Báo Công An Đà Nẵng

LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM - NGŨ HÀNH SƠN NĂM 2015:

Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về

Thứ tư, 08/04/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Sáng 7-4 (nhằm ngày 19-2 ÂL), đông đảo Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước đã tề tựu về chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) tham dự Lễ Vía Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm-nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn năm 2015...

Chạm ngõ từ bi

Từ mờ sáng, cả tuyến đường Sư Vạn Hạnh mới rộng thênh thang và khang trang sạch đẹp dài hơn 1 km dẫn vào nơi diễn ra lễ chính thức đã đông nghẹt người. Điều đó đã thể hiện đúng với câu thơ: "Quan Âm mười chín tháng hai - Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về". Có thể khẳng định, sự tham dự đông đảo của người dân và du khách đã nói lên sức lan tỏa của Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn, đã vượt ra ngoài không gian của một địa phương. Đồng thời, cũng minh chứng một thực tế khác, rằng đây không chỉ là sinh hoạt tâm linh của một tôn giáo, mà là sự cộng hưởng của tất cả quần chúng nhân dân.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh- Trú trì chùa Quán Thế Âm, Phó BTC Lễ hội Quán Thế Âm 2015, trong tinh thần từ bi - trí tuệ - ban vui của đạo Phật, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện lắng nghe để cứu độ, là hình ảnh nổi bật, gần gũi nhất, mà nhân gian thường niệm danh hiệu Ngài để cầu nguyện mỗi khi gặp hoạn nạn, khổ đau, những biến cố trong cuộc đời. Thế nên, Lễ hội mang danh hiệu của Ngài, cũng là xiển dương tinh thần từ bi của đạo Phật, cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, làm cho cái thiện, cái đẹp, cái cao quý ngày mỗi tươi tốt, đơm hoa kết trong đời sống xã hội...



Nghi lễ Cung nghinh Chư Tôn Đức giáo phẩm Việt Nam, Đoàn Chư tăng Phật giáp Vương quốc Thái Lan  và đại diện lãnh đạo thành phố, các sở, ban ngành, địa phương.

Đúng 7 giờ, chính thức diễn ra các nghi thức Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc, như: Cung nghinh Chư Tôn Đức giáo phẩm Việt Nam, Đoàn Chư tăng Phật giáo Vương quốc Thái Lan; thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm và cầu nguyện quốc thái dân an, dân tộc hương thịnh... Đặc biệt, cảnh tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng... Thượng tọa Thích Huệ Vinh nhấn mạnh: Trong từng kỳ gian, Lễ hội Quán Thế Âm được xây thành, ngoài các nghi thức và sinh hoạt của một lễ hội văn hóa, theo tín ngưỡng dân gian, trên nền truyền thống của mảnh đất Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng, thì đối với những người con Phật, Lễ hội cũng là con đường hoằng dương chánh pháp, để mọi đối tượng nhân dân, mọi tâm hồn, mọi trái tim đại chúng có dịp chạm ngõ từ bi.

Ngôi chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn, nhờ phước duyên của Đức Bồ Tát, đã trở thành địa chỉ tổ chức Lễ hội hằng năm. Cũng từ đây, con đường mở ra thênh thang, không chỉ là khách hành hương, là các tăng đoàn, tín đồ Phật giáo, các nhà hoạt động nghệ thuật hoạt động văn hóa trong nước tham gia lễ hội, mà còn là sự cộng duyên với nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật, Phật giáo quốc tế như: Phật giáo Ấn Độ, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Làng Mai - Pháp quốc... Tại đây cũng đã diễn ra các hoạt động triển lãm, biểu diễn  thư pháp, trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, pháp hội, pháp thoại, hay các cuộc giao lưu văn hóa-văn nghệ...

Việc tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn một cách trang trọng không ngoài mục đích khơi dậy lòng từ bi bác ái trong cộng đồng, tôn vinh các giá trị nhân văn, cái đẹp chân - thiện - mỹ và tính nhân đạo của người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp gắn kết mối giao hòa giữa Đạo pháp-Dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Có thể nói, Lễ hội như một làn gió trong lành và là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn để giúp mọi người sống đẹp hơn với đời và với những người xung quanh.

Theo ông Lê Hoàng Đức-Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2015: "Có lẽ không ai trong chúng ta đã một lần đến với Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng là không biết đến Lễ hội Quán Thế Âm. Hằng năm, cứ sau độ trăng tròn của tháng 2 âm lịch, nhân dân Q. Ngũ Hành Sơn lại hân hoan đón chào người đi trẩy hội, được thưởng thức những trò chơi dân gian đặc sắc, được nhìn thấy không gian hoành tráng, đẹp mắt của lễ hội cùng với cảnh vật hữu tình trong bối cảnh của bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa núi cao- sông dài - biển rộng - chùa chiền - hang động của Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn...".

Nghi lễ tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lung linh, huyền bí, thiêng liêng.

Cùng ngày, trong khuôn khổ Lễ hội đã diễn ra hội đua thuyền với sự tham gia của các đội đua đại diện các quận, huyện; các tu sỹ họa sỹ Phật giáo thuộc CLB Mỹ thuật Phật giáo, Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo và cư sỹ họa sỹ TP Đà Nẵng biểu diễn vẽ bức tranh sơn dầu núi rừng tùng mai, biểu hiện phúc đức trường tồn. Tác phẩm sơn dầu vẽ trên vải toan, kích cỡ 2m5 x 9 do nhiều họa sỹ tu sỹ và họa sỹ cư sỹ tham gia nhất này sau đó sẽ được hiến tặng ho Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo, làm tiền đề cho các hoạt đồng văn hóa trong tương lai.

Dấu ấn khó quên trong lòng người trẩy hội

Để Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2015 thành công trọn vẹn, ngay từ đầu BTC đã quyết tâm vận động thực hiện Lễ hội "5 không" (không có trộm cắp, cướp giật, móc túi, không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác bừa bãi, không vi phạm VSATTP; không nâng giá giữ xe, không bán hàng, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị  đoan).

Những chiến sỹ CA cả ngày đêm đứng trên đường, mồ hôi nhễ nhại, quên cả ăn để đảm bảo tuyệt đối về người và tài sản cho người dân, du khách, vẫn nở nụ cười tươi, nhờ thế tình hình ANTT được đảm bảo tuyệt đối. Bên cạnh đó, các chương trình được duy trì tổ chức trang trọng, hấp dẫn, sinh động và đúng nghi thức đã thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử, đồng bào và du khách trong, ngoài nước đến tham dự và lễ bái. Tất cả đã giúp cho hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của thành phố nói riêng và cả nước nói chung; để một Ngũ Hành Sơn đầy huyền bí, mến khách nhưng cũng rất trẻ trung, năng động sẽ mãi đọng lại trong hành trang của du khách gần xa mỗi lần đến với lễ hội.

Sau 3 ngày diễn ra trang trọng, sôi nổi, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham gia, tối 7-4, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2015 đã chính thức khép lại bằng những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm khó quên trong lòng người đi trẩy hội.

L. Hùng