Báo Công An Đà Nẵng

Ngoại trưởng Mỹ đến Afghanistan cứu thỏa thuận hòa bình

Thứ ba, 24/03/2020 15:07

Ngày 23-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Afghanistan trong chuyến thăm không báo trước nhằm cứu vãn thỏa thuận lịch sử giữa Washington và Taliban, đạt được hồi cuối tháng 2 nhưng bị hủy hoại bởi những xung đột chính trị và bạo lực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Afghanistan nhằm cứu vãn thỏa thuận Mỹ-Taliban. Ảnh: Reuters

Ông Pompeo đến thủ đô Kabul và gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng đối thủ chính trị của ông là Abdullah Abdullah, người cũng tuyên bố là Tổng thống Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ cũng tổ chức các cuộc họp chung với cả hai nhà lãnh đạo Afghanistan.

Chuyến thăm của ông Pompeo được thế giới dõi theo bởi việc tìm ra manh mối để có thể giải quyết bế tắc chính trị kéo dài tại Afghanistan là điều rất quan trọng hiện nay. “Chúng ta sẽ thấy liệu... điều đó sẽ được đàm phán và họ đã sẵn sàng cho một cuộc dàn xếp cuối cùng hay không”, ông nói với một nguồn tin ngoại giao ở Kabul.

Hòa bình không hề dễ dàng

Hôm 29-2, tại thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận được cho là chìa khóa chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm của Mỹ ở quốc gia Nam Á này cũng như mở đường cho Taliban đàm phán với chính phủ Afghanistan. Chi tiết của thỏa thuận nghe có vẻ khá đơn giản: Mỹ sẽ rút dần lực lượng của mình ở Afghanistan trong khoảng thời gian 14 tháng và cuối cùng là toàn bộ binh sĩ, trong trường hợp thuận lợi có khả năng sẽ diễn ra trong vòng 1 năm. Đổi lại, Taliban phải ngăn chặn các nhóm khủng bố, trong đó có Al-Qaeda, sử dụng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của nhóm để tiến hành các hoạt động khủng bố hoặc tấn công.

Chính phủ Afghanistan, không phải là một bên của thỏa thuận Mỹ-Taliban, đã nhất trí về sự tồn tại của thỏa thuận, nhưng sau ba tuần kể từ lễ ký kết, Kabul dường như không muốn thực hiện những nội dung đã nêu ra trong thỏa thuận. Đầu tiên là việc phóng thích tù nhân. Một trong những lý do Taliban đồng ý ký vào thỏa thuận ngày 29-2 là vì nó bao gồm nội dung trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban hiện đang bị chính phủ Afghanistan giam giữ. Tổng thống Ashraf Ghani ban đầu tỏ ra thận trọng về việc thả bất kỳ tù nhân nào, nhưng cuối cùng đồng ý thả 1.500 tù nhân. Tuy nhiên, ông Ghani hiện nay đã từ chối thả thêm người cho đến khi Taliban bắt đầu đàm phán một cách thiện chí với chính phủ Afghanistan, điều mà Taliban cho là không nên.

Trong khi đó, bạo lực vẫn xảy ra ở Afghanistan. Trong vài ngày đầu sau khi ký kết, hàng chục cuộc tấn công quy mô nhỏ do các phần tử Taliban thực hiện chống lại lực lượng Afghanistan diễn ra, làm dấy lên lo ngại, Taliban đã lợi dụng cơ hội ký kết thỏa thuận với với chính quyền Tổng thống Trump để yêu cầu Mỹ rút quân khỏi đất nước, qua đó nổi lên giành lại quyền kiểm soát Afghanistan từ tay chính quyền Kabul. Trước đây, Mỹ có thể hỗ trợ cho các lực lượng Afghanistan, từ các hoạt động không kích cho đến tình báo. Một khi Mỹ rút quân, các lực lượng an ninh Afghanistan hầu như không đủ khả năng để đối phó.

Chính phủ Afghanistan cũng đang chịu áp lực rất lớn để quản lý tốt nhất lợi ích của mình sau thỏa thuận ngày 29-2. Điều rõ ràng là chính quyền Tổng thống Trump đã sẵn sàng “gác kiếm” tại Afghanistan, hy vọng sử dụng thỏa thuận hôm 29-2 như một công cụ quảng bá cho sự thành công về chính sách đối ngoại trong cuộc bầu cử sắp tới. Với tư cách là ứng viên tranh cử tổng thống, ông Trump từng hứa sẽ chấm dứt các vướng mắc ở nước ngoài và giữ cho thỏa thuận này tồn tại.

Rất cấp bách

Chuyến thăm của Pompeo diễn ra vào thời điểm mà thế giới đang khủng hoảng với đại dịch Covid-19 khiến hơn 300.000 người bị lây nhiễm và hơn 14.000 tử vong. Đại diện đặc biệt của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Taliban Zalmay Khalilzad đã dành phần lớn thời gian của mình ở Kabul kể từ sau khi thỏa thuận được ký kết nhằm thuyết phục hai bên hành động nhanh chóng về việc thả tù nhân.

Ông Khalilzad cho rằng, đại dịch đã tăng thêm tính cấp bách cho việc thả tù nhân, cho biết sự bùng phát dịch bệnh đang ảnh hưởng đến một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump. Với 40 ca bệnh nhiễm bệnh tại Afghanistan, nỗi lo sợ đang gia tăng khi hàng ngàn người trở về nhà từ nước láng giềng Iran mỗi ngày có thể thúc đẩy sự bùng phát dịch bệnh tại quốc gia có mạng lưới y tế công cộng bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh.

AN BÌNH