Nghĩa địa I-pha-nho và lòng dân Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng có một di tích tồn tại gần 160 năm ghi dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân viễn chinh và khả năng kháng chiến của quân dân ta chống xâm lược. Tuy chưa được xếp hạng nhưng di tích này là chứng tích một thời của lịch sử Đà Nẵng. Đó là nghĩa địa I-pha-nho, nơi chôn cất 32 lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng khi xâm lược Việt Nam từ 1858 đến 1860.
Khu mộ và nhà nguyện ở nghĩa địa I-pha-nho. |
Đến cuối đường Yết Kiêu (Q. Sơn Trà) gần khu du lịch Tiên Sa, không khó để tìm thấy khu nghĩa địa ở trên sườn đồi khá bằng phẳng, trước đây người Pháp gọi là đồi Hài cốt. Người dân ở đây quen gọi là khu Mả Tây. Khu mộ đã được dẫy cỏ, gọn ghẽ, tường đá xây dựng chắc chắn. Bên ngoài tường rào là các loại cây sứ, cau lên xanh mát. Nhà nguyện được sơn mới sáng sủa. Ngôi nhà này bề ngang 3,5m, dài 12m, cao 4m, gồm một cửa chính và hai cửa sổ. Trên bàn thờ theo nghi thức công giáo, đặt tấm phù điêu Tây Ban Nha. Có một nồi nhang nhỏ với nhiều chân nhang cắm dày. Hiện còn lại 18 ngôi mộ nhỏ và 14 ngôi mộ lớn. Trong số đó có những ngôi mộ mà bia đá còn rõ chữ để đọc như mộ Casoon Cabandon, thuộc đại đội 14 chết ngày 8-8-1859; Don Juan Romani chết trận tháng 9-1858; Labra Anton, Đại úy công binh sinh ở Lille 1820 chết ở Đà Nẵng 1858...
Theo tài liệu, khi những phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn vào các pháo đài phòng thủ của quân Việt Nam ở Đà Nẵng vào sáng 1-9-1858, mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta, bọn xâm lược đã gặp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Cho đến hết năm 1858, chúng vẫn không sao thực hiện được mục đích mở rộng địa bàn chiếm đóng, phá vỡ thế phòng thủ của ta, nhằm tạo một bước ngoặt cho cuộc chiến tranh. Tướng chỉ huy liên quân lúc bấy giờ là Đô đốc Rigault de Genouilly bèn quyết định chuyển hướng tiến công vào Gia Định. Đầu tháng 2-1859, chúng chỉ để lại ở Đà Nẵng một đại đội lính và vài chiến hạm, số quân còn lại được chuyển vào đánh chiếm Gia Định.
Ngày 8-5-1859, Rigault de Genouilly đưa quân quay lại Đà Nẵng, mở một cuộc tấn công quy mô, hòng đảo ngược tình thế và tính cả chuyện đánh ra Huế. Nhưng ý đồ này rốt cuộc đã thất bại. Tháng 2-1860, tướng Page buộc phải cho người xin cầu hòa với ta để thực hiện kế hoãn binh. Sau đó, quân Pháp ở đây được lệnh rút đi chi viện cho chiến trường Trung Hoa. Như vậy, sau gần 19 tháng chiến tranh, quân Pháp đã thất bại trong mưu đồ đen tối của chúng ở chiến trường này, phải cuốn gói và để lại chứng tích “một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá”. Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của giặc, nhưng những nấm mồ quân viễn chinh chôn rải rác khắp chân núi bán đảo Sơn Trà thì vẫn còn đó.
Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho dời hơn 40 mộ sĩ quan đến một gò cao và xây tại đây một nhà nguyện, có tường bao quanh. Dưới nền nhà nguyện là một hầm đào sâu để xếp các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ bốc từ các nơi đưa về. Trên tấm bia đá dựng ở phía trước còn ghi dòng chữ rõ nét: “À la mémoire des Combattants Francais et Espagnols de l'Expédition Rigault de Genouilly mort en 1858-1859-1860, et ensevelis en ces lieux” (Để tưởng nhớ các chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong đội quân viễn chinh của Rigault de Genouilly đã chết vào những năm 1858-1859-1860 và được chôn tại nơi đây).
Các cụ già địa phương cho biết, ở phía đông núi Mỏ Diều và đảo Cô, ven chân núi Sơn Trà, gần bãi tắm Tiên Sa trước đây, còn khá nhiều ngôi mộ của quân Pháp, nhưng khi quân Mỹ đến (1965-1975), khu vực này bị san ủi để mở rộng cảng và thiết lập doanh trại. Khu mộ xuống cấp trầm trọng và trở thành một phế tích. Một thành viên của Hội Pháp ngữ Đà Nẵng cho biết: Năm 2000, một thỏa thuận được ký giữa thành phố Đà Nẵng và Đại sứ quán Pháp cho phép giữ lại quỹ đất và được trùng tu và bảo dưỡng nghĩa địa I-pha-nho. Điều này không phải dễ khi thành phố đang phát triển với tốc độ nhanh. Khu đất lại án ngữ ngay trạm cửa khẩu biên phòng, kế bên nữa là khu du lịch Tiên Sa. Người Đà Nẵng tấm lòng rộng mở và bao dung là điều ai cũng thấy được, vì thế mà nghĩa địa tồn tại đến hôm nay.
Hỏi những người dân bán giải khát ven đường thì họ nói rằng thi thoảng thấy người nước ngoài và trong nước đến thăm khu Mả Tây. Đôi khi có đoàn thủy thủ Pháp vài chục người, mỗi lần thăm thường rất nhanh. Vào những ngày lễ Công giáo, nhiều giáo dân địa phương đến đây cầu nguyện cho những linh hồn lang bạt, xa xứ.
Hồng Vân