Báo Công An Đà Nẵng

Ngưng đào tạo, trả toàn bộ VĐV năng khiếu, đội tuyển về địa phương: Cả nước chỉ duy nhất Gia Lai làm như thế!

Thứ sáu, 15/08/2014 06:00

(Cadn.com.vn) - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm huấn luyện đào tạo và thi đấu thể thao (HLĐT&TĐTT) tỉnh Gia Lai vắng như "chùa bà Đanh", khu nhà ở cho hơn 100 VĐV năng khiếu, đội tuyển khóa cửa im ỉm, nhà tập luyện cũng rơi vào cảnh tương tự. Bởi lẽ, tỉnh Gia Lai đã ngưng đào tạo, trả toàn bộ VĐV trên về địa phương. Cả nước, duy nhất tỉnh Gia Lai làm điều này.

Cuối năm 2013, 114 VĐV năng khiếu và đội tuyển đang tập luyện, đào tạo tại Trung tâm HLĐT&TĐTT tỉnh Gia Lai buồn bã khi nghe lãnh đạo trung tâm, HLV thông báo sẽ được trả về địa phương và gia đình quản lý. Lý do, UBND tỉnh Gia Lai không cấp kinh phí tập luyện năm 2014. Hơn 100 VĐV như bị dội gáo nước lạnh trên đầu, bởi lâu nay họ đã cống hiến sức lực, tài năng cho phong trào TDTT của tỉnh nhưng lại bị đối xử một cách "ghẻ lạnh". Những VĐV đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi đấu giải quốc gia như Nguyễn Văn Long (điền kinh), Võ Thị Nhung (wushu), Nguyễn Thị Vy (vovinam)… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. May mắn là họ cũng tìm được bến đỗ tạm cho mình khi đi thi đấu cho các tỉnh, thành phố hoặc ngành khác để được "sống" với thể thao và quan trọng vẫn là 2 chữ mưu sinh.

Đối với những VĐV năng khiếu khác, các em gần như phải làm lại từ đầu khi đã tập luyện, học tập tại trung tâm từ 1-3 năm nay. Trả về địa phương đồng nghĩa với ước mơ được chơi thể thao, cống hiến cho phong trào thể thao tỉnh nhà của các em bị dập tắt và việc học tập văn hóa cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều em ở các huyện vùng xa, ngoại tỉnh trở về nhà liệu còn đủ đam mê để tiếp tục con đường thể thao khi  từng được hứa hẹn? Hàng loạt VĐV được đào tạo ở 10 môn thể thao đã từng có thời gian gắn bó với Trung tâm nhiều năm nay đã đưa về cho tỉnh Gia Lai nhiều huy chương, thành tích cao ở các giải trẻ, khu vực, quốc gia nhưng rồi cũng bị... ruồng rẫy.

Khu nhà ở cho hơn 100 VĐV im lìm.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu vực Trung tâm, HLV bộ môn Karatedo Phan Văn Hường buồn bã đứng lại bên sàn tập, nói: "Giờ nhà thi đấu không một bóng dáng VĐV". Như thói quen, HLV Hường nhìn chiếc đồng hồ trên tay nói một mình: "Giờ này năm trước thì vui lắm, cả khu nhà huấn luyện đông nghịt các em tập luyện". Cũng tâm trạng như HLV Phan Văn Hường, 15 HLV khác đang ngày ngày gặm nhấm nỗi buồn với cảnh Trung tâm không một bóng dáng VĐV. Gần một năm nay, các HLV không còn phải bám theo các em trên cung đường chạy, trong từng đường quyền, bài võ mà giờ đều chuyển qua làm công tác  nhàn nhã hơn: tổ chức thi đấu, trọng tài.

Căn nhà 4 tầng dành cho VĐV sinh hoạt cũng khóa cửa vắng lạnh. "Hơn 100 em VĐV về đây sinh hoạt, thi đấu giờ không còn bóng dáng em nào. Bởi thế, từ đầu năm đến nay, Gia Lai không tham gia giải nào trong hệ thống giải thành tích khu vực hay quốc gia", ông Phạm Hồng Phong - Giám đốc Trung tâm HLĐT&TĐTT chia sẻ. Cùng đó là nỗi trăn trở khi kinh phí tập luyện được cấp trở lại thì việc vận động các VĐV trở về thi đấu sẽ rất khó khăn. Bởi, niềm tin các VĐV đã bị đánh mất với kiểu làm "đem con bỏ chợ" của tỉnh Gia Lai. Không chỉ thế, để có 1 VĐV có thành tích thì thời gian đào tạo phải ít nhất liên tục 5-6 năm, nhưng giờ đây tất cả đều đứt gánh giữa đường.

Điều đáng nói, Gia Lai không phải là địa phương yếu trong thi đấu thể thao thành tích cao. Ngoài 2 môn bóng đá, bóng chuyền được xã hội hóa với 2 đội mang tên 2 tập đoàn lớn thì có khá nhiều VĐV môn khác đạt thành tích cao cấp quốc gia, khu vực được huấn luyện, đào tạo tại Trung tâm HLĐT&TĐTT này. Đơn cử tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, đoàn thể thao tỉnh Gia Lai đứng 34/66 và đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên, thứ nhì khu vực các tỉnh miền núi.

Trao đổi nhanh qua điện thoại với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: "Việc làm này là chủ trương của UBND tỉnh và cả nước chỉ có tỉnh Gia Lai mới làm điều này khi trả một loạt VĐV năng khiếu, VĐV đội tuyển về địa phương như thế".

Nhìn mình rồi nhìn xung quanh, các HLV, VĐV và những người làm thể thao ở Gia Lai không khỏi ngậm ngùi khi hằng năm tỉnh bạn Đắc Lắc được cấp hàng chục tỷ đồng cho thể thao thành tích cao. Trong khi đó, ở Gia Lai, mỗi năm kinh phí hạn hẹp chỉ 6-7 tỷ đồng. Giờ này, các VĐV, HLV tỉnh bạn đang gấp rút tập luyện cho Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ 7 thì VĐV tỉnh Gia Lai tan tác mỗi người mỗi ngả. Nghe phong thanh tỉnh Gia Lai sẽ thành lập một đoàn VĐV tham gia Đại hội lần này nhưng có lẽ cũng là đi cho có.

Với cách làm kiểu này, liệu mai đây thể thao thành tích cao của Gia Lai còn có trên bản đồ thể thao Việt Nam?

Minh Tân