Báo Công An Đà Nẵng

Ngủ quên kiếp đá Apsara (Kỳ 1: Mai một những dấu ấn Chăm)

Thứ ba, 05/03/2019 11:55

“Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở, nỗi mơ nung nấu ngàn đời, mãi không nguôi”-những câu hát đã trở nên quen thuộc đối với những ai từng một lần đến với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, không đẹp như lời bài hát, hành trình bảo tồn các giá trị văn hóa ngàn đời ở nơi đây gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, sự bào mòn của thời gian lên vạn vật..., linh hồn Chămpa vẫn ngự trị trên mảnh đất này, thôi thúc biết bao thế hệ người Chăm và cả người Việt ngày nay phải nhắc nhở, giữ gìn.

Khu Tháp Sáng – Phật viện Đồng Dương bị hư tổn nghiêm trọng.

Là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo của vương quốc Chămpa suốt nhiều thế kỷ, từ khi lập quốc, Quảng Nam được biết đến là kinh đô Chămpa với cái tên Simhapura–Kinh đô sư tử. Thế nhưng, cùng với thời gian, biến thiên của thời tiết, dấu ấn Chăm trên mảnh đất này dường như dần phai nhạt, khiến công tác tu bổ, bảo tồn gặp không ít khó khăn.

NGÀN NĂM THÁP CỔ CÒN ĐÂU?

Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H. Thăng Bình, Quảng Nam, cách TP Đà Nẵng 65km về phía Tây Nam, cách TP Tam Kỳ khoảng 40km về phía Tây Bắc. Đây là trung tâm Phật giáo của vương quốc Chămpa một thời. Qua các tài liệu nghiên cứu khoa học và di chỉ khảo cổ cho thấy Đồng Dương là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa và cả khu vực Đông Nam Á, với những tu viện và đền thờ Bồ Tát bảo hộ cho vương triều, nằm kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330m từ Tây sang Đông…Mới đây, những hình ảnh nhếch nhác, suy tàn của khu Tháp Sáng (thuộc Phật viện Đồng Dương) lan truyền trên các kênh thông tin đại chúng như  một lời cảnh báo cho các khu di tích Chăm. Cây cỏ um tùm, tường tháp mốc meo, thân tháp tồn tại nhờ hàng chục giá đỡ bằng sắt khiến những nhà nghiên cứu, những người gắn bó với văn hóa Chăm không khỏi xót xa. Ông Hồ Tấn Cường–Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, Đồng Dương đang là thách thức lớn nhất đối với những nhà quản lý, bảo tồn, vì đây là phế tích kiến trúc nhưng nay đã thành đối tượng của khảo cổ học. Trong khi đó, việc khôi phục diện mạo Đồng Dương gần như là không thể. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dù có tiền, có kỹ thuật thì việc cứu vãn, phát lộ phế tích Đồng Dương vẫn là việc khó không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã từng lập đề án, tìm giải pháp phục dựng Đồng Dương nhưng rồi cũng đành bỏ dở vì nhiều lý do.        

 Còn tại Di tích tháp Chăm Khương Mỹ, thuộc H. Núi Thành cũng đang nằm trong diện trùng tu khẩn cấp. Di tích tháp Chăm Khương Mỹ xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X gồm 3 tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và được công nhận là di tích quốc gia  năm 1989. Ba tháp được sắp xếp theo trục Bắc-Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống. Tuy nhiên hiện nay, gạch lở ăn sâu vào thân tháp và xuất hiện nhiều vết nứt trên các cổng tháp. Đỉnh tháp dưới do tác động trực tiếp của mưa nắng và cây cỏ dại nên bắt đầu xuất hiện hiện tượng gạch không còn kết dính. Tương tự như sự xuống cấp của di tích Tháp Sáng, Khương Mỹ, mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà khoa học nhưng nhiều khu đền tháp tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã không còn trụ vững cùng thời gian. Đặc biệt là tháp B3 bị nứt vỡ quá nhiều, nhiều mảng đã lệch hẳn, nếu không can thiệp, nhiều chỗ sẽ sụt và hệ thống tháp sẽ sụt theo hiệu ứng domino. Từ đầu năm 2018, thân tháp xuất hiện các vết nứt từ đỉnh đến móng ở hai mặt tường hướng phía đông và tây, vết nứt tại nơi rộng nhất tới 18cm, sâu nhất 1,2cm và ở vết nứt dài nhất lên tới 6m. Các đường nứt này tách đôi công trình, khe nứt có nơi thấy được ánh sáng xuyên qua. Phần thân tháp bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại… Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, công tác trùng tu di tích diễn ra thường xuyên nhưng nỗi lo lớn nhất hiện nay là sự xuống cấp, nghiêng lún của các đền tháp. Trùng tu không chỉ đơn thuần là việc chống đỡ mà còn phải giữ được những giá trị nguyên bản.

10 năm kể từ khi ra đời, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa chủ yếu được biết là nơi tổ chức... đám cưới.

ĐÌU HIU BẢO TÀNG CHĂM

Sự mai một của văn hóa Chăm trên đất Quảng không chỉ biểu hiện ở việc xuống cấp của các di tích mà còn biểu hiện trong nhận thức của người dân và những giá trị văn hóa nghệ thuật đi kèm. Mặc dù người Chăm được đánh giá cao về các giá trị nghệ thuật như điêu khắc, biểu diễn nhưng dường như những hoạt động bảo tồn thuộc mảng này vẫn chỉ thoáng qua, chưa ghi dấu ấn mạnh mẽ đến bạn bè, du khách. Đơn cử như Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh–Chămpa được UBND tỉnh Quảng Nam, UBND H. Duy Xuyên đầu tư xây dựng năm 2003 trên diện tích gần 500m2 và chính thức khai trương vào cuối năm 2009, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Công trình được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm kết nối quan trọng để khách dừng chân trên hành trình từ phố cổ Hội An đến thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên sau 10 năm hoạt động, Bảo tàng hầu như không có khách đến tham quan. Thậm chí hoạt động thường xuyên nhất diễn ra tại khu vực này là… cho thuê địa điểm tổ chức đám cưới. Ngoài một số dịp đặc biệt, Bảo tàng hầu như cửa đóng then cài. Trước thực trạng này, từ ngày 1-1-2019, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh–Chămpa Duy Xuyên sẽ sáp nhập vào đơn vị Mỹ Sơn để có thể tìm một hướng đi khác cho hoạt động trưng bày nơi đây.

Năm 2019 là kỷ niệm 20 năm Mỹ Sơn được UNESSCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng sự xuống cấp đáng báo động của các tháp Chăm và việc “loay hoay”  trong công tác bảo tồn đang là nỗi lo lớn.

Phóng sự: HÀ DUNG

Kỳ tới: Kiều Maily –con gái của người Chăm