Báo Công An Đà Nẵng

Ngôn ngữ tự sự cộng đồng qua hình tượng cây - cột – lễ

Thứ sáu, 10/03/2023 15:51
Cây-cột-lễ của người Ê Đê trưng bày tại Triển lãm Thiên đường Tây Nguyên.

1. Sống trong không gian mở, luôn phải tương tác với nhiều tộc dân, mỗi tộc người bản địa ở Tây Nguyên đã chủ động trình diện mình trước mắt các cộng đồng khác, bằng một thứ ngôn ngữ tổng hòa, liên kết giữa mỹ thuật trang trí (những hình ảnh), nghệ thuật điêu khắc (các bức tượng), thư pháp và hội họa (những họa tiết) nơi cây-cột-lễ. Nó chính là một dạng ngôn ngữ biểu trưng được cư dân nơi đây sử dụng để thông tin và giao tiếp, một mặt khẳng định tính độc lập về văn hóa của tộc dân mình, mặt nữa thể hiện sự vận hành các chuẩn tắc xã hội, cũng như ước vọng của cả cộng đồng. Qua chiều rộng của không gian và chiều dài cùng thời gian, cây-cột-lễ trở thành một thành tố văn hóa tộc người có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng. Nó không những giúp mỗi tộc dân tự giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của tộc dân mình một cách hữu hiệu, mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của cư dân trong việc giải đáp các câu hỏi về thiên nhiên, lịch sử, chính trị, văn hóa, tộc người...

Cây-cột-lễ cũng cung cấp nhiều dấu chỉ về nhân sinh quan và thế giới quan của tộc người được quan sát. Nó giống như việc một người xuất hiện trước người đối diện thông qua vóc dáng, tính cách, khí chất... Ngoài ý nghĩa tự thân để những tộc người khác nhận ra bản sắc văn hóa của tộc dân mình, cây-cột-lễ còn là một biểu tượng văn hóa tộc người của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Nó được sáng tạo nên từ sự kết tinh giá trị tri thức nguồn cội, cùng sự chắt lọc tinh hoa của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để hiện diện ở hầu hết những sự kiện đời sống cộng đồng.

2. Cây-cột-lễ ra đời như một khế ước giữa con người với thế giới tự nhiên và cõi siêu nhiên, biểu hiện qua tín ngưỡng thờ Yàng. Nó là điểm đón Yàng, cũng là chỗ để con người gửi gắm ước vọng của mình tới Yàng. Trên phương diện tinh thần, cây-cột-lễ là nơi đón nhận sự kết giao giữa thế giới con người và thế giới thần linh. Trên phương diện nghệ thuật, cây-cột lễ là một tác phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Nó gồm một chuỗi các biểu tượng - những đặc trưng văn hóa của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Vì thế, qua cây-cột-lễ, chúng ta có thể đọc ra những dữ liệu về văn hóa tộc người, nhu cầu thẩm mỹ, tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển...

Thử nhìn trường hợp cây-cột-lễ của người Ê Đê sẽ thấy sự khu biệt về văn hóa ẩn trong các biểu tượng. Đơn cử như việc người Ê Đê thường tổ chức những nghi lễ ở trong nhà. Nét riêng ấy kiến giải vì sao cây-cột-lễ của người Ê Đê bị giới hạn về chiều cao: thấp nhất nhưng vững nhất, so với cây-cột-lễ của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Phía ngọn cây-cột-lễ của người Ê Đê là hình tượng một bông chuối rừng - ngầm ý mong cầu sự sinh sôi, con đàn, cháu đống. Bên dưới hình tượng bông chuối là những vạch khắc quanh trụ gỗ. Số vạch khắc ít hay nhiều, tương ứng với số lần gia chủ tổ chức nghi lễ. Mỗi lần cúng tế gia chủ sẽ dùng dao khắc lên cây-cột-lễ một vạch khắc. Ngoài ra, cây-cột-lễ của người Ê Đê còn có các hình tượng chày, cối, ché rượu, nồi đồng, hoa văn, con vật... - những ước nguyện của cư dân thảo mộc về sự no đủ, phát triển. Đặc biệt, nếu thấy ở phần bông chuối rừng sơn màu đen, nghĩa là gia chủ đang có tang. Trái hẳn, cây-cột-lễ của người Ba Na thì cao vút (từ 10 m đến hơn 20 m), cao nhất trong số cây-cột-lễ của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên. Cao nhất nhưng họa tiết trang trí trên nó lại đơn giải nhất. Cây này, gồm 1 trụ chính làm từ thân cây tre và cột gỗ, 4 trụ phụ bằng gỗ hoặc tre để giữ cho cái trụ chính không bị ngã đổ, cùng 4 thân cây trúc nhỏ mở về 4 hướng. Trụ chính của cây-cột-lễ, người Ba Na phân ra những tầng (người Ba Na thường phân 7 tầng, tương ứng với 7 tầng vũ trụ, trong quan niệm của tộc dân này), rồi trang trí các hoa văn và những vật biểu tượng lên thân cây-cột-lễ.

Trên đỉnh của cây-cột-lễ được gắn tượng con chim T'Lang bằng gỗ - mang tín niệm con chim này sẽ cõng linh hồn tổ tiên về với con cháu, bên cạnh phần việc thiêng liêng hơn - đưa các vị thần linh đến với thế giới loài người, hoặc hình ảnh mặt trời cách điệu - tượng trưng cho tự do. Thân cây-cột-lễ là nơi thể hiện tài sắp đặt của người Ba Na: Tầng này gắn 1 chùm bông xốp nhỏ kết từ nhiều sợi tre, tầng kia gắn 3 chùm bông xốp to, tầng kia nữa gắn 1 chùm bông xốp nhỏ, tầng nọ gắn 2 bông xốp to, xen giữa là 1 chùm bông xốp nhỏ và cuối cùng gắn 1 bông xốp to, tạo một ấn tượng thị giác rất dễ chịu. 4 trụ phụ là hình ảnh cách điệu của ngọn dớn - tỏ ý nói lên sức sống mãnh liệt của người Ba Na, cùng với 4 cây trúc treo các thanh tre, gỗ hình con cá, con chim... Nó là sự sống. Trong khi đó, cây-cột-lễ của người Gia Rai lại đầy kinh nghiệm với việc tiết chế màu sắc. Màu ở đây được tiết chế tối giản. Tộc dân Gia Rai chỉ sử dụng 3 màu để trang trí cây-cột-lễ: Đen - đất, trắng - trời, đỏ - con người. Trên ấy đan xen 2 dạng thức biểu đạt cơ bản: Ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ hình học. Người Gia Rai đã sử dụng ngôn ngữ hình học như một định đề kép, vừa là ngôn ngữ nghệ thuật, vừa là ngôn ngữ chuyển tải các ý tưởng của chủ thể đến với người xem. Nó thể hiện rất rõ trên những hoa văn hình học của cây-cột-lễ. Bên cạnh đó, người Gia Rai còn sử dụng dạng thức ngôn ngữ biểu tượng để ám chỉ các ý nghĩa nhân sinh của cộng đồng…

3. Ở miền cao nguyên này, việc dựng cây-cột-lễ tại vị trí nào đó, chính là lời khẳng định, một sự tỏ bày mình. Nó là một dạng thức văn hóa, một tổng thể mang tính hỗn dung, không chỉ là phương tiện thông tin và giao tiếp, còn thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm.

Trịnh Chu