Báo Công An Đà Nẵng

Nghĩa tình mùa dịch

Thứ bảy, 05/09/2020 09:45

Những ngày cuối tháng 7, Đà Nẵng trở thành “tâm bão” của dịch Covid-19. Mỗi ngày trôi qua, trong khi người dân Đà Nẵng đều âu lo, thấp thỏm với những tin tức về số người nhiễm và tử vong xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì những câu chuyện đẹp về tình người ấm áp trong đại dịch lại khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và lạc quan...

Những người “bí ẩn” lặng lẽ viện trợ những suất ăn ấm áp cho các điểm chốt trực.

0 giờ ngày 28-7, lệnh phong tỏa 3 bệnh viện liền kề là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng chính thức được thực hiện. Lập tức hàng rào chắn được thiết lập quanh các tuyến đường lân cận của 3 bệnh viện này cùng với tấm bảng “Khu vực cách ly” khiến nhiều người chạnh lòng. Nhưng chỉ khi trời vừa hửng sáng, bên ngoài khu vực bị phong tỏa, những chuyến xe đổ về trước cổng bệnh viện mỗi lúc một đông hơn. Họ chở theo hàng hóa, nhu yếu phẩm và chở theo tấm lòng của cả cộng đồng với mong muốn tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch.

Đứng trước khu vực phong tỏa của Bệnh viện C, lần đầu tiên tôi được thấy tình người lan tỏa mạnh mẽ thế nào. Từng “núi hàng” cao chất ngất cứ liên tục được chuyển đến phủ kín cả con đường. Tôi kịp nhận ra bà Đặng Thị Thu Vinh là Hội trưởng Hội cháo Từ thiện Mỹ Khê cũng có mặt cùng chuyến xe hàng nghĩa tình gửi đến khu vực bên trong các bệnh viện. Cứ đều đặn 1 tháng 2 lần, ròng rã gần chục năm nay nồi cháo từ thiện của bà luôn có mặt ở các bệnh viện giúp đỡ người nghèo. Tất bật cùng mọi người trong đoàn đưa hàng xuống đất rồi dặn dò, đọc thông tin cho các nhân viên y tế nhận đồ, người phụ nữ đã bước qua tuổi 60 cho hay: “Dịch lần này diễn biến phức tạp hơn, không chỉ bệnh nhân thiếu thốn trăm bề mà ngay cả đội ngũ y bác sĩ căng mình làm việc cả ngày lẫn đêm cũng rất cần được tiếp sức. Bên trong bệnh viện thiếu gì, cần gì thì Hội chúng tôi sẽ hỗ trợ hết khả năng với hy vọng cuộc chiến này sẽ không ai lùi bước”. Vừa dứt lời bà Vinh lại khẩn trương lên đường tiếp tục đem những chuyến hàng với hàng loạt nhu yếu phẩm đến những bệnh viện khác trên địa bàn Đà Nẵng.

Cách khu vực bị phong tỏa không xa, chị Hồ Hoàng Trâm (P. Thạch Thang, Q. Hải Châu) cũng bận bịu tập kết những thùng hàng được người dân tin tưởng đem đến ủng hộ cho các hoạt động của chị. Vốn là người kinh doanh hàng ăn online, dịch bệnh đến chị dừng hoạt động đúng theo chỉ thị. Ngay ngày đầu tiên phong tỏa chị đã làm 140 ổ bánh mì pate xá xíu cùng mọi người đem đến bệnh viện. Không dừng lại ở đó, thông qua mạng xã hội facebook, chị đứng ra kêu gọi, vận động ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch. Bất ngờ thay, số lượng người ủng hộ trong những ngày đầu tăng nhanh chóng, các thùng hàng nhu yếu phẩm lần lượt nối đuôi chất đầy sân nhà chị. Không có khả năng chứa hết, chị Trâm đã nảy ra ý tưởng mượn phòng học của Trường THPT Trần Phú để tập kết hàng. Chị và con gái túc trực cả ngày tại trường để đón nhận những tấm lòng của Mạnh Thường Quân mà quên cả ăn uống.

Khuôn viên Trường Trần Phú là nơi tiếp nhận hàng ủng hộ do chị Trâm kêu gọi.

“Mình là người đứng ra kêu gọi thì phải có trách nhiệm với tấm lòng của mọi người. Đa phần các Mạnh Thường Quân ủng hộ cho tôi đều là những phụ nữ nội trợ, hay kinh doanh buôn bán. Tuy họ không dư dả nhiều nhưng các anh chị đều chung một tấm lòng tiếp sức cùng thành phố. Có gia đình tự may cả chăn đem đến, các bạn trẻ thì pha nước cam, nước chanh đóng chai cẩn thận, có chị chở cả trăm ký trái cây các loại đến tận nơi nhờ tôi ủng hộ”, chị Trâm chia sẻ.

 Không chỉ riêng ở điểm nóng tại 3 bệnh viện phong tỏa, những ngày dịch bệnh, khi ghé ngang các chốt trực, tuy đã 11 giờ đêm nhưng các chiến sĩ Công an, lực lượng dân quân, bỗng chốc lại được những người “bí ẩn” lặng lẽ “viện trợ”. Đó là những ổ bánh mỳ nóng, những hộp cơm đầy đủ dinh dưỡng hay hộp sữa, nước trái cây và có cả những tấm chăn ấm để các anh tiếp năng lượng trong các đêm trực. Thật ấm áp biết bao khi cuộc chiến nhiều khó khăn này còn có sự chia sẻ, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp với những nghĩa cử cao đẹp. Tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau như tiếp thêm nguồn năng lượng quý giá để toàn dân chung sức chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Bất kỳ thời điểm nào người Việt cũng luôn sát cánh bên nhau để chiến đấu kẻ thù, cho dù là hữu hình hay vô hình. 

DIỆU HUYỀN