Báo Công An Đà Nẵng

Nghiên cứu khoa học phải sáp vào “điểm nóng”

Thứ bảy, 29/09/2018 08:11

“Sở Khoa học & Công nghệ đứng thứ 5 về ứng dụng khoa học trong cải cách hành chính thì bà con trông đợi gì về đổi mới”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã nói như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở KH&CN Đà Nẵng hôm 28-9.

Bí thư Thành ủy làm việc với Sở Khoa học & Công nghệ TP.

Cần khoa học hơn

Câu nói của ông Nghĩa trong phần đầu buổi làm việc hàm ý nhắc nhở Sở KH&CN cần tiên phong, năng động hơn trong tiếp cận, ứng dụng khoa học, không chỉ để cải thiện thứ hạng cho Sở mà cho sự phát triển chung của TP. Đơn cử nhìn vào bộ máy tổ chức các phòng của Văn phòng Sở cũng đã thấy... chưa khoa học. Trong 7 phòng chuyên môn của Văn phòng Sở, tính ra có hơn 3 người/phòng, rất dàn trải. Ông Nghĩa tính, trong 7 phòng này, thực ra chỉ cần dồn lại 3 phòng là đủ. Hay như báo cáo do Giám đốc Sở trình bày tại buổi làm việc, theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng là dàn trải, thiếu trọng tâm, nói chung là chưa khoa học. Trong phần đề xuất, Sở KH&CN đề xuất lãnh đạo TP tăng cường đặt hàng các vấn đề lớn cần nghiên cứu gắn với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển TP. Ông Nghĩa nghe xong rất ngạc nhiên. Ông nói, Sở phải là đơn vị ra đề bài, tham mưu cho lãnh đạo TP đặt hàng đề tài gì, chứ đề xuất lãnh đạo TP đặt hàng thì lãnh đạo TP đặt hàng các trung tâm, trường Đại học nghiên cứu chứ cần gì qua Sở. Rõ ràng đề xuất cũng chưa khoa học.

Một số đại biểu tham gia buổi làm việc cũng thẳng thắn đề cập những tồn tại của ngành KHCN. Ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói rằng, khả năng ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tế ở TP còn hạn chế. 2 năm qua TP có 100 đề tài, trong đó có nhiều đề tài hay như: Ngăn chặn nhiễm mặn nguồn nước, Chiến lược phát triển khu Công nghệ cao, Xử lý môi trường âu thuyền Thọ Quang... đã nghiên cứu, đã nghiệm thu, nhưng vì sao vừa qua nhà máy nước vẫn nhiễm mặn, âu thuyền Thọ Quang vẫn hôi... Từ thực tế đó, ông Trung đề nghị cần lựa chọn những đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng trong cuộc sống thay vì những đề tài nghe thì quy mô nhưng nghiên cứu thì không ứng dụng được.

Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha cho biết, cần phải xem lại tiêu chí cho DN được hưởng từ Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ. Ở Đà Nẵng hầu hết là DN nhỏ, họ rất cần đổi mới công nghệ trong sản xuất, thế nhưng để được hưởng ưu đãi từ quỹ này thì tiêu chí quá khắt khe. Ông Kha cho rằng, tình trạng nghiên cứu một nơi, thực hành một nẻo đang là bất cập. Sở KH&CN cần liên kết tốt giữa các Trung tâm KHCN với DN, sản phẩm nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất của DN, như vậy tính ứng dụng mới cao. Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở KH&CN cũng thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ nhân lực làm khoa học tại các Trường Đại học ở Đà Nẵng dồi dào, là lợi thế của TP, tuy nhiên việc liên kết để phát huy còn yếu. Mặt khác, DN KHCN của TP quá ít (4 DN), khả năng đổi mới công nghệ vì nhiều lý do rất khó khăn, dù công nghệ DN đang sản xuất chỉ ở mức trung bình khá.

Nhìn một cách khách quan, ông Đặng Việt Dũng đánh giá, việc nghiên cứu khoa học mấy năm gần đây đã bám sát được nhiệm vụ của TP, hướng theo đề tài ứng dụng. Tất cả các đề tài nếu là đề tài ứng dụng thì mới được TP thông qua. Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra những hạn chế của Sở KH&CN. Cụ thể như Sở chưa có định hướng để các tổ chức KHCN tập trung nghiên cứu, chủ yếu do chủ đề tài họ tự đề xuất. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa thương mại hóa được, nhiều đề tài trùng lặp, phân tán. Trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị Sở KH&CN cần tập trung định hướng nghiên cứu vào 4 lĩnh vực là môi trường, y tế, CNTT, nông nghiệp. Ở Đà Nẵng có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu tốt, cơ sở vật chất hiện đại, vấn đề còn lại là định hướng, tổ chức để có thể đưa ra được những ứng dụng tốt. Ông Dũng cũng yêu cầu Sở KH&CN cần xây dựng bản đồ KHCN để hỗ trợ DN đổi mới; xây dựng thị trường KHCN bao gồm cả bảo tồn sáng kiến, chuyển giao công nghệ; đưa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vào thực chất (nghĩa là làm cho các DN ra đời, sống tốt, thay vì chỉ tổ chức hội nghị, hội thảo).

Mô hình hoa CNC được Trung tâm Công nghệ sinh học chuyển giao cho nông dân Hòa Vang. 

Phải sáp vào điểm nóng

Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, nhu cầu ứng dụng KHCN vào phát triển nông nghiệp ở Hòa Vang hiện rất lớn. Người nông dân khát khao có được những mô hình nông nghiệp khoa học, năng suất cao. Hiện tại đất đai bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cây trồng thấp, khả năng bảo quản nông sản hạn chế, vì thế nông dân rất mong muốn Sở KH&CN có những nghiên cứu khoa học về giải pháp cải tạo đất, đưa ra các giống mới từ việc nghiên cứu đặc hữu bản địa, đưa ra giải pháp bảo quản nông sản an toàn. Cũng theo ông Trường, Trung tâm Công nghệ sinh học của Sở phải phát huy được vai trò cầu nối đưa các sáng kiến, mô hình nghiên cứu đến với nông dân. Phải đưa những băn khoăn, mong mỏi của nông dân thành đề tài, đối tượng để đặt hàng nghiên cứu.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu Sở KH&CN cần bám sát hơn các trọng tâm phát triển của TP để tham mưu đặt hàng nghiên cứu KHCN. Đơn cử việc xây dựng TP môi trường, cần sáp vào đặt hàng nghiên cứu xăng sinh học, xe điện, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm khói bụi... Ông Nghĩa nói: “Những lúc bãi biển hôi sực, phải nghiên cứu cần dùng giải pháp gì xử lý? Như TPHCM, họ nghĩ làm van thoát nước đường phố 1 chiều, ngăn được mùi hôi, cái đó có tác dụng cho Đà Nẵng không? Rồi công nghệ xử lý nước thải, phải nghiên cứu thay đổi hay cứ mở rộng mãi bể chứa rồi xả ra biển...”. Ông Nghĩa cho rằng, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ là cứu cánh cho môi trường TP. Vì thế, ngoài việc cần quy hoạch chuẩn cho nông nghiệp ở Hòa Vang, Sở KH&CN cũng cần đặt hàng nghiên cứu để bảo tồn những đặc trưng bản địa. Chẳng hạn phải nghiên cứu giống cây bản địa đặc trưng là gì? Làm sao tác động để ra giống mới ngon hơn, năng suất hơn, chứ không phải đi cóp nhặt mô hình ở nơi khác về.

Cũng theo ông Nghĩa, muốn khuyến khích tốt nghiên cứu khoa học cần làm tốt công tác bảo hộ trí tuệ. Không thể, 1 người sản xuất được, cả làng làm được, còn gì bí quyết, độc quyền, còn gì động lực sáng tạo. Cuối cùng, ông Nghĩa lưu ý, việc nghiên cứu đầu tư thiết bị công nghệ phải mang tính khoa học, đáp ứng được thực tiễn, kể cả người sử dụng. Ông Nghĩa kể câu chuyện hài hước nhưng cũng là bài học: Mua chiếc máy từ nước ngoài về, người mình không đủ trình độ sử dụng, phải tháo bớt một số bộ phận mới dùng được. Thế là được cấp bằng cải tiến lần 1. Dùng máy một thời gian mới thấy thiếu các chi tiết đã tháo ra giảm nhiều tác dụng, liền lắp vào, được cấp bằng cải tiến lần 2. Sau 2 lần được cấp bằng cải tiến thì cái máy trở lại như ban đầu. 

HẢI QUỲNH