Báo Công An Đà Nẵng

Nghị lực của Sáu Khoa

Thứ bảy, 23/11/2019 20:00

Từ xuất phát điểm nghèo khó, túng thiếu, anh Lê Văn Khoa (Sáu Khoa -1970, trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay đầy nghị lực của mình. Khi có của ăn của để trong nhà, Sáu Khoa đã mở tấm lòng, san sẻ với những mảnh đời khốn khó.

Sáu Khoa (phải) trong một chuyến từ thiện.

Anh Khoa kể: Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, mỗi cành cây, ngọn cỏ ở vùng đất Gò Nổi, TX Điện Bàn (Quảng Nam) đều in đậm dấu vết bom đạn của kẻ thù. Quá ác liệt, cha mẹ anh phải đưa gia đình ra Đà Nẵng sinh sống với nghề trồng rau, lúa ở những chân ruộng hoang hóa dọc sông Cẩm Lệ, P. Khuê Trung bây giờ. Tuổi thơ anh là chuỗi những ngày cơ cực. Ngoài giờ đến lớp tìm kiếm con chữ mong cơ hội đổi đời, Khoa phải cùng anh chị em ra đồng cuốc ruộng, trồng rau... Năm 1997, Đà Nẵng được trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp cũng bị teo tóp lại. Trước thực tế đó, Khoa lại cùng cha mẹ "chuyển đổi" ngành nghề sang nuôi tôm nước lợ. Thế nhưng, nghề nuôi tôm quá nhiều may rủi, lên xuống chẳng khác thủy triều. Vào thời điểm này, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng nên Lê Văn Khoa chuyển qua nghề lái xe tải kiếm sống. Tuy nhiên, nghề lái xe khá vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu song trong những khó khăn này đã "đưa đẩy" anh bén duyên với nghề trồng và kinh doanh cây cảnh.

Để có thể thành công với nghề mới này, Lê Văn Khoa phải tự tìm tòi, học hỏi từ những người anh có thâm niên trong nghề. Do chịu khó cộng với lòng đam mê với cây cảnh nên chỉ một thời gian ngắn Sáu Khoa đã am tường nhiều kỹ thuật từ việc bứng, trồng, chăm sóc, cắt tỉa... các kiểu thế cây bon-sai nên bước đầu đạt được những thành công nhất định. Năm 2009, phát hiện đất của một dự án gần chợ Đầu mối Hòa Cường bị bỏ hoang quá uổng phí nên anh làm đơn xin mượn đất để kinh doanh cây cảnh. Có khoảng hơn 5.000m2 đất, Sáu Khoa sử dụng phương châm "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách bỏ công đi khắp nơi mua cây cảnh, cây ăn trái của người dân xung quanh về trồng để bán lại cho những gia đình có nhu cầu trang trí nhà vườn hoặc biệt thự... Với bản chất cần cù, chịu khó của người dân xứ Quảng gốc, nên anh Sáu Khoa có thể "biến" những cây ăn quả nằm trong vùng bị giải tỏa, chuẩn bị bị chặt bỏ, lấy mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư trở thành cây có giá trị về thẩm mỹ cũng như kinh tế cao.

Từ diện tích ban đầu nhỏ lẻ, manh mún, đến nay cơ sở trồng cây cảnh của anh tại P. Hòa Cường Nam đã nâng diện tích lên hơn 10.000m2. Hiện tại vườn cây cảnh của Sáu Khoa có hơn 500 cây các loại, gồm 2 loại chính là cây công trình và cây ăn quả. Những cây cảnh chủ yếu bán cho các khu biệt thự... đã mang lại cho anh từ 500 -600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Khoa còn tổ chức sưu tầm những cây cảnh có tuổi đời cao, có dáng bonsai, đẹp mà không có sự tác động của con người, hoàn toàn tự nhiên. Để có được những cây này, anh thường xuyên lên các huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng  tìm những cây cảnh có thế độc, lạ. Có những cây anh tìm kiếm khi còn nhỏ mang về, trồng dặm ở quanh vườn và chăm sóc, nuôi dưỡng cây để cây phát triển trưởng thành.

Với nghề trồng, chăm sóc cây cảnh, Sáu Khoa đã tạo việc làm cho 30 lao động là con em nông dân không có đất sản xuất, với mức lương ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng, giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và hỗ trợ thường xuyên 2 triệu đồng/tháng cho 1 hộ nông dân nghèo của phường... Ngoài ra, anh còn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đồng bào nghèo ở các huyện miền núi cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Với niềm đam mê cây cảnh và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, Sáu Khoa đã nhận được nhiều phần thưởng, lời ngợi khen từ chính quyền và các tổ chức xã hội. Sáu Khoa cũng đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ về thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"...

M.T