Báo Công An Đà Nẵng

Ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Thứ tư, 15/12/2021 15:15

Ngày 14-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị.

Tại điểm cầu tuyến thành phố Đà Nẵng có Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Văn Quảng có bài tham luận tại hội nghị.

Phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ

Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Từ việc phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại, quan điểm đối ngoại và các biện pháp thực hiện trong tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.

“Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái…”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tham luận tại hội nghị. 

Biểu dương, đánh giá cao những kết quả nổi bật về công tác đối ngoại khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đất nước, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đồng thời chỉ rõ những tồn tại hạn chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 4 bài học kinh nghiệm cần tiếp tục kế thừa và phát huy được rút ra từ nhiều nhiệm kỳ qua, với tinh thần xuyên suốt, nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”. Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế…

“Để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt, kịp thời với những chuyển biến bên ngoài, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ là: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”, theo đó phải luôn luôn đề cao việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết và đồng thuận trong nước. Điểm đồng chung nhất, cao nhất ở đây là phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân. Có như thế, trong triển khai công tác đối ngoại mới có thể “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; giữ “trái tim nóng, cái đầu nguội” và “kiên quyết, kiên trì” để xử lý các thách thức đối ngoại, tranh thủ điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Công viên APEC tại Đà Nẵng có thể xem là biểu tượng của ngoại giao văn hóa Việt Nam.

Đà Nẵng xác định “đối ngoại với vai trò mở đường”

Thay mặt lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trình bày tham luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng là một trong những địa phương đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, thành phố đã đón gần 5.200 đoàn khách quốc tế, trong đó nhiều đoàn Hoàng gia, Nguyên thủ quốc gia, cấp Bộ trưởng các nước đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển của địa phương và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư.

Đặc biệt, thành phố là địa điểm tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, tiêu biểu như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017; Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (2018); Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN và các hội nghị liên quan (năm 2020). Thành phố cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm quốc tế như Cuộc đua Thuyền buồm Vòng quanh thế giới; Lễ hội pháo hoa quốc tế; Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt - Nhật; sắp tới trong năm 2022, thành phố được lựa chọn là nơi tổ chức diễn đàn các đường bay quốc tế khu vực Châu Á. Có thể nói, công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thành phố.

Mới đây, thành phố Đà Nẵng vinh dự được bầu làm Chủ tịch Mạng lưới các chính quyền địa phương về phát triển bền vững vùng bờ nhiệm kỳ 2022-2025 với số phiếu tán thành cao. Đây thành tựu nổi bật về hợp tác đa phương của thành phố Đà Nẵng được ghi nhận trong năm 2021.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Đà Nẵng xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại với vai trò mở đường, và trước các cơ hội, thách thức đang đặt ra, Đà Nẵng xác định 6 nhiệm vụ trong giai đoạn mới của công tác đối ngoại. Trong đó, thành phố tích cực triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương/tổ chức nước ngoài trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trao đổi kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi nhân lực,… nhằm góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Thứ tư, tăng cường công tác ngoại giao kinh tế. Theo đó, thành phố đã ban hành Đề án tổng thể công tác Ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đổi mới phương hướng và cách thức tiếp cận các đối tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn; khảo sát thị trường mới; tăng mức độ hiệu quả và giá trị thực tiễn của các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tại thị trường nước ngoài.

“Thành phố Đà Nẵng đã và đang nghiêm túc triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Cùng với nhiều cơ hội, thách thức đan xen trong quá trình thực hiện, thành phố Đà Nẵng quyết tâm thực hiện tốt công tác đối ngoại, theo sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo để thành phố tiếp tục là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

DOÃN HÙNG