Báo Công An Đà Nẵng

Nghịch lý đến bao giờ?

Thứ hai, 24/11/2014 11:17

(Cadn.com.vn) - Theo ông Lê Văn Hiểu - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng - trong khi việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) ngày càng khó khăn hơn thì lượng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm cũng ngày càng tăng. Nhu cầu nhân lực có chất lượng cao của DN đang là đòi hỏi cấp bách nhưng việc đào tạo chưa đáp ứng được.

Ông Phan Tiềm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải - cho biết, hiện có khoảng 10% số lao động làm việc tại khu phức hợp Chu Lai của Trường Hải đã tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, nơi có chất lượng đào tạo khá cao so với mặt bằng miền Trung. Đây có thể xem là nguồn nhân lực cao nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chẳng hạn yếu về kỹ năng thực hành, kỹ năng nghe nói ngoại ngữ, yếu kiến thức tin học văn phòng...

Cũng theo ông Tiềm, 94% sinh viên mới ra trường cần phải được đào tạo lại, riêng về kỹ năng mềm chiếm 92%, nghiệp vụ chuyên môn 61%. Nguyên nhân được chỉ ra là việc đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu DN cần; sinh viên không thấy được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, không rèn luyện, không tự tin.

Khoảng cách này bắt nguồn từ nhận thức về đào tạo giữa nhà trường và DN còn khác nhau. Thực tế đó đòi hỏi việc gắn kết giữa đào tạo và sử dụng của DN phải chặt chẽ, thiết thực hơn. Ông Hiểu đề xuất, nhà trường và DN cần phối hợp điều tra thị trường, tập hợp đơn đặt hàng của DN về nhu cầu để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp.

Bên cạnh đó cần tập hợp lực lượng doanh nhân, quản lý bậc cao tại DN (có bằng cấp theo điều kiện cần) thành một lực lượng giảng viên, phụ giảng tùy theo chuyên đề. Các trường và DN cũng cần hợp tác xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ đồng thời thương mại hóa các hoạt động hợp tác nghiên cứu. Nếu việc phối hợp được triển khai chặt chẽ sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn.

Cụ thể các DN có thêm cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, phù hợp, giảm bớt thời gian, chi phí đào tạo lại; với sinh viên, sự hợp tác này cho phép họ tự điều chỉnh nhận thức, nâng cao động lực học tập, kỹ năng chuyên môn, tăng cơ hội tìm việc làm. Với nhà trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo “đầu ra” cho thị trường...

DN rất khó khăn để tuyển chọn được nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu công việc (Trong ảnh: DN tuyển sinh viên tại ĐH Đông Á). Ảnh: CÔNG KHANH

Vấn đề đặt ra không mới nhưng thực tế thì như ông Huỳnh Văn Ngộ - Phó GĐ Sở KH&CN Đà Nẵng – thừa nhận “việc phối hợp này còn khá lỏng lẻo”. Trong khi các DN chưa có chiến lược về tiếp thu công nghệ, chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu để cải tiến kỹ thuật, còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài thì các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu hầu như mới thực hiện các đề tài nhỏ lẻ, các đề tài này lại chưa xuất phát từ nhu cầu của DN.

Mặt khác về phía chính quyền lại chưa tạo được sự đột phá trong thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, các sàn giao dịch công nghệ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, năng lực trung gian môi giới công nghệ còn yếu, các cơ chế chính sách hỗ trợ gặp khó khăn nhất định... Chính những tồn tại đó đã dẫn đến sự lệch pha, thiếu kết nối chặt chẽ giữa “ba nhà”, hậu quả là DN thì cứ đỏ mắt tìm nhân lực có trình độ cao, còn sinh viên ra trường thì cứ thất nghiệp.

Để tìm một giải pháp hiệu quả trong phát triển nhân lực cao đòi hỏi các bên phải tự lấp các khoảng trống, tự tìm tới nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn DN có thể hợp tác, đầu tư cùng các trường, viện để nghiên cứu, tạo sản phẩm công nghệ hoặc đặt hàng công nghệ theo yêu cầu của mình.

Ngược lại các trường, viện cũng phải thực hiện nghiên cứu sát với đời sống, các sáng chế phải tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn của DN... Trong khi đó phía chính quyền cần chủ động phát triển các vườn ươm công nghệ, lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ, đóng vai trò kích thích và áp chế để DN đổi mới công nghệ. Đây cũng là xu hướng chủ yếu trong quá trình phát triển mà các nước tiên tiến đã áp dụng.

Thành Nam