Báo Công An Đà Nẵng

Ngư dân Lê Văn Sang: "Muốn bám biển phải giải quyết tốt bài toán vốn và nhân lực"

Thứ bảy, 22/02/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Cái tên Lê Văn Sang không xa lạ với những ai làm nghề cá tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Anh là ngư dân Đà Nẵng đầu tiên đầu tư đóng tàu hậu cần nghề cá ĐNa-90444, công suất 1.200CV lớn nhất miền Trung. Chưa dừng lại ở đó, anh đang dự định đóng thêm tàu công suất trên 1.200 CV  vào năm 2015 và xúc tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) hậu cần nghề cá để giải quyết bài toán về vốn và nhân lực mà các ngư dân như anh đang vấp phải.

Hạ thủy chiếc thuyền hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung mang số hiệu ĐNa-90444.

P.V: Theo anh, tình hình hậu cần nghề cá trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay ra sao?

Lê Văn Sang: Hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng rất lớn do sản lượng đánh bắt từ các tàu thuyền đem về và phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, khí hậu. Thời gian gần đây, diễn biến thời tiết rất phức tạp nên sản lượng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở NN & PTNT, năm 2013 các cảng cá Đà Nẵng tiếp nhận trung bình khoảng 400 tấn hải sản/ngày, cao hơn năm 2012 gần 100 tấn. Điều này phản ánh tình hình đánh bắt hải sản phát triển khá tốt. Về hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng chủ yếu do 4 hộ gia đình đảm nhiệm với 6 tàu ra vào thường xuyên ở các ngư trường.

P.V: Được đánh giá là một hộ kinh doanh giỏi về hậu cần nghề cá, anh có thể chia sẻ đôi chút về kinh nghiệm?

Anh Lê Văn Sang

Lê Văn Sang: Gia đình chúng tôi đã có truyền thống làm hậu cần nghề cá gần 30 năm, hiện đang sở hữu 2 tàu hậu cần nghề cá có công suất 1.160CV và 502 CV, có thể chuyên chở 60 tấn hàng, giải quyết công ăn việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng/người. Vì cùng làm chung một ngành nghề nên chúng tôi cũng liên kết với các hộ hậu cần còn lại để cùng phát triển. Chúng tôi đang triển khai các bước để thành lập HTX chuyên về hậu cần nghề cá trong năm 2014 để giải quyết các bài toán về nhân lực cũng như nguồn vốn. Và trong năm 2015, gia đình tôi sẽ đóng chiếc tàu có công suất trên 1.000CV để bám biển dài hơi hơn.

Riêng tôi, muốn gắn bó với biển trước tiên phải yêu biển. Lần đầu tiên theo ba tôi (ngư dân Lê Mến- “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”) đánh bắt hải sản trên biển, mang cá tươi vào đến cho mọi người, trong tôi đã dâng lên một niềm vui, hãnh diện rất khó tả. Và từ đó, tôi thấy rằng đây chính là công việc mà tôi sẽ cống hiến suốt đời. Bên cạnh đó, đằng sau những thành công bao giờ cũng có hình bóng của người phụ nữ. Tôi là người làm việc thường xuyên ngoài biển khơi, nên vợ của tôi đã hy sinh rất nhiều khi ở nhà chăm sóc con nhỏ. Đây cũng là một cái “neo” để tôi an tâm ra khơi.

P.V: Anh có nói về việc thành lập HTX hậu cần nghề cá? Anh có thể nói rõ hơn về điều này?

Lê Văn Sang: Chúng tôi thực sự đã nhận được sự hỗ trợ rất tuyệt vời từ chính quyền TP Đà Nẵng trong việc đóng mới tàu công suất lớn. Với công suất tàu từ 400CV-600CV được hỗ trợ 400 triệu đồng, công suất 600-800CV được hỗ trợ 500 triệu đồng và 800 triệu đồng hỗ trợ cho tàu có công suất trên 800CV. Thực tế cho thấy, nhiều ngư dân có thể đóng được tàu tầm 4-5 tỷ đồng với sự hỗ trợ trên.

Tuy nhiên, tàu thì cần nhân công. Đây là bài toán khó!. Thứ nhất, nguồn nhân lực đang chuyển hướng sang những ngành nghề mới. Thứ hai là về bảo hiểm. Trong khi bảo hiểm nhân mạng của người đi xe máy là 50 triệu đồng thì bảo hiểm nhân mạng của người đi biển chỉ có 20 triệu đồng. Sự chênh lệch này không phải là việc ít hay nhiều mà nó phản ánh sự thiếu coi trọng người lao động làm nghề đánh bắt hải sản như chúng tôi. Đây là những lý do khiến nhân công đi biển bỏ việc.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường phải thuê nhân công ở tỉnh ngoài nên phải đặt tiền cọc trước cho họ, đến ngày đi biển họ lại phá cọc không đi dẫn đến rủi ro trong việc “xem mặt gởi vàng” đối với nhân công. Một bài toán khó nữa là vay vốn. Khi chúng tôi có nhu cầu vay vốn để sửa sang lại máy móc, thiết bị, nâng cấp phương tiện... thì phải sử dụng tài sản là sổ đỏ, giấy tờ nhà chứ không sử dụng được tài sản là tàu thuyền. Trong khi đó, tàu thuyền của chúng tôi có trị giá cả bạc tỷ nhưng ngân hàng lại coi đây là loại tài sản không đảm bảo.

Từ những trở ngại trên, chúng tôi nghĩ rằng, những ngư dân làm hậu cần nghề cá như chúng tôi phải kết hợp với nhau để phát triển thành HTX. Từ đó chúng tôi cố gắng để giải quyết hai bài toán trên: sẽ mua bảo hiểm cho người lao động và liên kết trong việc vay vốn, huy động nguồn lực trong xã hội. Dự kiến HTX sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

P.V: Cảm ơn anh về nội dung đã trao đổi, chúc anh và các đồng nghiệp sớm hoàn thành giấc mơ, dự định của mình.

Lê Anh Tuấn
(thực hiện)