Nghịch lý trong giáo dục
(Cadn.com.vn) - 1.Tình cờ tôi nghe được cuộc trò chuyện của 2 học sinh (HS) THPT: "Bạn không đi học thêm toán thầy…nữa hả? Mình thấy thầy dạy cũng được mà". "Được! Nhưng tiền học đắt quá, mỗi suất hơn 30 đứa, đang 300.000 đồng/tháng, tự nhiên thầy tăng lên 350.000 đồng/tháng với lý do mắc điều hòa. Như vậy mỗi đứa trả thêm 50.000 đồng/tháng để trả tiền điện chạy máy điều hòa cho nhà thầy. Nghe nói, mỗi tháng, thầy và vợ thầy (cũng là cô giáo) dạy thêm, dạy kèm, kiếm trên 200 triệu có dư, nuôi con du học tự túc. Trong khi đó, ba mẹ mình một tháng làm cật lực, tổng lương cộng lại khoảng 10 triệu. Chỉ riêng việc lo cho anh em mình đi học thêm thôi cũng đã ngốn hết 2 triệu đồng/tháng. Vậy nên mình quyết định bớt đi học thêm, ở nhà tự học, rồi hỏi thêm bạn cũng được… Mà bạn có thấy nghịch lý không? Cùng làm Nhà nước như nhau, có người ngoài lương còn kiếm thêm thu nhập bộn tiền; có người thì cày cục mãi cũng không khá lên nổi!".
Người bạn cãi: "Đó là công sức, chất xám thầy bỏ ra, chứ thầy có lấy của ai đâu?". "Ừ! có lý. Nhưng mà bạn không thấy nghịch lý à? Thầy mở lớp dạy thêm nghĩa là thầy phải đảm bảo về cơ sở vật chất để dạy học. Việc thầy mắc thêm máy điều hòa cũng nằm trong điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất để thu hút HS đến học, sao lại bắt phụ huynh và HS "gánh" phần này?". "Kể cũng lạ! Cũng bài giảng đó ở trên trường, học không hiểu, đi học thêm hiểu liền. Có khi nào thầy cô "giữ nghề" để…dạy học thêm không?"…
Tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu học trò THPT có suy nghĩ như em HS nọ? Và liệu, khi các thầy cô nghe được điều này, họ sẽ nghĩ gì về điều các em nghĩ về mình?
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (ảnh minh họa). Ảnh: P.T |
2. Như thế nào là một giáo viên giỏi (GVG)? Phải chăng, GVG là GV "đắt sô" dạy học thêm? Đối với những HS có học lực từ trung bình trở xuống, thì với các em, GV nào dạy để hiểu bài, từ đó áp dụng vào việc làm bài tập được thì được xem là GVG. Đối với HS có học lực từ khá trở lên thì GVG phải là người định hướng, gợi mở và nâng cao kiến thức cho các em. Đánh giá, nhận xét nào cũng có lý. Mới đây, một PH than thở với tôi không thể đăng ký cho con theo học lớp học thêm của một thầy giáo được nhiều PH-HS đánh giá giỏi với lý do, con của chị không đạt điểm môn Toán từ 8,0 trở lên (?!)…
Trong quá trình đi thu thập tư liệu để chuẩn bị bài vở cho đầu năm học mới, tôi nghe không ít nhà quản lý giáo dục bậc tiểu học (TH) tâm sự về nỗi khổ trong công tác quản lý ở bậc học này. Cụ thể rằng, có không ít GV được phân công dạy lớp 1, sau tuần đầu tiên nhận học trò vào trường đã lên gặp BGH than thở rằng học trò của mình không nhận biết bảng chữ cái đến việc cầm bút viết…
Những người làm công tác quản lý giáo dục phải phân tích: "Thì các cháu bắt đầu vào lớp 1, không biết gì là đúng rồi. Mới một tuần, chưa dạy gì nhiều sao biết là các cháu không học được? Nhiệm vụ của chúng ta là dạy cho các em biết đọc, biết viết cơ mà. Dạy cho một đứa trẻ từ không biết gì trở nên biết gì mới khó, mới cần đến vai trò của người thầy"…Có một thực tế đã, đang diễn ra trong môi trường giáo dục bậc TH khối đầu cấp đó là, GV có thói quen chỉ thích dạy học trò biết tất tần tật, không thích nhận học trò chưa được "khai vỡ".
Trong khi đó, trách nhiệm chính của GV lớp 1 là tập uốn nắn, rèn luyện cho các em làm quen và tiến tới đọc được, viết được, tính cộng trừ cơ bản của chương trình. Bổn phận, trách nhiệm của GV bậc TH là dạy đi kèm với dỗ là chính, rèn cho các em HS các kỹ năng cơ bản và hình thành nên trong các em những thói quen tốt…
Việc GV TH đòi hỏi HS đầu cấp học của mình phải nhận biết và học thuộc lòng bảng chữ cái, đọc thông, viết thạo có được xem là nghịch lý trong giáo dục hiện nay không, khi mà Bộ GD-ĐT "cấm" tình trạng dạy học trước tuổi đối với bậc học mầm non? Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều gia đình vì hoàn cảnh, không đủ điều kiện cho con đi học mẫu giáo, đợi đến lúc con đủ tuổi mới nộp hồ sơ vào lớp 1, thì làm sao các em có thể biết mặt chữ cái, hay đọc thông viết thạo được?
3. Còn nhớ, tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2012 do ngành GD-ĐT TPĐN tổ chức, nhà giáo Phạm Phát có phát biểu, đại ý: Lâu nay, chúng ta luôn giữ lối tư duy, tưởng rằng, người thầy là tấm gương để HS noi theo. Ít ai chú ý, chính HS là tấm gương thật phản chiếu tất cả nhất cử, nhất động của người thầy.
Theo đó, cái hay, cái xấu của mỗi thầy cô giáo, HS đều cảm nhận được cả… Sự nghiệp và sứ mệnh của nghề giáo là vô hạn. Nó như là thứ ánh sáng không bao giờ tắt, cứ đời này, truyền sang đời khác, cứ thế nhân lên. Đối với nghề giáo, một thầy giáo tốt, một thầy giáo đúng nghĩa sẽ là "hiền tài là nguyên khí quốc gia"…
Có thể nói, sự học hiện nay bị chi phối bởi rất nhiều áp lực. Thậm chí, vì những áp lực đó mà giáo dục phần nào đó đã có dấu hiệu xa rời mục đích, ý nghĩa của mình, đó là giáo dục nhằm đào đạo con người. Một thực tế khác cho thấy, căn bệnh thành tích trầm kha ảnh hưởng quá sâu rộng nền giáo dục hiện nay, nên việc đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gặp nhiều khó khăn, nan giải.
Nhân dịp năm học mới đang đến gần, với bài viết nhỏ này, người viết hy vọng, cùng với sự trân trọng và kỳ vọng mà xã hội luôn dành cho ngành GD-ĐT, sự nghiệp giáo dục của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung sẽ biết cách "gạn đục, khơi trong" để tiến lên phía trước…
P.Thủy