Nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công
Chưa đạt mục tiêu cơ bản
Theo Kết luận, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, xã hội về vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của kết cấu hạ tầng đối với phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được bước đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do nhận thức, năng lực, tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu còn hạn chế; một số chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn và xu thế phát triển; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực quốc gia còn hạn chế, chưa thu hút có hiệu quả nguồn lực ngoài nhà nước; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa mang tính tổng thể và đồng bộ; công tác quản lý đầu tư, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 45-KL/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển về hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản. Phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng, miền; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới. Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới.
Khẩn trương rà soát chính sách đầu tư, quy hoạch…
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công-tư, ngân sách nhà nước, phát triển Hạ tầng Số, Kinh tế Số, Xã hội Số...
Nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư-sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương, rút ngắn quy trình ra quyết định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia; phân cấp đầu tư và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong quyết định đầu tư.
Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội, tài nguyên và môi trường của vùng, địa phương bảo đảm thống nhất và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, huy động và sử dụng nguồn lực đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch.
Đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô lớn
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội. Tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng; phát triển thị trường tài chính để cung ứng vốn, đa dạng hóa các chủ thể đầu tư, hình thức đầu tư tham gia thị trường vốn. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế. Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh năng lượng; hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn; tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, Công nghệ Số.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông-Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa có nhu cầu vận tải lớn; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh)-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-Long Thành...
Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện, cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. Nâng cấp và xây dựng một số hệ thống hồ trữ nước quan trọng, chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung xây dựng hạ tầng số
Bộ Chính trị chỉ đạo tập trung xây dựng hạ tầng số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu lớn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Nâng cao chất lượng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng sinh thái, bền vững. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, đường vành đai, các dự án thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập tại các đô thị lớn; đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung với công nghệ đồng bộ, hiện đại.
Xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển, đầu tư trọng điểm để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển các thiết chế văn hóa hiện đại, mạng lưới cơ sở văn hóa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại; phát triển mạnh hạ tầng du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế; đầu tư hạ tầng nông thôn mới cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng, miền. Đồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng bảo đảm an sinh xã hội.
B.T – TTXVN