Báo Công An Đà Nẵng

Ngư dân phấn khởi vươn khơi trở lại

Thứ năm, 04/11/2021 13:10

Sau nhiều tháng trời nằm bờ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tàu cá đã phấn khởi vươn khơi, bám biển trở lại. Không chỉ trở về với tôm cá đầy khoang, ngư dân cũng vui mừng vì được về nhà sau thời gian dài “kẹt” lại trên biển.

Cảng cá Thọ Quang nhộn nhịp trở lại sau thời gian đóng cửa chống dịch.

Thoát cảnh “mắc cạn”

Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại bắt đầu tấp nập. Tàu thuyền đầy ắp tôm cá nối đuôi nhau cập cảng với chuyến đi biển đầu tiên sau thời gian dài neo bờ. Các tàu đậu san sát, ngư dân luôn tay chuyển từng sọt cá, mực, ghẹ… lên bờ để bán cho thương lái. Kề đó, nhiều chủ tàu cũng đang đốc thúc thuyền viên tu bổ lại thuyền, sắp xếp lưới, ngư cụ, dầu… để chuẩn bị vươn khơi. Thương lái tấp nập kéo xe ba gác ra bến cảng, tất bật lựa cá, cân cá, tính tiền rồi tỏa đi các chợ. Đã lâu rồi, cảng cá lớn nhất miền Trung mới nhộn nhịp, tất bật đến vậy.

Sau 10 ngày đi “săn” trên biển, tàu cá của ông Phan Văn Thái (42 tuổi, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cập Cảng cá Thọ Quang với khoảng 10 tấn cá, mực… các loại. Sau hơn 2 tháng không thể đi biển, ngay sau khi nghe tin cảng cá sắp mở cửa trở lại, ông Thái cùng 15 thuyền viên nhanh chóng tu sửa lại tàu, chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chuyến ra khơi. “Ở nhà nghỉ dịch lâu quá, anh em thuyền viên ai nấy cũng đều “ngứa” tay chân, mong muốn nhanh chóng được đi biển trở lại để có tiền trang trải cuộc sống. Nghe tin mở cảng trở lại, anh em đều rất mừng”, ông Thái hồ hởi.

Tàu vừa cập cảng, ông Thái cùng các thuyền viên bắt tay chuyển cá từ dưới khoang lên bến để cân cho thương lái. Những mệt mỏi của họ sau chuyến đi biển dài này dường như tan biến, những khuôn mặt rạng ngời niềm vui sau chuyến biển “trúng đậm”. Các bạn hàng quen của tàu ông Thái cũng xếp xe chờ sẵn để bốc dỡ hàng. Nhiều ngày không gặp, những câu chuyện của họ rôm rả hơn và cũng đầy hi vọng về những ngày đánh bắt, buôn bán khởi sắc sau khi dịch bệnh được kiểm soát. “Cũng mấy tháng rồi, mới được hít hà mùi biển, mùi tanh nồng của cảng cá. “Mắc cạn” lâu quá, tui cứ cuồng tay, cuồng chân. Không ra khơi không kiếm được cái ăn cũng chỉ một phần, rầu nhất là không được ăn sóng đạp gió, làm nghề biển”, ông Thái bộc bạch.

Đợt này, tàu ông Thái trúng được luồng mực, giá bỏ sỉ cũng được 100 nghìn/kg, chưa kể các loại cá như cá lạc, cá chim, cá mú biển… Nhẩm tính, ông Thái phấn khởi vì chuyến biển có lời. “Chuyến này tôi chỉ đi có 10 ngày nhưng thu hoạch cũng khá. Tiền bán cá đủ trả tiền lương cho anh em thuyền viên và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Bán hết chỗ cá, mực này, tôi sẽ tranh thủ cho tàu ra khơi ngay lập tức vì thời tiết đang thuận”, ông Thái nói.

 Ngư dân phấn khởi vì được mùa sau khi vươn khơi trở lại.

“Kẹt” trên biển 7 tháng mới về nhà

Ở một góc khác tại Cảng cá Thọ Quang, sau khi bán hết cá trong khoang, ông Ngô Văn Dũng (trú tỉnh Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá QNg 92416 TS tranh thủ về thăm vợ con sau hơn 7 tháng chưa về nhà. Từ tháng 3 năm nay, tàu ông di chuyển đến vùng biển phía Bắc để khai thác thủy sản. Thế rồi Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung bùng phát dịch COVID-19, không thể về quê, ông cùng các thuyền viên tiếp tục khai thác và bán thủy sản ở vùng biển phía Bắc. Gần 7 tháng trời, đến khi Đà Nẵng kiểm soát được dịch, Cảng Thọ Quang mở cửa trở lại, ông Dũng mới có thể cập cảng rồi tranh thủ về thăm nhà. “Cứ lênh đênh đánh bắt rồi kẹt dịch không thể về được, anh em tự an ủi nhau tiếp tục cố gắng, còn hơn về nhà bó chân một chỗ cũng không có gì ăn”, ông Dũng kể lại. Để an toàn, ông Dũng chỉ cho tàu cập ở những tỉnh nào dịch bệnh tạm ổn, bốc dỡ cá, tiếp dầu và lương thực xong là lại tiếp tục vươn khơi chứ không ở lại lâu. “Mưa bão thì tui kiếm các vịnh sâu để tránh. Đánh bắt liên tục anh em thuyền viên cũng vất vả, nhưng cảng thì đóng, cập bờ tỉnh khác thì cũng không dễ gì để về đến nhà. Thà mình cực một chút mà gia đình được nhờ”, ông Dũng nói.

Những ngày lênh đênh đánh bắt cùng tàu QNg 92416 TS có lẽ là chuyến xa nhà dài ngày nhất của thuyền viên 20 tuổi Võ Tấn Tính (trú TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). “Thời điểm đó, tàu khai thác và bán thủy sản luôn ngoài biển, lâu lâu mới vào đất liền tiếp tế lương thực, nhiên liệu, đá... Thỉnh thoảng cũng thấy thèm người, thèm đất liền. Từ đó đến nay, tôi chưa được về nhà nên rất nhớ ba má và người yêu. Chuyến này tôi phải về thăm nhà rồi mới đi biển lại”, Tính tươi cười nói.

Đã cập bờ 2 hôm, ông Nguyễn Thanh Hải (1979, trú tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cùng thuyền viên tất bật sắp xếp lại tàu, ngư cụ, chất đầy lương thực, nguyên liệu để chuẩn bị cho chuyến biển thứ 2 sau thời gian dài nghỉ dịch. “Chuyến đầu tiên, tàu đánh được khoảng 10 tấn cá. Giá thủy sản đã giảm 20-30%, với 10 tấn cá bán, tôi chỉ hòa vốn chứ không có lời”, ông Hải cho hay. Ngay khi Đà Nẵng cho phép cảng cá hoạt động, ông Hải cùng 14 thuyền viên khác từ Quảng Ngãi tức tốc ra Đà Nẵng để tu sửa lại tàu, vá lưới... và nhanh chóng ra khơi. “Thuyền viên đều đã được tiêm 1 mũi vaccine nên anh em cũng yên tâm, tôi cũng dặn dò anh em hết sức giữ gìn để việc ra khơi được thuận lợi, không phải chịu thêm ảnh hưởng do dịch bệnh”, ông Hải kể.

Thành Danh