Ngược dòng vào tâm dịch
"Đến khi nào Đà Nẵng công bố hết dịch tôi mới trở về thành phố của mình". Đó là lời tâm sự của nữ tình nguyện viên (TNV) đến từ TP Hồ Chí Minh Lê Thị Phương Trà (32 tuổi) đang hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện 199 - Bộ Công an đóng tại Q. Sơn Trà, Đà Nẵng. Ẩn sâu dưới lớp khẩu trang kín mít là giọng nói đầy phấn khởi cùng đôi mắt rạng rỡ khiến tôi hiểu được rằng, chị đang rất hạnh phúc với quyết định ngược dòng vào tâm dịch của mình.
Chị Lê Thị Phương Trà quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch. |
Trà có mặt tại Đà Nẵng vào ngày 23-8, mặc dù tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã dần được ổn định nhưng chị vẫn tha thiết gọi điện về bệnh viện sau khi vô tình đọc được thông báo tuyển TNV trên trang thông tin của Bệnh viện 199. Sợ mọi người ở bệnh viện bận, cứ thế mỗi ngày chị liên tục nhắn tin về bệnh viện với khao khát có thể góp chút sức mình cùng đội ngũ y bác sĩ tại Đà Nẵng chống dịch.
Đang học năm nhất tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, chuyên ngành y học cổ truyền chị bảo lưu kết quả học tập và chấp nhận học lùi lại so với mọi người một thời gian và xin phép thầy cô giáo lên đường vào tâm dịch. Vượt hơn 1.000 cây số, tìm đủ mọi cách để có mặt tại Đà Nẵng vào thời điểm mọi phương tiện giao thông tại đây đang bị tê liệt. Trà tâm sự trước khi lên đường, chị đã xác định tâm lý rõ ràng rằng có thể sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm cao và cường độ công việc sẽ rất nhiều nhưng miễn rằng được phục vụ, giúp đỡ công việc cho các bác sĩ tại đây đã thôi thúc chị có mặt tại thành phố biển xinh đẹp này dù chưa một lần đặt chân đến.
"Tuy bệnh viện chưa xác nhận nhưng tôi đã gói ghém ít quần áo, tư trang bắt xe ra Đà Nẵng. Vừa lên xe tôi gọi ngay cho bạn phụ trách nhận TNV của bệnh viện và thông báo mình đã lên đường. Vì không được vào bên trong thành phố, xe dừng lại ở ngoài đường quốc lộ và may mắn tôi gặp được anh tài xế nhiệt tình chở tôi đến tận bệnh viện. Ngay khi bước qua cánh cổng bệnh viện tôi đã xác định khi nào Đà Nẵng công bố hết dịch thì tôi mới trở về thành phố của mình", chị Trà bộc bạch.
Có mặt tại Bệnh viện 199, mọi người đều ngạc nhiên và cảm phục trước tấm lòng của một cô gái ở rất xa thành phố đã bỏ thời gian, công sức lặn lội về đây quyết được giúp đỡ cho tuyến đầu chống dịch. Chị được phân công làm tại phòng xét nghiệm với công việc là một giao liên vận chuyển ống nghiệm. Cô gái trẻ cũng khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiên làm việc trong đồ bảo hộ kín mít, áp lực công việc cũng khá lớn. Nhưng chỉ sau vài buổi, tiếp thu công việc nhanh cùng với sự nhiệt tình học hỏi, chị dần quen công việc và được giao hướng dẫn bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm, làm thủ tục, dán mã cod cho các ống nghiệm. Đặc biệt nhờ có tài lẻ là quay phim và chụp ảnh nên ngoài công việc được giao, hễ thời gian rảnh chị lại phụ giúp làm truyền thông cho bệnh viện và sẵn sàng hỗ trợ thêm mọi công việc trong khoa cùng y bác sĩ.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu học y được một kỳ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đối với chị lần tình nguyện này xem như thời gian thực tập giúp chị được trải nghiệm môi trường làm việc tại bệnh viện, học hỏi được kiến thức thực tế, trau dồi kỹ năng cho con đường tương lai của mình. Nhớ lần gặp mặt Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại bệnh viện, ngay khi biết hoàn cảnh của chị có mặt tại đây, Thứ trưởng đã dành nhiều lời khen ngợi và động viên đến chị cố gắng học hỏi các bác sĩ, y tá được nhiều kiến thức để phục vụ cho công việc sau này. "Lời của Thứ trưởng như là nguồn động lực để tôi phấn đấu hết mình cho ngành y mà tôi đang theo học", chị Trà nói.
Khi được hỏi về phản ứng của gia đình với quyết định táo bạo này, chị Trà cho biết chị đã giấu hết gia đình, chỉ ngay khi đến nơi mới gọi điện báo tin về nhà. "Ngay khi biết tôi đang ở Đà Nẵng hỗ trợ cho bệnh viện, mẹ và chị gái rất lo lắng, khóc rất nhiều vì biết rằng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi đã động viên rằng bản thân còn trẻ, có sức khỏe và luôn được các bác sĩ, anh chị tại đây hướng dẫn rất kỹ các thao tác làm việc nên mẹ cứ yên tâm, con sẽ an toàn trở về" - Trà lạc quan tâm sự.
Hơi thở làm nhòe lớp kính cận, lan cả ra mặt kính bảo hộ khiến cô gái nheo mắt nhưng rồi lại tập trung vào công việc của mình. Dù không biết thời gian hết dịch sẽ là khi nào, nhưng Trà nói nhỏ với tôi rằng, ngay khi người dân Đà Nẵng được bình an ra đường, mọi hoạt động được phép trở lại bình thường, Trà sẽ đi tham quan thành phố xinh đẹp này và thử hết các món ăn đặc sản tại đây.
Bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 199 cho biết: "Bệnh viện rất cảm phục tấm lòng của các bạn trẻ đang tham gia tình nguyện tại đây. Họ rất khao khát được cống hiến cho bệnh viện nên khi nhận công việc, họ rất chủ động và sẵn sàng vì vậy mà mọi công việc đều được san sẻ. Dù có những bạn không đúng chuyên môn nhưng sự đáp ứng kịp thời từ các bạn trẻ và sự nhiệt tình của họ trong lúc bệnh viện cần đã là sự giúp đỡ đáng quý, đáng trân trọng".
DIỆU HUYỀN