Ngoại trưởng Mỹ lại đến Trung Đông
Xoa dịu căng thẳng
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến 9 quốc gia trong khu vực Trung Đông (gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, UAE, Ả-rập Xê-út, Israel, Bờ Tây và Ai Cập) được xem là nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông khi khu vực này đứng trước bờ vực lan rộng xung đột với vụ tấn công ở Lebanon khiến phó thủ lĩnh Hamas thiệt mạng, đánh bom kép dẫn đến nhiều thương vong tại Iran và xung đột Israel-Hamas chưa có hồi kết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận về các biện pháp tức thời nhằm tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh với Israel rằng nước này cần phải hành động nhiều hơn để giảm căng thẳng ở Bờ Tây. Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn xung đột mở rộng sang các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Ông Blinken sẽ thảo luận về những bước cụ thể mà các bên có thể thực hiện, bao gồm cả cách họ sử dụng ảnh hưởng của mình với những nước khác trong khu vực để tránh leo thang căng thẳng".
Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập đang đóng những vai trò khác nhau trong việc làm trung gian hòa giải về xung đột tại Gaza hoặc có tầm ảnh hưởng với những lực lượng như Hezbollah và Houthi.
Nỗ lực lấy lại uy tín
Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh Israel đã tăng cường tấn công nhắm vào Gaza, Bờ Tây, Syria, cũng như vào mục tiêu Hezbollah và Hamas. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc ám sát Phó thủ lĩnh lực lượng Hamas Saleh al-Arouri hôm 2-1 tại Lebanon. Trong khi đó, lực lượng Houthi đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu khi nhắm tấn công các tàu có liên kết với Israel ở Biển Đỏ để ủng hộ Hamas. Trong một diễn biến khác, vụ nổ kép ở thành phố Kerman của Iran hôm 3-1 đã khiến hơn 100 người thiệt mạng gần mộ của Tướng quá cố Qassem Soleimani. Vụ việc làm dấy lên lo ngại xung đột sẽ lan rộng trong khu vực.
Mỹ hoàn toàn muốn khôi phục lại yên ổn trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực khôi phục uy tín của Mỹ, trong bối cảnh hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế phần nào bị ảnh hưởng liên quan cuộc xung đột Israel-Hamas. Khi Mỹ bảo vệ lợi ích của Israel tại Liên Hợp Quốc (LHQ), tán thành mục tiêu tiêu diệt Hamas, cung cấp đạn dược cho Israel, thì phần lớn thế giới coi hành động của Mỹ đang tạo điều kiện cho Israel tiến hành một chiến dịch quân sự chết chóc tại Gaza.
Ở trong nước, Tổng thống Biden đang có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của một số thành viên trong chính quyền và cử tri trong cuộc tái tranh cử liên quan đến xung đột ở Dải Gaza. Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục Mỹ đã từ chức ngày 3-1, với lý do không đồng ý với cách Tổng thống Joe Biden xử lý cuộc xung đột ở Gaza. Đây được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bất đồng quan điểm trong chính quyền khi số người chết tiếp tục gia tăng trong giao tranh giữa Israel và Hamas.
Cũng trong ngày 3-1, 17 nhân viên chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden đã đưa ra cảnh báo trong một lá thư rằng ông có thể mất cử tri vì vấn đề này. Nhóm này cũng đề nghị Tổng thống Biden kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Vào tháng 11 vừa qua, hơn 1.000 quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thuộc Bộ Ngoại giao nước này cũng đã ký một bức thư ngỏ đề nghị chính quyền Biden kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Trong khi đó, kênh Al Jazeera có trụ sở tại Qatar ngày 3-1 cho rằng ông Biden chịu áp lực phải hành động trong bối cảnh xuất hiện lo ngại mới về "thanh lọc sắc tộc" ở Gaza. Rasha Mubarak, một nhà tổ chức người Mỹ gốc Palestine, cho rằng chính quyền Biden không những không lên án nỗ lực của các quan chức Israel nhằm đưa người Palestine ra khỏi Gaza mà còn góp phần vào cuộc chiến bằng cách tiếp tục cung cấp cho Israel viện trợ quân sự và hỗ trợ ngoại giao.
AN BÌNH