Báo Công An Đà Nẵng

Nghịch lý vaccine ở Mỹ

Thứ ba, 03/08/2021 12:24

Hơn 60% dân số trưởng thành của Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức 85-90% cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng vấn đề là hiện nay người dân không mặn mà với việc đi tiêm khiến các cơ sở y tế đang thừa vaccine và có nguy cơ phải tiêu hủy.

Người dân Mỹ đi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Times

Khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao vào mùa xuân và các ca nhiễm giảm mạnh, nhiều bang nới lỏng các biện pháp hạn chế chống lây nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố những người đã được tiêm chủng đầy đủ có thể bỏ khẩu trang.

Nhưng giờ đây, tình hình đang xoay chuyển theo chiều hướng đáng lo ngại.

Người Mỹ tức giận với người chưa chịu tiêm vaccine

Họ cho rằng những người không chịu tiêm chủng là nguyên nhân làm cho dịch COVID-19 kéo dài và chính quyền phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch thay vì tất cả cùng có một mùa Hè thoải mái đi du lịch.

Biến chủng Delta hiện đang hoành hành ở Mỹ khiến số ca nhiễm mới tăng đột biến. tình trạng này khiến nhiều người đã tiêm vaccine ở Mỹ ngày càng giận dữ với những người từ chối tiêm chủng. Tại Mỹ, số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày tăng hơn 400% so với tháng trước. Các bệnh viện lại quá tải bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều người trẻ và hầu hết chưa được tiêm chủng. Nhiều khu vực tại Mỹ bắt đầu áp dụng lại quy định đeo khẩu trang. CDC tuần trước đã cập nhật hướng dẫn, khuyến cáo những người đã tiêm đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong nhà tại những khu vực lây lan mạnh, nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến chủng Delta nguy hiểm.

Điều này khiến những người dân có ý thức phòng bệnh và đã tiêm vaccine nhận thấy cuộc sống của họ bị xáo trộn vì lựa chọn không tiêm chủng của người khác. Hôm 29-7, Tổng thống Biden đã thông báo hàng triệu nhân viên liên bang sẽ phải tiêm vaccine hoặc trình xét nghiệm âm tính và phải đeo khẩu trang. Giám đốc khoa học Mitch Prinstein của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho rằng, việc người đã tiêm vaccine cảm thấy tức giận với việc đeo khẩu trang trở lại là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, nhà báo Mỹ Geraldo Rivera khẳng định trên Fox News rằng những người không đi tiêm là "ngạo mạn" và "ích kỷ".

10 bang đã lãng phí hơn 1 triệu liều vaccine

Trên cả nước Mỹ hiện nay có 60,2% số người trưởng thành đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức 85-90% mà các chuyên gia dịch tễ cho là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó chế ngự hoàn toàn dịch bệnh.

Điều nghịch lý là hiện các cơ sở y tế Mỹ đã dư thừa vaccine cho nhiều tháng và 10 bang ở nước này đã lãng phí hơn 1 triệu liều vaccine kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 12-2020. Theo một cuộc khảo sát tại 10 tiểu bang của tờ New York Times, phần lớn thiệt hại xảy ra do nhu cầu tiêm vaccine giảm mạnh. Vào giữa tháng 4, nước Mỹ trung bình tiêm 3,4 triệu mũi mỗi ngày, nhưng đến nay đã giảm xuống 5 lần.

Các quan chức Mỹ cho biết, tại bang Georgia, hơn 110.000 liều đã bị tiêu hủy. Trong số hơn 53.000 liều bị lãng phí ở New Jersey, gần 20.000 liều đã bị hủy vào tháng 6, tăng so với con số 4.000 liều vào tháng 4.  Tại Ohio, hơn 370.000 liều được các nhà cung cấp liên bang thông báo là không sử dụng được, trong khi khoảng 50.000 liều ở Maryland cũng không dùng đến. 

Lý do lãng phí vaccine nằm trong khâu bảo quản và vận chuyển. Lọ chứa vaccine bị vỡ, hết hạn sử dụng hoặc các liều đã được chuẩn bị trước nhưng người dân không đến tiêm theo lịch đã hẹn. Nhưng không chỉ 10 bang này, các bang khác nguy cơ phải đối mặt với một số vấn đề tương tự, động thái cho thấy, số lượng vaccine lãng phí trong nước có thể cao hơn nhiều. Sự gia tăng số lượng vaccine bị lãng phí phản ánh thách thức hệ thống y tế Mỹ đang phải đối mặt.

Theo tiến sĩ Marcus Plescia, Giám đốc Hiệp hội các quan chức y tế Mỹ, nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng lần hai liên quan đến vaccine. "Ban đầu, mọi người rơi vào cuộc khủng hoảng khát vaccine do thiếu nguồn cung. Bây giờ, chúng tôi đã có đủ vaccine nhưng mọi người lại không muốn tiêm", tiến sĩ Marcus Plescia nói.

Nhiều tiểu bang đề xuất phân phối lại số vaccine không sử dụng cho các nước nhưng bị vướng ở các quy định liên bang nghiêm ngặt. Trong khi đó, một số quốc gia như Canada cũng bác đề nghị nhận số vaccine dư thừa này.

KHẢ ANH