Báo Công An Đà Nẵng

Ngư dân Lý Sơn gắn bó với biển đảo Tổ quốc

Thứ tư, 25/11/2020 19:00

Gắn bó đời mình với biển cả mênh mông, những ngư dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang ngày đêm miệt mài bám trụ từng con sóng, từng vùng biển, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Lý Sơn thay mới cờ Tổ quốc trên tàu cá để vươn khơi Hoàng Sa- Trường Sa.

Người dân vùng biển, đảo Lý Sơn đời này nối tiếp đời kia, dựa vào biển để mưu sinh. Biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp mà đã trở thành một phần hồn cốt của họ. Hương vị mặn mòi của biển và sự chịu thương, chịu khó của ngư dân Lý Sơn đã tạo nên nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với sóng gió. Trong số hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm cần mẫn trên những con tàu ngược sóng ra khơi, nhiều ngư dân kỳ cựu đã trở thành những “cột mốc sống” giữ biển, canh trời Tổ quốc.

Những ngày đầu đông này, nắng như dát bạc lấp lánh trên mặt biển. Con đường bê-tông dọc bờ biển phía nam đảo dẫn vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn không khí rộn ràng hối hả. Bên bờ biển tấp nập ấy, ngư dân Nguyễn Gia Viên, chủ đội tàu hành nghề vây rút chì khơi đang chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đi biển sắp tới. Lá cờ cũ bạc màu vì sóng gió khơi xa được hạ xuống, gấp ngăn nắp lại cho vào một chiếc túi, lá cờ mới được thay thế trên nóc ca-bin tàu. Đứng trên boong tàu lộng gió, nhìn ra phía biển, ngư dân Viên tâm sự: Từ bao đời nay, người dân Lý Sơn chúng tôi đều sống bằng nghề đi biển. Thời kỳ trước, ngư dân chỉ đánh bắt bằng các phương tiện thô sơ, chủ yếu giăng câu, thả lưới kiếm con tôm, con cá chạy ăn từng bữa. Muốn vượt sóng to phải có tàu to máy lớn nên tôi đã tiên phong hiện thực quyết tâm của mình khi kêu gọi anh em bạn chài hùn vốn đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi làm ăn. Năm 2016 ngày con tàu cá hiện đại đầu tiên trong đội tàu được hạ thủy rẽ sóng ra khơi. Sau mỗi chuyến ra khơi ở ngư trường gần bờ, tàu cập bờ chở nặng cá tôm, cuộc sống của gia đình tôi và anh em bạn chài dần khấm khá”.

Từ thành công của chiếc tàu đầu tiên, không bằng lòng với những gì đang có, ngư dân Nguyễn Gia Viên tiếp tục vận động các anh em bạn chài góp vốn để đóng con tàu cá thứ 2 rồi thứ 3. Bằng kinh nghiệm và nỗ lực, đội tàu của ông Viên luôn cho sản lượng khai thác cao. “Biển nhiều tôm cá, Tổ quốc có bình yên thì những con tàu mới ngày ngày cùng chúng tôi ra khơi. Với chúng tôi, mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một “cột mốc” chủ quyền, chúng tôi nguyện đồng hành cùng Nhà nước giữ biển. Giữa biển khơi vốn mênh mông, dài rộng là thế, nhưng nhìn thấy lá Cờ đỏ Sao vàng cắm trên nóc ca-bin tàu hiên ngang bay trước gió, lòng tôi cảm thấy tự hào và nỗ lực làm giàu từ biển quê hương”, ngư dân Nguyễn Gia Viên tâm sự.

Không biết nghề khai thác hải sản có tự bao giờ, chỉ biết từ bao đời nay đời sống người dân Lý Sơn đã gắn liền với biển cả. Cha ông đi trước “khai hoang”, lập nghiệp nhờ vào biển, qua bao thế hệ, từ ngư trường Hoàng Sa đến Trường Sa từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng ghi dấu ngư dân Lý Sơn. Và rồi, những đứa trẻ vẫn theo cha ra biển, lớn lên trở thành “thủ lĩnh” giữa trùng khơi. Lau vội chiếc vô lăng tàu bị mài mòn bởi thời gian, ngư dân trẻ Bùi Văn Phải, ở thôn Đông, An Hải trải lòng: “Cả nhà tôi đều theo nghiệp biển. Đời cha, đời ông đã mong muốn con cháu mình cũng sẽ theo nghiệp này. Đời ngư phủ quanh năm đi tìm luồng cá. Giữa sóng nước trùng khơi, phải luôn giữ được cái đầu “lạnh” và trái tim “nóng”, đam mê nhiệt huyết với biển thì biển sẽ không phụ công mình. Bao năm dọc ngang biển cả, tôi không nhớ nổi mình đã cho tàu vươn bao nhiêu chuyến biển hết Hoàng Sa – Trường Sa, vùng biển phía Nam...  Nhờ “lộc” biển, nên cuộc sống của gia đình tôi và hàng chục bạn chài nay đỡ vất vả, mua được tàu cá công suất lớn, tạo được việc làm cho anh em trong nhà và lao động địa phương”.

Chuẩn bị cho chuyến vươn khơi Hoàng Sa – Trường Sa.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ngư dân Phải còn là “thủ lĩnh ngư dân trẻ” đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với các chủ tàu và ngư dân địa phương đặc biệt là lớp ngư dân trẻ. “Ngư dân bám biển lấy đêm làm ngày, trong những đêm trắng giữa trùng khơi ấy, nhiều khối ánh sáng từ các tàu đánh cá, tàu câu mực luôn luôn tỏa sáng. Giữa ánh sáng gần gũi, ấm áp ấy, chợt dậy lên niềm tin ở đâu có ngư dân, ở đó có Tổ quốc. Sự hiện diện của mỗi ngư dân chúng tôi trên ngư trường đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng một lòng vươn khơi bám biển. Giữ biển là trách nhiệm với Tổ quốc, với tổ tiên, ông bà của mình”, ngư dân Bùi Văn Phải bộc bạch.

Đối với nhiều thế hệ ngư dân Lý Sơn luôn xem tàu là nhà, biển cả là quê hương. Các thành viên trên tàu coi nhau như người anh, người em trong “ngôi nhà” thân thương giữa mênh mông biển cả. Mặc cho con sóng bạc đầu có lúc hung dữ, mặc cho những hành vi hung hăng tàu Trung Quốc truy cản, tấn công, những chiếc tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì bám biển. Trong dập dềnh sóng nước, ngồi bên cảng cá, ngư dân Bùi Văn Phải tâm sự: “Dẫu phía trước có gian nan, vất vả, chúng tôi vẫn không chùn bước, miệt mài bám biển bám ngư trường truyền thống để làm ăn như bao đời nay cha ông đã từng gắn bó.  Suốt nhiều năm “ăn sóng, nói gió”, ngư dân Bùi Văn Phải còn được bà con ngư dân địa phương ví như “điểm tựa bình yên” bởi anh luôn sẵn sàng cứu giúp các tàu cá khi chẳng may gặp hoạn nạn, rủi ro. Anh không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người, chỉ biết rằng, nhìn thấy những ngư dân gặp nạn được an toàn, anh mới có thể yên tâm tiếp tục hành trình đánh bắt của mình.

Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt tự hào: “Từ bao đời nay, “biển bạc” nhiều tôm, cá là nguồn sống chủ yếu của ngư dân Lý Sơn. Nghiệp biển “Cha truyền con nối” đã và đang dần cải thiện đời sống của người dân Lý Sơn. Với mỗi ngư dân Lý Sơn, họ luôn đau đáu hướng về Hoàng Sa- Trường Sa, nơi mà hàng trăm năm trước cha ông họ không quản sóng to, gió lớn giong thuyền ra khơi dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và để ngày hôm nay nhiều thế hệ ngư dân Lý Sơn ngày ngày đi về trên vùng biển thiêng liêng ấy”.

Anh Thư