mỗi bức tranh, chị Hiền chỉ lấy một khoản chi phí nhỏ để trang trải tiền giấy bút và thỏa mãn ước mơ được vẽ của mình.

“Thường một bức tranh chân dung khổ A4 mất khoảng 2-3 ngày mới hoàn thành, còn tranh A3, A2 thì nhiều ngày hơn. Mới đây, tôi nhận vẽ một bức tranh A2 cho khách nhưng sau khi hoàn thành thì bị khách “bom” tranh không nhận. Tôi rất buồn vì đã mất 1 tuần lễ miệt mài vẽ mới xong. Nhưng bù lại, khi thấy khách hàng nhận tranh khen đẹp là tôi lại có thêm động lực để yêu nghề, gắn bó với nghề hơn” – chị Hiền tâm sự thêm. Đặc biệt hơn cả, từ tình cảm và sự tôn kính của bản thân đối với lãnh tụ, nên đối với khách có nhu cầu đặt tranh vẽ về lãnh tụ Bác Hồ hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... chị đều vẽ tặng chứ không bán. Mới đây, có một vị khách đặt vẽ tranh Bác Hồ, dù chị nói tặng nhưng vị khách này cứ nằng nặc đòi ủng hộ chút tiền vì trân quý quá trình lao động nghệ thuật của chị.

Đến nay chị Hiền đã có 3 năm vẽ tranh truyền thần với hơn 100 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, miệt mài cùng nghị lực vượt lên bệnh tật. “Khi vẽ, tinh thần phải thoải mái, thực sự yêu nhân vật mới đưa được cảm xúc vào trong tranh. Từ đó nét vẽ mới có hồn, mới sắc sảo được. Bây giờ tôi chỉ ao ước nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách để kiếm được một khoản tiền trang trải thuốc thang, chi tiêu của bản thân. Xa hơn nữa là muốn mua chiếc xe lăn điện để có thể tự di chuyển mà không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ”- chị Hiền ao ước.

Dương Hóa