Nghị lực vươn lên của một thương binh
Ở xã Điện Thọ (TX Điện Bàn, Quảng Nam), cựu binh Lê Văn Nuôi, thương binh 2/4 (65 tuổi, trú thôn La Trung) được nhiều người biết đến đến với sự ngưỡng mộ về ý chí vượt qua bệnh tật, lao động, phát triển nghề chăn nuôi cá nước ngọt mỗi năm cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng. Theo chỉ dẫn của Chủ tịch xã Lê Hữu Ái, chúng tôi đến trại nuôi cá của ông Nuôi nằm giữa cánh đồng thôn La Trung. Một lão nông di chuyển từng bước khập khiễng đi ra từ lán trại nhỏ giữa các ao cá. Tháo chiếc chân giả dính đầy bùn đất để lắp một chiếc khác sạch sẽ hơn, ông Nuôi cười nói: "Chiếc chân giả này dùng để đi lại giao tiếp, còn chiếc kia để làm vườn". Lán trại nhỏ này là nơi trữ thức ăn cho cá, tối đến ông Nuôi ở lại đây để trông coi cá sợ bị câu trộm.
Ông Lê Văn Nuôi thành công với mô hình nuôi cá nước ngọt. |
Ông Nuôi kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, 13 tuổi đã theo các anh làm du kích rồi được đào tạo làm Đội trưởng đội du kích mật. Năm 1969, tôi tham gia bộ đội đặc công biệt động TP Đà Nẵng. 2 năm sau, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội đặc công K20 chỉ huy đơn vị chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công. Trong chiến dịch K800 tôi bị địch bắt tra tấn dã man suốt 1 tháng, sau đó tôi vượt ngục thành công trở về tiếp tục lãnh đạo đơn vị chiến đấu. Trong chiến dịch K850 tôi đạp trúng mìn mất 1 chân phải cùng nhiều vết thương trên người. Nghĩ là tôi đã chết nên đồng đội dùng lá chuối che lại rồi tiếp tục chiến đấu. 7 ngày sau, thấy tôi tỉnh dậy nên đồng đội đưa về cứu chữa. Cuối năm 1971 tôi bị địch bắt giam ở đảo Phú Quốc đến 1973 được trả tự do. Với những thành tích chiến đấu, tôi được cấp trên phong tặng 2 lần dũng sĩ diệt Mỹ, 6 lần phong danh hiệu dũng sĩ quyết thắng cấp 1, 2, 3 và nhiều Huân chương cao quý khác".
Sau khi đất nước thống nhất, ông Nuôi về địa phương công tác tại Phòng thương binh TX Điện Bàn đến năm 1977 thì về quê lập gia đình, làm nông. Thấy việc trồng lúa không mang lại hiệu quả, ông Nuôi nghĩ đến chuyện đào ao nuôi cá. Ông tự đào một ao cá nhỏ ở cánh đồng Rọc Mun (thôn La Trung) gần hệ thống mương thủy lợi để nuôi thử nghiệm và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, khi nghe thông tin Huyện ủy Điện Bàn có chủ trương chuyển đổi cây trồng, đất lúa kém hiệu quả sang mục đích khác, ông đến UBND xã Điện Thọ xin chuyển đổi 1ha đất ruộng kém hiệu quả ở vùng trũng Rọc Mun sang đào ao nuôi cá. Ông đào 3 ao nuôi hỗn hợp các loại cá trám, chép, mè, rô phi; trong đó 2 ao lớn nuôi thương phẩm, ao còn lại nuôi giống để gối vụ. Để có thêm kinh nghiệm, ông xin tham gia các lớp tập huấn nuôi cá nước ngọt do Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức. 15 năm qua, công việc nuôi cá nước ngọt của ông rất thuận lợi, mỗi năm xuất bán khoảng 8-10 tấn cá cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng. Nhiều người trong xã thấy mô hình nuôi cá của ông Nuôi hiệu quả tìm đến học hỏi, nhiều người vươn lên làm giàu bằng việc nuôi cá. Nhờ nguồn thu từ việc nuôi cá, ông Nuôi có điều kiện lo cho các con ăn học, xây nhà cửa khang trang.
LÊ VƯƠNG