Báo Công An Đà Nẵng

Nghĩ về "hộp cơm thịt chuột" và những nút like, share…

Thứ hai, 19/09/2022 07:26
"Bữa cơm thịt chuột" được lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp lại từ màn hình).

Sự việc nóng đến mức Chủ tịch huyện Nam Giang đã phải nhờ công an vào cuộc truy tìm nguồn gốc và xác minh độ chính xác của nó. Ngay sau đó, lãnh đạo ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã khẳng định với báo chí rằng bức ảnh sai sự thật và bức ảnh đã được chụp cách đây 3 năm.

Sự việc chỉ ngã ngũ khi tối 12-9, UBND huyện Nam Giang chính thức thông tin về nguồn gốc, địa điểm của bức ảnh. Cụ thể, hình ảnh trên được chụp vào thời điểm tháng 12-2019, tại một điểm trường thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ khi Trường Mầm non thị trấn Thạnh Mỹ tổ chức hoạt động "Ngày Tết quê em", trong đó có hoạt động Lễ hội ẩm thực truyền thống.

Theo nội dung các hoạt động trong "Ngày Tết quê em" có phần thi chế biến, trưng bày các món ăn đặc sản truyền thống các dân tộc sinh sống trên địa bàn nên giáo viên đã vận động phụ huynh mang theo các thực phẩm, các món ăn ẩm thực truyền thống của địa phương đến trường để cùng nhau chế biến, trưng bày trong hội thi. Trong đó, có phụ huynh đã mang theo cơm với thịt chuột rừng (món ăn dân dã của đồng bào) và cô giáo chụp lại để làm kỷ niệm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cô giáo có chia sẻ trong nhóm và người dùng mạng xã hội mượn hình ảnh này đăng tải thông tin không trung thực về sự việc, ngữ cảnh diễn ra.

UBND huyện Nam Giang nhấn mạnh, trong những năm qua, chất lượng dạy - học và đời sống tinh thần, vật chất của các em học sinh được cải thiện đáng kể nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện chế độ bán trú, buổi ăn trưa được Nhà nước hỗ trợ và được nhà trường tổ chức nấu ăn, chắc chắn không có chuyện nhà trường tổ chức bữa ăn cho học sinh như hình ảnh được đăng tải.

Nói về văn hóa địa phương, huyện Nam Giang cho rằng, món thịt chuột (rẫy) hoặc thịt sóc là món ăn truyền thống được ưa thích, thường sử dụng trong các buổi tiệc lớn như cưới xin, nhà mới… cũng như được người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng hàng ngày trong bữa ăn. "Việc ăn cơm với thịt chuột (nếu có) cũng là một chuyện hết sức bình thường trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao", thông cáo nhấn mạnh.

Nên nhớ, không riêng vùng cao Quảng Nam, ẩm thực Việt Nam hiện nay còn ghi nhận đặc sản chuột đồng ở Nam Bộ, chuột núi vùng Tây Bắc, là món khoái khẩu không chỉ người dân bản địa mà còn của du khách, thậm chí chỉ được gia chủ thiết đãi khi tiếp khách quý.

Vậy nên, có thể đây là hành động có chủ đích của người phát tán tấm ảnh, hoặc giả hoàn toàn không am hiểu về ẩm thực các vùng miền ngay trên chính đất nước của mình.

Cũng có thể, họ đánh vào lòng thương người, sự quan tâm của người dân đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Thế nhưng, hậu quả hàng trăm lượt like, share vô tội vạ, hàng trăm lượt bình luận tiêu cực đều "chĩa" vào ngành Giáo dục và lãnh đạo huyện Nam Giang, Quảng Nam.

"Nhìn vào bức ảnh chắc chắn là không phải bữa cơm của học sinh nội trú, vì bữa cơm học sinh nội trú sẽ dùng khay, thức ăn gồm có rau, canh, đồ xào...", ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã nhấn mạnh như thế. Và theo người viết, nếu có cũng chỉ là những dịp quan trọng như lễ hội truyền thống của người dân vùng cao.

Người đăng bức ảnh "hộp cơm thịt chuột của học sinh vùng cao" chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định. Những người tiếp tay phát tán rộng ra cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, qua vụ việc này, người dùng mạng xã hội hãy bình tĩnh, không vội chỉ trích, không vội chia sẻ một việc gì đó khi chưa kiểm chứng.

Những tin rác, những thông tin tiêu cực chắc chắn người đăng đều có mục đích và ý đồ. Khi người dùng mạng xã hội bấm nút share, like thông tin đó một cách vô tội vạ sẽ vô tình tiếp tay cho sự việc này nóng lên, cái sai từ đó sẽ càng nhân lên.

Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh, hãy để những nút share, like trở nên hữu ích chứ không phải góp phần cổ súy sai trái của người khác.

KHÁNH NGUYÊN