Báo Công An Đà Nẵng

Nghị lực vượt khó của một thương binh

Thứ sáu, 20/12/2019 11:34

Bị cụt 1 chân, với 17 mảnh kim loại đang găm trên người, trong đó có 1 mảnh cách đáy tim 1cm, mỗi khi trái gió trở trời, thương binh Nguyễn Văn Lợi lại phải chịu những đau đớn bởi di chứng của chiến tranh để lại. Thế nhưng, với ý chí, nghị lực phi thường, người cựu binh ấy đã trở thành thương binh giỏi trong phong trào phát triển kinh tế địa phương.

Thương binh Nguyễn Văn Lợi và Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành tặng cho những thành tích xuất sắc của ông.

Cống hiến hết mình cho Tổ quốc

Đến thăm căn nhà 2 tầng của thương binh Nguyễn Văn Lợi (1950, tại xóm 6, xã Hưng Tân, H. Hưng Nguyên, Nghệ An), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi  cơ ngơi khang trang mà vợ chồng ông đã gầy dựng. Sau khi trở về từ chiến trường, bị mất sức tới 81% nhưng những việc ông làm được khiến bao người ngưỡng mộ, nể phục.

Năm 1966, sau khi học hết cấp 3, Nguyễn Văn Lợi rời địa phương đi học tại Trường Trung cấp cơ khí luyện kim Thái Nguyên. Theo lệnh tổng động viên năm 1968, chàng thanh niên 18 tuổi hăm hở lên đường nhập ngũ tham gia giải phóng miền Nam Việt Nam. "Hành quân từ Bắc vào Nam, rồi vào tỉnh Bình Dương, Bình Long (tỉnh cũ của miền Đông Nam Bộ), tôi cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Sau đó, tôi được phân công vào làm nhiệm vụ bảo vệ Đài phát thanh của Trung ương cục miền Nam. Trong trận đơn vị đánh vào sân bay Téc -ních, tỉnh Bình Long, quân ta bị địch đưa máy bay và xe tăng càn quét bất ngờ. Khi đang tiến vào cửa mở thì bỗng nghe một tiếng "rầm" lớn, tôi và nhiều đồng đội bị trúng đạn pháo của địch. Trong trận này, quân đội ta tổn thất rất nhiều, 4 đại đội có 600 người thì chỉ còn 32 người. Trong đó, tôi là người may mắn giữ được mạng sống" - cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi nhớ lại.

Trận đạn pháo ấy đã khiến một mảnh đạn lớn găm vào chân khiến Nguyễn Văn Lợi phải cắt bỏ chân phải từ đầu gối xuống. Không những vậy, người thương binh ấy còn bị 17 mảnh kim loại găm vào chằng chịt từ chân trái lên đến tận vai. "Trong số 17 mảnh kim loại găm trên người có 1 mảnh cách đáy tim 1cm nhưng đi khám ở bệnh viện, các bác sĩ khuyên tôi không nên phẫu thuật. Thỉnh thoảng trái gió trở trời, những vết thương cũ lại đau nhức" - ông Lợi chia sẻ.

Sau một thời gian điều trị, tại Bệnh viện K16, Thủ dầu 1, Bình Dương, thương binh Nguyễn Văn Lợi được chuyển ra Bắc để tiếp tục chữa bệnh. Cùng đi trên hành trình đó có hàng nghìn thương, bệnh binh của ta nhưng khi đến nơi chỉ còn lại 1/3 người sống sót do bị máy bay địch đánh bom, oanh tạc.

Một thời gian sau điều trị tại Bệnh viện 4, thương binh Lợi được đưa đi an dưỡng ở đoàn 200 (thuộc H. Quỳ Hợp, Nghệ An). Sau đó ông được chuyển sang làm tại một xưởng may của quân đội ở xã Quỳnh Châu (H. Quỳnh Lưu, Nghệ An). Cũng chính nơi đây, ông đã gặp được một nửa cuộc đời mình.

Trong 5 năm tham gia chiến đấu ở vùng Đông Nam Bộ, Nguyễn Văn Lợi đã lập được nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Trong đó có Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Ba.

Không ngừng đóng góp, xây dựng quê hương

Từ một thanh niên khỏe mạnh, trai tráng, Nguyễn Văn Lợi đã trở thành thương binh hạng nặng chỉ còn 19% sức khỏe. Tưởng chừng tương lai sẽ mờ mịt đối với chàng lính trẻ nhưng sau khi được bố trí việc làm tại xưởng may quân đội, Nguyễn Văn Lợi tình cờ gặp cô gái thôn quê Vũ Thị Thiết (1953, trú xã Quỳnh Châu, H. Quỳnh Lưu) và đem lòng cảm mến. "Ban đầu, tôi cũng mặc cảm vì mình không còn lành lặn như những người khác nhưng sau đó thấy Thiết cũng có cảm tình với mình nên tôi đã lấy hết can đảm để thổ lộ tình cảm và được đón nhận" -ông Lợi kể. "Thấy ông ấy bị cụt một chân nhưng bản thân lúc nào cũng có nghị lực phi thường, vươn lên trong cuộc sống. Ông ấy có tài lắm, may đẹp nữa nên bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ" - bà Thiết (vợ ông Lợi) tiếp lời. Vậy là, tình yêu của họ bùng cháy lúc nào không hay. Rất may họ được hai bên gia đình và đơn vị ủng hộ. Sau 2 năm yêu nhau, đầu năm 1974 họ tổ chức một đám cưới ấm cúng tại đơn vị.

Sau thời gian sinh sống, làm việc tại đơn vị, năm 1986, ông Lợi xuất ngũ và đưa vợ con về quê Hưng Tân, H. Hưng Nguyên lập nghiệp. "Đó là quãng thời gian vất vả nhất đối với vợ chồng tôi. Cả gia tài của bố mẹ để lại là 3 gian nhà tranh và một đám đất vườn. Thời gian đầu, tôi ốm đau bệnh tật liên miên, những di chứng của vết thương để lại khiến bản thân không làm được việc gì mà còn làm khổ vợ con. Hai vợ chồng động viên nhau vượt qua quãng thời gian khổ cực, cố gắng làm lụng, khai hoang 5,5 sào đất để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nuôi gà, lợn. Trời không phụ lòng người, những cố gắng của vợ chồng ông đã cho ra "trái ngọt". Cá, gà, lợn... vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình,vừa cung cấp ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Hiện tại, cơ ngơi này ông đã giao lại cho con trai cả.

Sau khi trở về địa phương, ông được bầu làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh xã Hưng Tân, bản thân ông đã đứng ra kêu gọi, tập hợp được hội viên cùng xây dựng mối đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống và lao động, sản xuất, hỗ trợ nhau thoát nghèo. Không những vậy, ông còn là người tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng và vận động bà con hiến đất làm đường. Những nỗ lực của ông và tập thể đã được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận.

Mới đây, vào tháng 7-2019 ông Nguyễn Văn Lợi vinh dự là một trong 12 cựu chiến binh ở Nghệ An được ra Hà Nội nhận Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì "đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng bệnh tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội".

Dương Hóa