Báo Công An Đà Nẵng

Nghịch lý mang tên VietGap

Thứ ba, 13/03/2018 16:13

Là một vựa rau lớn với nhiều vùng sản xuất chuyên canh nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là thương hiệu rau sạch VietGap.

Vựa rau VietGap cũng phải bán trong các chợ như rau thường.

Vùng rau Duy Phước nằm ở thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, H. Duy Xuyên (Quảng Nam) là một trong những vùng rau đầu tiên ở khu vực miền Trung được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là vùng rau canh tác theo quy trình VietGap vào năm 2012. Thế nhưng chỉ vài năm sau khi đưa vào hoạt động vùng rau này đã nhanh chóng trở về mô hình canh tác cũ. Khi thị trường bão hòa, các đối tác kinh doanh  ngừng nhập rau khiến người trồng rau nơi đây phải tự mang đi tiêu thụ nhỏ lẻ. Và mặc dù rau được trồng và đóng gói theo quy trình nhưng các xã viên của Tổ hợp tác rau Duy Phước hàng ngày phải mang từng bó rau ra chợ bán như giá rau được trồng bình thường. Sự việc này đã khiến không chỉ mô hình rau sạch nơi đây chết yểu mà còn khiến cho nông dân những vùng lân cận cũng nhanh chóng từ bỏ ý định trồng rau sạch. Người dân không còn mặn mà với quy trình VietGap bởi kỹ thuật trồng khắt khe, mà giá cả không cao so với các vùng rau thường.

Nhà sơ chế của Tổ hợp tác rau Duy Phước với quy mô 400m2 trước đây nhộn nhịp với những hàng xe rau xếp hàng dài chờ đóng gói mang đi tiêu thụ nay phải đóng cửa bỏ không. Giấc mơ về việc xây dựng một vùng rau sạch chưa kịp hình thành đã tan vỡ. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT H. Duy Xuyên cho biết: “Nằm ven sông nên huyện có nhiều cơ hội để phát triển vùng rau sạch. Tuy nhiên điều thiếu nhất không phải là có ai tham gia trồng không hoặc rau có đảm bảo chất lượng không mà chính là đầu ra. Toàn huyện đã quy hoạch tới 30 ha rau quả theo hướng an toàn và sạch, tuy nhiên do đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định nên hiện nay diện tích trồng rau quả của huyện đang giảm dần. Chúng tôi cũng đang rất phân vân về vấn đề này”.

Trong khi đó, tại làng rau Bàu Tròn (H. Đại Lộc) một trong số những vùng trồng rau sạch lớn nhất Quảng Nam thì mô hình rau VietGap cũng là mục tiêu mà làng rau hướng đến. Giai đoạn 2013 - 2014, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm tổ chức đã có gần 50 hộ sản xuất tại Bàu Tròn đã tiếp cận và làm chủ kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cũng được quy hoạch trên diện tích gần 24ha trong tổng số 47ha chuyên canh cây rau hàng hóa của Bàu Tròn. Để phát triển mô hình này, nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn được đầu tư xây dựng với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trên tổng diện tích 156m2, bao gồm hệ thống làm sạch, sấy, sục khí 0zon, phòng lạnh bảo quản, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đóng gói, dán nhãn hàng hóa...

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Đại An thì chính việc thử nghiệm mô hình VietGap chưa đồng đều trong sản xuất lại mang đến nhiều nguy cơ. Trong đó nguy cơ lớn nhất là hộ này làm VietGap, hộ kia không theo, việc triển khai trở nên không đồng đều. Các mẫu rau xuất xứ từ làng Bàu Tròn cũng phải được quản lý chặt chẽ để tránh nhập nhằng thị trường. Nói về việc sản xuất rau theo hướng VietGap tại làng rau Bàu Tròn, bà Mai Thị Lý (56 tuổi, Tổ viên HTX rau Bàu Tròn) cho biết nhiều hộ trồng rau vẫn muốn trồng theo mô hình cũ vì đầu ra thuận lợi hơn. “Trồng rau trong điều kiện thời tiết thường xuyên mưa lũ thì hiệu quả không cao. Hơn nữa mô hình VietGap rất phức tạp đòi hỏi sự cầu kỳ trong chăm bón, không sử dụng thuốc trừ sâu thì giá thành sản xuất rau cũng rất cao. Nông dân chúng tôi không dám mạo hiểm”, bà Lý chia sẻ.

Nói về nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Quảng Nam, ông Lê Muộn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết là mục tiêu lâu dài của tỉnh trong bối cảnh thị trường đang cần các sản phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ.  Theo ông Muộn, hiện tỉnh đã có 2 vùng rau được chứng nhận VietGap  là vùng rau quả Bàu Tròn ở xã Đại An, H. Đại Lộc với diện tích hơn 30ha; vùng Bình Triều, Thăng Bình với diện tích hơn 20ha. Đặc biệt, hình thành được vùng rau chuyên canh hữu cơ, kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm ở làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An (11ha)... Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch thời gian qua ở Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi hiện nay yêu cầu của người tiêu dùng rất cao, song con đường để sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng còn rất gian nan. Ông Muộn khẳng định Sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân về trồng rau chất lượng. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của các ngành như y tế, công thương tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ  nông sản. Có như vậy thì người tiêu dùng mới yên tâm về nguồn gốc rau trên thị trường.

ĐỒNG DAO