Báo Công An Đà Nẵng

Nghịch lý đất dự án bỏ hoang, dân "khát" đất sản xuất

Thứ năm, 09/03/2017 11:11

(Cadn.com.vn) - Năm 2005, tỉnh TT-Huế bàn giao 150 ha đất tại xã Phong Chương (H. Phong Điền) cho Công ty Cổ phần Bảo Toàn A (viết tắt: Cty BTA) để đầu tư dự án Nhà máy chế biến thủy tinh silicat. Sau 12 năm được giao đất, hiện dự án trên vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục nào, còn đất thì bị bỏ hoang trong khi người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Phong Chương Lê Viết Phước cho biết, năm 2005, khi tỉnh có quyết định bàn giao 150ha đất cát trên địa bàn cho Cty BTA, xã và huyện đã khẩn trương đo đạc, hoàn tất các thủ tục để tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư triển khai dự án. Ngay sau khi được bàn giao đất, Cty BTA tổ chức động thổ rồi từ đó bỏ hoang đến nay. Theo ông Phước, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với các đoàn đại biểu Quốc hội, tỉnh, huyện; chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xem xét, nếu Cty BTA không triển khai DA thì nên thu hồi và giao đất cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.

Có mặt tại DA này vào một ngày đầu tháng 3-2017, chúng tôi ghi nhận, ngoài 1 tảng đá được dựng lên có mấy dòng chữ đã phai mờ thì cả khu đất rộng bạt ngàn này không hề có tường rào che chắn. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng thôn Trung Thạnh (xã Phong Chương) cho biết, toàn thôn có hơn 200 hộ dân, trong đó có 15 hộ nghèo. Cuộc sống của nhiều hộ dân trong thôn rất khó khăn do thiếu đất để phát triển sản xuất, nhất là trồng rừng kinh tế. Theo ông Tuấn, nếu 150ha đất này được cấp một phần cho người dân phát triển trồng rừng thay vì cấp cho Cty BTA để rồi bỏ hoang thì cuộc sống người dân sẽ thay đổi nhiều.

150ha đất cấp cho Cty BTA bỏ hoang gần 12 năm nay.

Trao đổi về Dự án của Cty BTA được giao đất nhiều năm nhưng không triển khai, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó trưởng Phòng TN&MT H. Phong Điền, cho biết: Cử tri đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị cấp trên xem xét về tính khả thi của DA. Tuy nhiên thẩm quyền lại thuộc Bộ TN&MT cấp phép nên tỉnh và huyện rất khó xử lý.

Nghịch lý người dân "khát" đất sản xuất trong khi đất DA lại bị bỏ hoang ở xã Phong Chương cũng là thực trạng đang diễn ra ở xã Phong Hòa- nằm cạnh đó. Tháng 8-2006, Cty TNHH Sơn Tùng được cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản trên diện tích hơn 10ha đất cát, đồng thời cho phép thăm dò mỏ cát thạch anh trên diện tích 70ha tại 2 xã Phong Hòa và Phong Bình (H. Phong Điền). Mặc dù có sẵn công nghệ chế biến thủy tinh silicat từ cát trắng nhưng Cty Sơn Tùng chỉ khai thác cát thô vận chuyển đi tiêu thụ một thời gian rồi bỏ hoang đất được cấp từ đó đến nay. Điều đáng nói, sau khi khai thác cát thô, doanh nghiệp này không hoàn thổ mặt bằng và trồng cây tái tạo môi trường theo quy định.

Nói về dự án của Cty Sơn Tùng, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND H. Phong Điền, bức xúc: "DA của Cty Sơn Tùng sau khi khai thác cát thô đã "bỏ của chạy lấy người", huyện cũng không biết tìm ở đâu để yêu cầu khắc phục những hậu quả...". Theo ông Hùng, các DA được cấp phép liên quan đến cát trắng chậm triển khai trên địa bàn H. Phong Điền hầu hết đều do Bộ TN&MT cấp phép.

H.Lan