Báo Công An Đà Nẵng

Ngư dân không bất ngờ

Thứ sáu, 01/07/2016 07:00

(Cadn.com.vn) - Gần 3 tháng qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết bất thường dọc biển miền Trung khiến hàng ngàn ngư dân lâm vào cảnh khốn khổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Tuy nhiên, dẫu đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng mỗi ngư dân, diêm dân, hộ buôn bán hải sản trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn vững vàng bám trụ và tin tưởng mọi việc sẽ lại tốt đẹp trong nay mai.

Chiều 30- 6, ngư dân Mai Xuân Tình (1947, trú thôn Đồng Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) bình thản ngồi nhấp bát chè xanh đón nhận thông tin từ giới truyền thông về việc Chính phủ công bố nguyên nhân dẫn tới tình trạng “biển chết” trong thời gian qua, mà thủ phạm không ai khác ngoài Formosa. Theo ông Tình, từ khi “xảy ra chuyện”, ngư dân chúng tôi cũng nhận định là do Formosa rồi, nên giờ được nghe công bố cũng không lấy làm ngạc nhiên. Tìm ra nguyên nhân rồi thì đền bù cũng quan trọng, nhưng hơn cả là khi nào lại được đi biển như xưa. “Bám biển mưu sinh như ăn vào máu thịt của chúng tôi. Cần lắm biển sạch để ra khơi, chứ cứ như thế này mãi chúng tôi sống làm sao được. Gần 3 tháng qua ngư dân chúng tôi phải “đắp chiếu” cho thuyền. Sèm (thèm) lắm một miếng cá, con mực trong bữa cơm hàng ngày lắm”- ông Tình chia sẻ.

Cũng tại thôn Đồng Yên, gia đình anh Hoàng Anh Hùng (1979) với 6 đứa con nheo nhóc đang quây quần bên mâm cơm trưa. Theo anh Hùng thì, cả nhà 8 người chỉ dựa vào con thuyền đánh bắt vùng lộng, nhưng giờ con tôm con cá vùng lộng đều chết hết, nên gia đình anh cũng sắp “treo niêu”. “Nguyên nhân và thủ phạm được xác định là Formosa. Họ cam kết đền bù và trả lại môi trường biển sạch rồi đấy, nhưng để biển sạch được như xưa sẽ mất bao lâu thời gian? Ngư dân chúng tôi mong lắm một câu trả lời từ các cơ quan chức năng để yên tâm bám biển mưu sinh”- anh Hùng tâm sự.

Chị Đậu Thị Vân nói với Báo Công an TP Đà Nẵng: “Buôn bán giờ ế ẩm quá chú ơi!”.

Trên âu thuyền Kỳ Phương, chị Đậu Thị Vân (1974) đưa mắt nhìn xa xăm ra biển. Nói chuyện với chúng tôi, chị Vân cho biết, mấy chục năm nay dựa vào buôn bán hải sản, ngày kiếm ít nhất cũng 1 triệu đồng để nuôi sống gia đình, giờ thì ngồi chờ vài ba ki-lô-gam ghẹ, kiếm lời được vài chục ngàn đồng; còn mực thì không ai mua cho. Cạnh đó, chị Đậu Thị Thụ (1971) cho biết, đang chờ chồng và con đi đánh bắt chuẩn bị trở về. Cuộc sống gia đình chị từ xưa đến nay chỉ biết nhờ vào biển, giờ đi biển mỗi bữa được 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Trong lúc đó, với việc đánh bắt cá trên biển, trước đây vợ chồng chị mỗi ngày kiếm cũng được 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều ngày may mắn còn kiếm được 4 đến 5 triệu đồng. Chị và chồng là anh Mai Xuân Sơn (1972) lấy nhau rồi làm nghề đi biển từ mười mấy năm nay. Hai vợ chồng sinh được 5 đứa con, 3 đứa đầu hiện đang học đại học, đứa thứ tư bỏ học theo cha đi biển, còn đứa út đang học tiểu học. “Biển từ xưa tới giờ luôn đảm bảo cho gia đình chúng tôi cuộc sống no đủ, con cái học hành đến nơi đến chốn. Vậy mà thời gian qua, tình hình cá chết bất thường do ô nhiễm môi trường biển khiến vợ chồng tôi cũng như các ngư dân khác phải điêu đứng. Mỗi lần ra khơi chỉ đánh được vài ki-lô-gam mực. Đã vậy nếu bán được cũng giá rất rẻ. Hiện chuẩn bị vào năm học mới, vợ chồng tôi không biết kiếm đâu ra tiền để gửi cho chúng nạp học phí, ăn ở, sinh hoạt đây”- chị Thụ lo lắng. Nguyện vọng của chị Thụ cũng như bao ngư dân khác, dù là ai gây ra nguyên nhân trên đều phải xử lý nghiêm minh và phải đền bù thiệt hại cho người dân. Điều quan trọng nhất họ phải có trách nhiệm phục hồi lại môi trường biển để người dân yên tâm tiếp tục lao động và bám biển.

Tại thôn Hải Phong 2 (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh), chủ nhà hàng Yến Trang- anh Chu Văn Ba (1982) ngồi thẫn thờ nhìn ra biển. Theo anh Ba thì, gia đình mở nhà hàng này từ nhiều năm nay và trong nhà cũng sắm một chiếc thuyền làm nghề đi câu cá, mực. Tuy nhiên, từ lúc xảy ra tình trạng cá chết đến giờ, quán sá không hề có một bóng khách đến, thuyền phải lôi vào bờ phủ bạt lên để khỏi bị mưa, nắng. Mong sao khi công bố nguyên nhân rồi, môi trường biển được trả lại trong sạch để người dân tự tin ăn hải sản, các quán hàng yên tâm kinh doanh.

Cũng trên bờ biển thôn Hải Phong 2, ông Chu Văn Kiệm (1964) đang cùng với một số ngư dân lom khom đẩy chiếc thuyền có gắn máy Đông Phong 8CV ra bờ biển. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Kiệm thở dài: “Bây giờ mỗi ngày giỏi lắm câu được một cân mực, nhưng bán chỉ được khoảng 60 chục ngàn đồng, thế nhưng nhiều bữa đưa ra chợ rồi phải đưa về. Ngày xưa, mực có giá và còn nhiều, với nghề này mỗi ngày tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng. Giờ đi biển ngày nào cũng lỗ tiền dầu, nhưng nhớ biển mà phải đi. Hơn nữa, thuyền bè nếu không dùng nó cũng dễ bị hư hỏng, sau này nếu may biển sạch lại lấy gì mà kiếm cơm”. Khi được hỏi nguyện vọng của mình, ông Kiệm nói: “Chúng tôi chỉ mong muốn được phục hồi lại môi trường biển như ngày xưa để tiếp tục bám biển thôi”.

D.H