Báo Công An Đà Nẵng

Ngư phủ hồi hương ăn Tết

Thứ sáu, 06/02/2015 07:59

(Cadn.com.vn) - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, những ngư dân đánh bắt xa bờ đã bắt đầu tụ về các âu thuyền để kịp về quê đón Tết. Những ngày này, không khí tại các cảng cá miền Trung như đông đúc gấp bội bởi hàng trăm tàu cá ngư dân neo đậu, bận rộn dọn dẹp, xả đá, kiểm tra máy móc, ngư cụ... để sau khi vui Tết cùng gia đình, sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm.

 Sau một năm đầy biến động trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, những ngư dân kiên trường bám biển quê hương tạm gác lại những âu lo thường nhật, hồ hởi nhận tiền công, tất niên theo thông lệ rồi về sắm sửa Tết. Hầu hết họ là những trụ cột của gia đình, nên thu nhập là mối quan tâm hàng đầu. Chúng tôi đã đến âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), vừa kịp thời điểm ngư dân nao nức lên đường về quê. Anh Trần Hoàng Lực, thuyền trưởng tàu QNg 98985TS, trú tại Sa Huỳnh (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ: "Nhà có 2 đứa con, chuyến biển vừa rồi được mùa, thu được khá lắm nên mới mua cái tivi gì màn hình cong cong ấy (cười) mà cũng chưa kịp nhớ là bao nhiêu inches nữa vì mới đặt mua xong là chuyển về nhà. Như vậy là Tết nay, chúng tôi có cái để thưởng thức các chương trình truyền hình chuẩn không cần chỉnh. Tết năm nay an tâm, tuy chưa chuẩn bị gì được nhiều nhưng có tiền thì tất cả sẽ xong thôi. Giờ chỉ cần xem lại cái máy đang trục trặc, phải kiểm tra kỹ để ra Tết có cái để mần ăn. Được cái là giá xăng dầu giảm nhiều nên chúng tôi tranh thủ đổ đầy bình, xong việc ở đây là lên xe về quê ăn Tết được thỏa mái không phải lo nghĩ gì cả. Chỉ mong là mùa ra khơi nào cũng trúng như vụ cuối năm này (cười)".



Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển sau Tết.

 Trong khi đó, ngư dân tàu cá QNg 94332TS, anh Ngô Văn Hoàng lại ở tâm trạng khác: "Theo nghề này gần 6 năm, nhưng không có khái niệm tiền thưởng cuối năm như công nhân, nhân viên các công ty, xí nghiệp. Bởi nghề biển theo vụ, được nhiều thì ăn nhiều, được ít thì ăn ít, trung bình chỉ tính theo tháng thì được từ 6-8 triệu đồng. Riêng năm nay được nhiều hơn một tí vì giá cả chi phí giảm nên tháng cuối  năm được khá hơn, 12 triệu đồng. Chẳng nhiều nhặn gì nên tôi sẽ đến siêu thị sắm sửa vài thứ gì đó cho gia đình rồi về nhà tận hưởng không khí Tết với gia đình. Đã khá lâu rồi chưa được ăn bữa cơm cùng gia đình". Ngư dân trẻ Đinh Thắng Lợi, quê Khánh Hòa tâm sự: "Ngư dân chúng tôi thời gian nhìn cá còn nhiều hơn là nhìn người nên rất mong Tết đến để về thăm gia đình, đặc biệt là những lao động xa quê, làm bạn thuyền như chúng tôi, cả năm biền biệt xa khơi".

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá TP Đà Nẵng chia sẻ: "Năm vừa qua, ngư trường miền Trung có nhiều biến động, điều này đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Nhưng với tinh thần kiên cường bám biển, yêu biển đã thấm vào máu thịt, ngư dân đã vượt qua và rất yên tâm bởi  cả nước kề vai sát cánh bên họ. Giờ vẫn còn  nhiều tàu thuyền đang trên đường về các âu thuyền để nghỉ Tết. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều tàu thuyền vẫn tiếp tục hành trình vươn khơi, đánh bắt phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Về phần mình, chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền neo đậu, để ngay sau Tết họ có thể tiếp tục "ra quân" bám, biển".

Tất niên ngay tại cảng cá Thọ Quang.

Chia tay âu thuyền Thọ Quang, chúng tôi ghi nhận không ít tàu thuyền vẫn ngược sóng ra khơi. Trong số họ, chắc chắn sẽ có không ít người không kịp đón Tết ở đất liền. Nhưng nói như một ngư dân Đà Nẵng, họ đang tiếp tục có một cái Tết "đặc biệt" cùng biển, một diễm phúc mà không phải ai cũng có được, ngoài những người lính Hải quân, những cư dân của các cụm đảo tiền tiêu, những giàn khoan dập dềnh trên sóng...     

Lê Anh Tuấn