Báo Công An Đà Nẵng

Ngọt đắng đầu xuân

Thứ bảy, 24/02/2018 09:34

   Nhắc đến Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, bạn đọc hẳn không quên những: Bồng mắt thỏ, Đồng vọng, Dòng sông di sản... Song với tập thơ mới của anh "Em hay cà-phê" (Nhà xuất bản Hội nhà văn-2018) thì dường như tác giả muốn "thách thức" độc giả, nhất là những người nghiện cà-phê "hơn mọi thứ trên đời", tìm ra một câu trả lời vô cùng khó "em" hay "cà-phê". Và có lẽ vì thế, cuốn sách chưa tròn một trăm trang trở thành một thứ nhẩn nha bên ly cà-phê đắng đầu xuân Mậu Tuất.

Ảnh: Bìa cuốn sách “EM hay cà phê”

   "Tha thẩn tinh sương thăm Văn Miếu/ Bùi ngùi thương tưởng bóng người xưa". Không biết là vô tình hay có chủ đích mà tác giả cho ra mắt bạn đọc cuốn sách trong những ngày giáp Tết, bố trí đầu tiên bài "Bóng người xưa", "Cột cờ Hà Nội" nên tự nó đã định không gian và thời gian cảm thụ. Ba ngày Tết bận rộn trôi qua, tiệc tùng đầu xuân cũng hết. Người có điều kiện thì đi lễ hội, người không có điều kiện thì kiếm một nơi tĩnh lặng tưởng nhớ cố nhân. Cuốn sách cũng vì thế mà len lỏi trong tâm can người đọc với những câu thơ bảng lảng khói sương "Tụ linh khí đất trời/ Hội hồn thiêng sông núi", "Dắt díu thăm am điện/ tịch mịch/ người xưa bảng lảng/ cột kèo lấm tấm/ thời gian"... Cùng với những ngẫm ngợi suy tư, là người lính nên thơ Lê Anh Dũng không thể thiếu những xúc cảm: "Nguyễn Chí Trung, đất nước cho ông cái tên và chí hướng/ Tận tụy hết mình cho niềm tin lý tưởng", "Người lính và Tổ quốc/ Khúc quân hành âm vang"...

   Tự sự, hoài niệm để người đọc chiêm nghiệm đầu xuân, nhưng "hồn cốt" của "Em hay cà-phê" chính là những câu thơ tình mãnh liệt. Đọc, ngẫm, tâm đắc và bất chợt ngẩng lên nhìn những chồi non xanh mướt đang che lấp dần cánh mai vàng. "Em hay cà-phê hào sảng đại ngàn/ Vượt sóng trùng dương neo lòng bè bạn/ Em hay cà-phê, anh phải lòng chếnh choáng/ Giọt nâu trầm hò hẹn trăm năm".  Xem tiêu đề cuốn sách cứ ngỡ đây là sự lựa chọn khó khăn cho những tín đồ ưa ngồi ngắm giọt đắng tí tách trong ly, nhưng "ôm" đến trang 60 rồi thì vỡ òa cảm xúc: cả hai đã quyện lại và cùng thăng hoa đến độ "Em hay cà-phê/ Vút lên thanh thiên dâng lời dạm ngõ/ Như núi lửa trào, triều dâng, thác đổ/ Xin đất trời làm chứng: Anh yêu em". Bùng lên, lắng xuống. Yêu đến độ đất trời nghiêng ngả, rồi mơ màng như một người lính chiến: "Mềm mại/ thắt đáy lưng ong/ em hái hoa súng/ thong dong/ nhẹ nhàng/ Anh người lính/ hồn đa mang/ bên hoa/ bên súng/ mơ màng/ trước sông".

   Không định hình một chủ đề thơ tình hay chính luận, do đó "Em hay cà-phê" đã chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đọc khi rỗi rãi hay ngấu nghiến trước giờ vào ca... đều được. Mỗi người một cảm nhận, nhưng đối với người viết bài này, cuốn sách rất nhỏ nhắn, có thể "cuộn tròn nhét túi" để rảnh lúc nào đọc lúc đó.      

    VĨNH NHÂN