Ngôi nhà "độc lạ" trên đường Hồ Chí Minh
Chủ nhân ngôi nhà là ông Trần Công Chức (55 tuổi), trú thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Linh), người được biết đến là 1 trong 4 "lão nông" xây cầu phao đầu tiên qua sông Bến Hải hơn 15 năm trước, giúp người dân 3 xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thủy thoát cảnh đò ngang trắc trở hàng trăm năm. Nhưng đối với công trình nhà "bom" ở gần NTLS Quốc gia Trường Sơn này, quả gây nhiều bất ngờ.
Sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Vĩnh Sơn bên dòng sông Bến Hải, ông Chức là người nông dân cần mẫn với rừng, đồi nương nhưng vẫn ấp ủ những dự định đặc biệt, trong đó có sở thích sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Vào khoảng gần 10 năm trước, từ những kỷ vật sưu tầm được và hàng chục vỏ bom đạn thu gom chất quanh vườn nhà, ông nảy sinh ý định xây ngôi nhà từ vỏ bom và trang trí từ phế liệu này để trưng bày những kỷ vật chiến tranh. Được vợ con ủng hộ, ông càng quyết tâm và chọn mua một khoảnh đất thổ cư gần NTLS Quốc gia Trường Sơn để thực hiện. Vào đầu năm 2023, ông triển khai xây dựng ngôi nhà, với mong muốn dịp 30-4 có thể hoàn thành đón bà con, thân nhân liệt sĩ, thương binh ghé thăm. Tuy nhiên, do quá trình thi công nhiều thời gian, dự kiến đến ngày 27-7 tới sẽ hoàn thành.
Quan sát từ ngoài, cổng vào ngôi nhà là 4 vỏ bom có kích thước khác nhau. Ngôi nhà xây dựng trên diện tích gần 200m2, theo lối kiến trúc nhà rường, 4 mái 18 cột. Mỗi cột được kết nối, hàn lại bởi 4 quả bom các loại có kích thước từ lớn cho đến nhỏ với tổng chiều cao gần 6 mét; mỗi cột nặng gần 2 tấn. Hệ thống khung móng bằng bê- tông cốt thép chắc chắn, tường xây bằng gạch thẻ. Mái của nhà "bom" lợp hơn 5.000 lá cọ, hệ thống rui mè bằng tre. "Để dựng hoàn thành bộ khung ngôi nhà phải tốn gần một tháng trời với sự hỗ trợ của máy móc cùng nhiều công nhân lành nghề. Hiện đang xây dựng bếp dã chiến Hoàng Cầm"- ông Chức phấn khởi cho biết thêm.
Hướng mắt về những cột nhà bằng vỏ bom tạ, bom tấn như MK82, MK114… và các hạng mục phụ trợ, ông Chức cho hay số lượng vỏ bom sử dụng để xây cất nhà lên hơn con số 100. Để có đủ số vật liệu này, ông đã thu gom, sưu tập trong gần 20 năm qua tại nhiều địa bàn với không ít sức lực và kinh phí. Chúng tôi không giấu được nể phục trước sự kiên trì của ông khi mong muốn làm một ngôi nhà lưu giữ "ký ức chiến tranh", thể hiện tri ân và cũng là để nhắc nhớ về những năm tháng gian khó kiến thiết quê hương sau ngày hòa bình lập lại. Khi biết thêm về hoàn cảnh gia đình ông, chúng tôi càng trân quý điều thôi thúc ông thực hiện những việc làm nghe có vẻ khác lạ nhưng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc này. Gia đình ông là gia đình có công cách mạng, những năm tháng khi mẹ ông còn khỏe mạnh, cụ luôn nhắc nhớ ông về một thời bom đạn, chiến tranh đau thương. Trong vô vàn ký ức là trận bom khốc liệt mà Mỹ dội xuống Vĩnh Sơn năm 1967 đã cướp đi sinh mạng nhiều người, trong đó có anh chị, người thân của ông. Gợi nhớ mất mát này, ông Chức nghẹn giọng lại.
Bảo Hà