Báo Công An Đà Nẵng

Ngư dân Lý Sơn thẳng tiến về Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ hai, 15/02/2016 09:57

(Cadn.com.vn) - Sau 10 ngày nghỉ ngơi đón tết vui Xuân cùng gia đình, sáng 13-2 (nhằm mồng 6 tháng Giêng), hàng trăm  tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đồng loạt nổ máy mang theo những lá cờ đỏ sao vàng tung bay lên đường thẳng tiến về  vùng biển  Hoàng Sa và Trường Sa.

Những con tàu Lý Sơn mang theo cờ Tổ quốc thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Để cho tàu chuẩn bị vươn khơi trong mùa biển mới 2016, ngay từ những ngày cuối tháng Chạp, hàng trăm tàu cá đã tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, ngư cụ và lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, những lá cờ Tổ quốc mới cũng được kéo lên trên nóc ca bin tàu, với mong muốn cờ Tổ quốc tung bay trên các vùng biển đảo quê hương sẽ tạo thêm niềm tin và sức mạnh để ngư dân bám biển bám đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho rằng: "Mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi chiếc tàu là một pháo đài giữa biển khơi. Những chiến sĩ trên pháo đài với lá cờ Tổ quốc tung bay đi đến đâu chính là khẳng định chủ quyền của nước ta đến đó".

Điểm đến của những tàu khai thác hải sản dài ngày trên đất đảo là các ngư trường quen thuộc tại quận đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đã từ rất lâu Hoàng Sa và Trường Sa luôn được khẳng định là lãnh thổ của Việt Nam. Dẫu biết đây là những ngư trường không chỉ có sóng to gió lớn mà có cả tàu nước ngoài trang bị vũ khí đe dọa, tấn công, xua đuổi, kiểm tra, thu tài sản và đâm chìm trên biển  nhưng đây là ngư trường truyền thống, lớp cha ông họ đánh bắt thì nay con cháu tiếp tục. Vì thế, dù có phải đối mặt với những cam go, khắc nghiệt vẫn không làm chùn bước những con người coi biển là một phần máu thịt, nguồn sống của mình, mà ngược lại họ còn rạng ngời một niềm tin trước mỗi chuyến ra khơi. Và cứ như thế, đời họ cho đến đời con, rồi qua đời cháu thì vẫn tiếp tục bám Hoàng Sa, Trường Sa. "Biển là hơi thở, là nguồn sống, là quê hương và là chủ quyền của nước ta, phải bám biển, giữ biển chứ. Cha ông hi sinh là thế, lớp sau thấy vất vả, hiểm nguy mà nhụt chí, không ra biển nữa là mất hết. Biển Đông đang dậy sóng, những ngư dân của đảo càng phải ra khơi, với tinh thần của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Dù tài sản có thể mất, nước mắt có thể rơi và máu có thể đổ, mạng sống có thể không còn nhưng chúng tôi không bao giờ để vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thiếu bóng dáng lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay... Chúng tôi nguyện bám Hoàng Sa và Trường Sa đến hơi thở cuối cùng để không hổ thẹn là những người con của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm Bắc Hải..." - ngư dân Trương Đình Hộ (trú xã An Hải) khẳng định.

Trên tất cả những chiếc tàu đã ra khơi khai thác mùa biển năm mới, ngoài những thứ cần thiết và nhu yếu phẩm thường nhật thì đều mang lễ vật để làm vật phẩm dâng lên những con dân Lý Sơn cách đây mấy trăm năm vâng lệnh vua, lên thuyền vượt sóng gầm bão tố ra Hoàng Sa, cắm cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Theo các ngư dân, mỗi chuyến ra khơi như thế này thường kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng. Hằng năm, mỗi ngư dân Lý Sơn đều có thời gian hơn 11 tháng sống và khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa nên ai nấy đều xem đây như là những ngôi nhà thân thương. Sự có mặt của những ngư dân Lý Sơn trên biển Đông không đơn thuần là để kiếm kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm đối với tổ tiên, dân tộc đồng thời để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc đó là bảo vệ và canh giữ phần lãnh thổ thiêng liêng của nước nhà. Điều đó không ai giao phó nhưng đấy là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi một người dân Việt Nam nói chung và ngư dân huyện đảo nói riêng. Có lẽ vì thế mà bao hiểm nguy nơi biển cả vẫn không ngăn được bước chân của bà con ngư dân chúng tôi. Ngư dân Dương Văn Giàu - Thuyền trưởng tàu cá 96417 TS (công suất 450 CV) cho biết: "Hi vọng mùa biển mới việc vươn khơi làm ăn sẽ bội thu, tàu về tôm cá đầy khoang. Không riêng gì tôi mà khao khát của hàng ngàn ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn đều mong trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió để ngư dân chúng tôi có điều kiện thuận lợi tiếp tục vươn khơi đánh bắt trên vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đứng trên bến cảng nhìn những con tàu lần lượt mang trên mình lá cờ Tổ quốc hiên ngang và anh dũng rời bến, vượt sóng ra khơi khai thác hải sản và cũng là bảo vệ biên cương của nước nhà những ngày đầu năm mới, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Bùi Thị Quỳnh Vân, tự hào: "Các cuộc giong buồm ra Hoàng Sa của những chàng Kinh Kha một đi không trở lại nơi đảo Lý Sơn đã chấm dứt lâu rồi nhưng trong ký ức của mỗi người con xứ đảo vẫn còn đó.  Vì vậy, dẫu hiện nay mỗi lần tàu cá của Lý Sơn trực chỉ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là một lần phải đối mặt với tai ương nhưng chưa bao giờ ngư dân của hòn đảo này chùn bước cả. Là bởi, biển xanh nơi ấy từng là máu thịt, là một phần của Tổ quốc thiêng liêng mà cha ông họ đã trả giá bằng mạng sống của mình qua nhiều đời để chắt chiu gìn giữ...".

Trí Dũng

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (H. Lý Sơn, Quảng Ngãi), vài năm trở lại đây, ngư dân Lý Sơn luôn gặp khó khăn khi bị tàu nước ngoài liên tiếp tấn công uy hiếp, cướp bóc, đập phá tài sản. Tuy nhiên, không vì thế mà ngư dân nản chí, chùn lòng bỏ biển. Căm phẫn trước những hành động tàn độc, vô lương tâm của các đối tượng tàu nước ngoài, ngư dân càng thể hiện ý chí quyết tâm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đến cùng. "Ngư dân căm phẫn chứ không hề sợ "cướp biển" ở Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi, họ luôn ý thức nơi đó là Tổ quốc thiêng liêng. Nên cho dù các đối tượng tàu nước ngoài có bắt bớ, tịch thu tàu, hải sản, thậm chí bị đánh đập, giết chóc, họ vẫn dong buồm ra khơi, giương cao cờ Tổ quốc thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa", ông Chinh khẳng định.

Trí Dũng