Nghịch lý thanh kiểm tra khai thác cát tại Quảng Nam: Thanh tra ít người, chạy không xuể?
Khi đi thực tế hiện trường tại các "điểm nóng" khai thác cát trái phép, chúng tôi được một cảng vụ viên thuộc Đội Quản lý bến thủy nội địa thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam cho biết, dù ra quân quyết liệt nhưng lực lượng mỏng nên không đủ người để kiểm tra, quán xuyến hết được việc tuân thủ hoạt động của các mỏ cát, đặc biệt là ở khu vực Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên...
Từng núi cát được hút từ lòng sông, máy xúc tiến sát gần làng ngay bên chân cầu Hà Nha (H. Đại Lộc). |
Nơi siết chặt, chỗ ngó lơ?
Tại một bến thủy nội địa nằm dưới chân cầu Giao Thủy thuộc địa phận xã Đại An, H. Đại Lộc (Quảng Nam), lực lượng thanh tra của Sở GTVT luôn có 2 người túc trực để kiểm soát việc khai thác, tập kết, vận chuyển cát đi tiêu thụ. Cảng vụ viên Đinh Văn Vương cho biết, cơ quan chức năng giám sát giờ hoạt động (từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày), phương tiện ra vào cũng như khối lượng vận chuyển theo thiết kế của thùng xe. "2 tuần vừa rồi chúng tôi làm quyết liệt thì các bến, mỏ, phương tiện tuân thủ tuyệt đối. Đối với phương tiện đường sông thì vận chuyển khối lượng ngang mớm nước được cơ quan đăng kiểm quy định, còn phương tiện đường bộ thì chỉ được chở ngang thùng, vượt quá là không cho đi. Quá trình kiểm tra cũng đã đình chỉ, xử phạt một số mỏ do đã hết hạn khai thác, vượt bến bãi được cấp phép", ông Vương cho hay.
Khác với khu vực có mặt cơ quan chức năng, "trận địa cát" ở hai bên cầu Hà Nha thuộc xã Đại Đồng, H. Đại Lộc lại rầm rộ từ dưới lòng sông, trên các cánh đồng, trên quốc lộ và đường liên xã. Không chỉ rút ruột lòng sông, các bãi bồi, mà làng xóm dọc bờ sông cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tình hình ANTT bị ảnh hưởng. Đứng từ trên cầu nhìn về phía thượng nguồn, những bãi cát lấn dần ra giữa lòng sông với hàng chục phương tiện gồm xe múc, xe ben loại lớn, xe tải hoạt động rầm rộ liên tục như một đại công trường. Trước đây, dòng sông chảy theo một hướng thẳng về xuôi, nhưng lâu dần các mỏ cát di chuyển theo bãi bồi đã bức tử, thu hẹp dòng chảy về phía thôn Vĩnh Phước thuộc xã Đại Đồng. Phía hạ lưu, một mỏ cát khác lại lấn ra, chặn dòng về hướng ngược lại khiến hình thù sông Vu Gia đoạn chảy qua chân cầu Hà Nha trở nên nham nhở, biến dạng một cách thảm hại so với thời gian trước đây. "Gần hết đời tôi sống ở đây giờ chứng kiến cảnh này mà xót. Trên đường làng thì xe quá tải chở cát chạy rầm rầm khói bụi mù mịt, dưới chân cầu thì máy múc, xe ben hoạt động cả ngày không nghỉ. Đáng sợ nhất là dòng chảy, bãi bồi bị biến dạng, tôi lo chân cầu Hà Nha có ngày rồi cũng bị sụt xuống", ông Huề, một người dân thôn Vĩnh Phước, xã Đại Đồng cho biết.
Sáng 21-1, dù đang trong thời gian ra quân thanh tra, kiểm tra nhưng tại các mỏ cát lộ thiên đang hoạt động hết công suất ở hai bên cầu không hề có bóng dáng của lực lượng thanh tra, kiểm tra như lời của cảng vụ viên thuộc lực lượng Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã nói. Chính vì vậy, các loại xe ben, xe tải tranh thủ chở vượt khối lượng so với thiết kế. Nhiều xe chỉ phủ bạt sơ sài, khi lưu thông để rơi vãi cát, nước xuống đường và cũng không hề phun tưới theo quy định. Khi được hỏi vì sao có sự khác biệt về chế độ thanh tra, kiểm tra khiến nơi siết chặt nơi buông lỏng như thế này, ông Đinh Văn Vương giải thích là do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên chạy qua chạy về không xuể. Mặt khác ở khu vực này là các mỏ lộ thiện, không phải bên thủy nội địa nên việc kiểm tra, xử lý thuộc lực lượng thanh tra đường bộ (?!). "Lực lượng mỏng, bến nhiều nên cứ chạy qua chạy về miết. Mỏ không có bến bãi thì chỉ nhắc nhở không cho phương tiện chở quá tải ra khỏi bến thôi. Họ không có bến nên mình không kiểm soát. Sau này lực lượng thanh tra sẽ tham mưu Sở đề nghị UBND tỉnh lắp đặt camera", ông Vương cho hay.
Lý giải vì sao có nơi thanh tra túc trực cả ngày, có nơi lại không có bóng dáng lực lượng chức năng, ông Vương nói là vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng. |
Thanh kiểm tra nhưng chưa ban hành kế hoạch!
Ông Phạm Ngọc Thanh- Chánh thanh tra Sở GTBT Quảng Nam cho biết, lực lượng thanh tra Sở quân số ít nhưng phải thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực nên phải liên tục chạy chỗ này qua chỗ khác. Chính vì vậy công tác thanh kiểm tra cũng còn nhiều thiếu sót, xử lý chưa quyết liệt. Khi được hỏi vì sao lực lượng mỏng nhưng có nơi thì hai ba người cắm chốt trong mỏ cát của doanh nghiệp, có nơi để xe cộ, phương tiện chở quá khổ quá tải, rơi vãi gây bụi trên đường mà không thấy bóng dáng của lực lượng thanh tra? Ông Thanh giải thích: "Toàn lực lượng được có mười mấy người chứ mấy. Thành ra cứ phải nay chỗ này mai chỗ khác. Nhưng mà việc cán bộ thanh tra vào tận trong mỏ để kiểm tra là không có, vì không đúng chức năng". Chúng tôi đưa dẫn chứng về hiện tượng này thì ông khẳng định việc làm như vậy là không đúng và sẽ chấn chỉnh để chia quân ra làm việc đều, siết chặt hơn trong việc tuân thủ quy định khai thác, vận chuyển cát sỏi. Về việc ưu tiên lực lượng thanh tra đối với các bến thủy nội địa mà nhẹ tay đối với các mỏ cát lộ thiên như lời của các cảng vụ viên nói, ông Thanh cũng khẳng định "Không có sự phân biệt nào ở đây cả. Chỉ là ở các mỏ lộ thiên thì phần lớn kiểm tra qua camera của cơ quan thuế đã lắp đặt tải các mỏ. Chúng tôi muốn có thông tin cũng phải liên hệ với họ". Về kế hoạch thanh tra, ông Thanh giới thiệu liên hệ với cấp phó để được cung cấp văn bản, nhưng Phó chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết là lực lượng đi làm trên thực tế chứ chưa xây dựng kế hoạch!
Trong một báo cáo mới đây, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam đánh giá: đối với các mỏ cát được cấp phép khai thác tại chân cầu Hà Nha, các tác động môi trường chính của các dự án khai thác cát tại đây đã gây ảnh hưởng ra nhiều thực trạng như: hoạt động vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ phát sinh bụi, ảnh hưởng đến khu dân cư trên các tuyến đường, nước thải, chất thải rắn; các sự cố sạt lở, sự cố tràn dầu trên sông. Tuy nhiên với chế độ thanh tra, kiểm tra theo kiểu bên trọng bên khinh, "đuổi gà qua đám giỗ" như thế này thì việc siết chặt kỷ cương trong hoạt động khai thác cát nói riêng và khoáng sản nói chung của Quảng Nam sẽ chỉ như đá ném ao bèo.
ĐÔNG A