Báo Công An Đà Nẵng

Nghĩa tình Gò Giảng

Thứ năm, 11/07/2013 09:24

 

(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu tháng 7, đường vào bãi đất Gò Giảng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) nắng nóng hầm hập. Mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt của CBCS CAH, Tiểu đoàn 75, Dân quân tự vệ... trên công trình giúp dân làm đường giao thông nội đồng. Điểm lấy nước xa, đường cát lún, nhiều tấm thân trần vẫn phơi dưới nắng sàng cát sạn, trộn hồ, đổ bê - tông... “Mệt và vất vả nhưng thấy công việc của đơn vị làm có nhiều ý nghĩa cho dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa. Chúng tôi chẳng quản khó khăn, miệt mài lao động bất kể nắng, mưa để sớm góp phần hoàn thành công trình”, chiến sĩ Lê Văn Đại - Tiểu đoàn 75 tâm sự.

 

Lúc đầu, bà con Gò Giảng chưa thật sự tin tưởng vào những khuôn mặt các chiến sĩ trẻ bởi công việc đổ bê-tông rất nặng nề và phải có tay nghề. Song chỉ sau vài ngày, tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ rất thành thục trong việc san lấp mặt bằng, bà con trong thôn liền xắn tay áo phụ giúp. Đến nay, đoạn đường dài hơn 700m, rộng 3,5m từ Gò Giảng ra tuyến liên xã Hòa Phong - Hòa Phú đã cao ráo hơn hẳn. Ông Thi Lý Dược, Trưởng thôn Dương Lâm 2 nhớ lại: “Con đường vốn là nỗi ám ảnh của bà con mỗi mùa mưa lũ, nước từ trên cao chảy xiết gây sạt lở đường, tạo thành các hang hục ngập nước, rất nguy hiểm... Khi đoạn đường này dự kiến thi công, vật liệu, xi-măng đầy đủ nhưng ngặt nỗi cư dân thưa thớt, không đảm bảo công lao động nên ai nấy cũng lo. Nay các anh về đây làm đường, quả thiệt đúng chỗ”.

 

 

 

  CBCS CAH và Tiểu đoàn 75 thi công đường bê - tông nội đồng.

 

Theo đại úy Ngô Văn Lý, Bí thư Chi đoàn CAH Hòa Vang, công tác dân vận là hoạt động thường xuyên của đơn vị nhưng đó cũng là cách để rèn luyện các chiến sĩ trẻ có điều kiện gần dân và sâu sát với dân hơn. Thông qua các hoạt động dân vận, người dân vùng sâu vùng xa sẽ hiểu hơn về phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang.

 

Được biết, do không chủ động nguồn nước, bao năm qua, hơn 9ha đất ở Gò Giảng chỉ được người dân canh tác gần 6ha sắn và khoai, số diện tích còn lại bỏ hoang. Bây giờ, mọi chuyện đã đổi thay. Tín hiệu hồi sinh của vùng đất khó này dần chuyển động theo tiến độ của dự án chuyên canh hoa cúc do UBND huyện đang gấp rút triển khai. Tuyến đường giao thông nội đồng này khởi công xây dựng cũng là để phục vụ cho dự án trồng hoa cúc ấy. Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện, sau khi hoàn thành xây dựng tuyến đường giao thông, huyện sẽ tiếp tục đầu tư kéo hệ thống điện chiếu sáng, hỗ trợ nhân dân đào giếng khơi, giếng bơm phục vụ trồng hoa. Trước mắt huyện đầu tư 1,8ha đất để thực hiện mô hình trồng hoa cúc, sau đó từng bước mở rộng.

 

An Dương