Báo Công An Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn qua tranh

Thứ hai, 18/01/2016 08:59

(Cadn.com.vn) - Gần 20 năm ấp ủ ý tưởng, 6 năm miệt mài bên cây cọ, một họa sĩ đã vẽ thành công gần 50 bức tranh sơn mài về lịch sử Ngũ Hành Sơn. Với ông, đây không chỉ làm niềm đam mê thuần túy của người vẽ tranh, mà qua mỗi tác phẩm, ông muốn lưu giữ lại nét văn hóa tâm linh muôn đời của danh thắng Ngũ Hành Sơn - sản phẩm kỳ diệu thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng. Ông là họa sĩ Xuân Sơn, Chủ nhiệm CLB họa sĩ Trúc Văn Đà Nẵng.

Họa sĩ Xuân Sơn bên những tác phẩm vẽ về sự tích Ngũ Hành Sơn.

Tác phẩm đầu tay vẽ về núi Ngũ Hành của họa sĩ Xuân Sơn là bức tranh "Ngũ Hành Sơn-vùng đất thiêng", triển lãm tại chương trình "Hành hương về Ngũ Hành Sơn" dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5) năm 2009. Bức tranh vẽ 5 ngọn Ngũ Hành Sơn, trong đó nêu bật nhiều sự kiện như sự tích bia Phổ Đà, Linh Trung Kiệt, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, đình Khuê Bắc. Với khổ hình 2m x 1,3m, tác phẩm đã được ban tổ chức đề xuất ghi danh vào kỷ lục Việt Nam là bức tranh có địa danh, di tích về Ngũ Hành Sơn nhiều nhất. Ngay sau khi chào đón hàng ngàn lượt khách tới thưởng lãm, bức tranh đã được bán đấu giá trao tặng cho hội từ thiện TP.

Và từ đó, niềm đam mê thực hiện hoài bão tái hiện Ngũ Hành Sơn qua tranh luôn thôi thúc họa sĩ. Lần lượt, gần 50 bức tranh khác thành công như: Tác phẩm Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật, Văn hóa Chămpa,  sự tích Ngũ Hành, Nhớ Công Chúa Huyền Trân, Huyền sử Ngũ Hành Sơn... Họa sĩ Xuân Sơn cho biết, để thực hiện tâm huyết, ông đã tham khảo rất nhiều sách báo viết về sự tích núi Ngũ Hành, rồi mượn tranh để đưa di sản quý giá nơi đây giới thiệu đến người dân và du khách. "Nếu như người họa sĩ chỉ nhìn phong cảnh núi non để vẽ tranh thì bức nào cũng như bức nào. Cái cốt lõi là phải nghiên cứu, phải nghĩ được cốt hồn của cảnh vật, núi non. Để vẽ được hàng chục bức tranh, tôi đã phải nghiên cứu, tìm hiểu từ các "quân sư" là nhà sử học hiểu biết về văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn để từ đó chuyển tải hồn mình vào tranh để có được tác phẩm sống động, giàu xúc cảm".

Như tác phẩm "Pháp âm" vẽ năm 2013, họa sĩ Sơn phải "bắt" bàn tay và khối óc nghĩ ra được cách phác họa hình ảnh Phật bà Quan Âm ẩn mình trong ngọc núi với khuôn mặt, ánh mắt hiền từ, đang nguyện cầu phò độ chúng sinh. Nội dung bức tranh cũng phải tàng ẩn, chất chứa được nội dung những lời Phật dạy, đại từ, đại bi. "Mỗi lần đến núi Ngũ Hành, tôi đều có cảm giác yên vui, thanh bình. Nơi ấy, tôi thoải mái sáng tác, hòa mình vào phong cảnh núi non hùng vĩ và diễm lệ để thăng hoa cùng nghệ thuật. Qua những bức tranh về sự tích Ngũ Hành Sơn, tôi muốn chuyển tải đến người thưởng ngoạn hồn cốt văn hóa Việt"-họa sĩ Xuân Sơn bộc bạch. Nói về đam mê vẽ tranh sự tích Ngũ Hành của họa sĩ Xuân Sơn, ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho rằng, những họa sĩ vẽ tranh về Ngũ Hành Sơn xưa nay rất hiếm. Riêng họa sĩ Xuân Sơn, nhiều năm qua rất quan tâm đến giá trị của danh thắng này nên đã đeo đuổi niềm đam mê, thổi hồn vào tranh vẽ. Hầu như mọi hoạt động, lễ hội của chùa Quán Thế Âm họa sĩ đều tham gia và có những bức tranh về Ngũ Hành Sơn giá trị. Qua các cuộc triển lãm, những bức tranh của ông đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của danh thắng đến với mọi người, nhất là du khách phương xa và quốc tế, qua đó góp phần nâng tầm giá trị của danh thắng.

Họa sĩ Xuân Sơn cho biết, ông vừa hoàn tất các thủ tục để đầu tháng 3-2016 sẽ tổ chức cuộc triển lãm nghệ thuật mang chủ đề "Dấu ấn văn hóa Ngũ Hành Sơn" tại phố cổ Hội An. Tại triển lãm, người dân và du khách sẽ được thưởng lãm hàng chục bức tranh của ông về danh thắng Ngũ Hành Sơn. Theo ông, triển lãm nhằm kết nối giữa di sản Hội An và danh thắng Ngũ Hành Sơn. "Qua triển lãm, tôi muốn gửi tới tất cả mọi người thông điệp, hãy trân quý những giá trị di sản còn nguyên sơ mặc dù đã trải qua rất nhiều biến thiên của thời gian, đồng thời quảng bá hình ảnh danh thắng đến với các vùng miền trên cả nước và quốc gia, rằng Đà Nẵng có một khu văn hóa tâm linh có giá trị"-họa sĩ Sơn nói.

Nhà sử học Lê Duy Anh cho rằng, những tâm huyết của họa sĩ Xuân Sơn trong cuộc triển lãm sắp tới sẽ giúp mọi người hiểu nhiều hơn về những dấu tích có giá trị lịch sử được lưu giữ lại tại vùng đất tâm linh Ngũ Hành Sơn.

Công Hạnh