Báo Công An Đà Nẵng

Nghị lực nữ sinh viên nạn nhân da cam

Thứ năm, 07/04/2022 17:24
Em Nguyễn Thị Ly học trực tuyến tại nhà.

CCB Lê Duy Tín - ông ngoại của Ly, quê ở Hà Tĩnh, nhiều năm tham gia kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc da cam. Chất độc nguy hiểm ấy từ ông ngoại nhiễm sang mẹ Ly và từ mẹ Ly nhiễm sang Ly. Khi Ly mới chào đời đã có gương mặt dị dạng, khác thường. Lớn lên, giọng nói và dáng đi của Ly cũng không giống các bạn cùng trang lứa. Ly kể, những năm đầu đến trường của mình thật nặng nề bởi khả năng tiếp thu thua kém các bạn. Học lớp nào, cô chủ nhiệm cũng xếp Ly ngồi bàn đầu để cô dễ quan tâm, kèm cặp. Ly luôn cố gắng học tập, rút ngắn dần khoảng cách so với bạn bè. Từ học lực trung bình, em đã vươn lên học lực khá liên tục từ năm lớp 9 đến lớp 12.

Năm 2020, Ly tốt nghiệp THPT loại khá tại Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Ban Giám hiệu nhà trường bố trí Ly học lớp K26KKT2 Khoa Kế toán theo nguyện vọng. Đã nhiều năm nay, Ly được bạn Trương Thị Mỹ Linh - học cùng lớp chở đi chở về trong quá trình học tập. Bản thân Ly luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hạn chế về sức khỏe để theo kịp chương trình. Từ đó, nữ sinh viên, nạn nhân chất độc da cam đã giành được kết quả tốt trên giảng đường đại học, nhiều môn đạt điểm A, A+ như Hướng nghiệp 1, Kế toán tài chính, Lịch sử văn minh thế giới...

Những năm qua, con đường đến trường của Ly trải bao gian nan, vất vả. Bố Ly làm thợ nề, chẳng may lâm trọng bệnh, không lao động được, điều trị qua nhiều bệnh viện suốt 6 năm ròng vã đã trút hơi thở cuối cùng cách đây 2 năm. Mẹ Ly, bà Lê Thị Thu, làm nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Tâm Trí (quận Cẩm Lệ), lương tháng chỉ có 4 triệu đồng. Em trai của Ly hiện đang học năm thứ 2 tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng. Cách đây gần 10 năm, gia đình em được Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ kinh phí xây nhà tình thương. Đến nay, nhà đã xuống cấp, mái dột, các cửa hư hỏng, tường bị thấm nước, bong tróc, loang lổ mà không có tiền sửa chữa. Quanh năm, mẹ em tảo tần bươn chãi để lo cho con. Ngoài giờ làm việc tại bệnh viện, mẹ em còn đi làm công theo giờ, đi thu nhặt phế liệu để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí gia đình, trong khi bản thân mẹ cũng là nạn nhân chất độc da cam. Ông Phan Thảo, tổ trưởng tổ 28, cho biết: “Gia đình cháu Ly hiện có 3 người, trong đó có 2 nạn nhân chất độc da cam, dù cả 3 mẹ con đều hết sức cố gắng nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn triền miên vì chỉ có mỗi chị Thu đi làm mà nuôi 2 con học đại học và cao đẳng”.

Nói về hành trình đi tìm con chữ, Ly nhớ mãi hình ảnh cô Hoàng Linh - giáo viên chủ nhiệm của em năm học lớp 12, dáng cô nhỏ gầy mà tấm lòng cô chan chứa bao dung, nhân hậu. Năm ấy, cô Hoàng Linh đã vận động cả lớp quyên góp giúp đỡ Ly 3 lần: Đầu năm học, Tết Nguyên đán và ngày thành lập Đoàn 26-3. Trong khi đó, cô Ánh Trinh – cô dạy thêm môn Hóa đã miễn học phí cho Ly liên tục 2 năm (lớp 8, lớp 9) và còn may cho em một bộ quần áo dài để có đồng phục bước vào bậc THPT. Đặc biệt, giảng viên Nguyễn Quỳnh Giao, chủ nhiệm lớp K26KKT2, luôn ân cần thăm hỏi, ưu ái, trợ giúp Ly. “Dù học ở trường hay học trực tuyến tại nhà, cô Quỳnh Giao vẫn thường xuyên động viên, hướng dẫn, giúp đỡ em rất tận tình, chu đáo, chẳng khác chi người mẹ thứ 2 của em”, Ly chia sẻ.

Trong miền ký ức của mình, Ly không sao quên được hồi học tiểu học có một tổ chức nhân đạo quốc tế nhận tài trợ phẫu thuật thẩm mỹ cho em, nhưng kết quả kiểm tra sức khỏe không đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật ấy, nên niềm mong mỏi có gương mặt bình thường vẫn đang còn trong mơ ước. Ly từ tốn bày tỏ tâm nguyện và sự khát khao của mình hiện nay: “Em luôn nỗ lực phấn đấu để học đạt kết quả cao, ra trường được một công ty, doanh nghiệp nào đó quan tâm tuyển dụng”. Nói về nữ sinh viên đặc biệt này, bà Trần Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Cháu Ly là nạn nhân chất độc da cam duy nhất ở Đà Nẵng đang học đại học, mặc dù thể trạng không bình thường, sức khỏe hạn chế và gia đình hết sức khó khăn, nhưng em luôn cố gắng vượt lên số phận, bền bỉ phấn đấu vươn lên trên con đường học vấn”.

LÊ VĂN THƠM