Báo Công An Đà Nẵng

Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng):

"Người 89" về xã ( Kỳ 1: Cây hoa sữa ven đường)

Thứ tư, 23/08/2017 13:22

Chúng tôi đang ngồi nghỉ chân ở bụi tre ven đường thôn Hội Phước (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thì bác nông dân đi tới. Bác tên Hồng Xuân- người trông coi thủy lợi ở xã, cùng tham gia vào câu chuyện. Bỗng bác chỉ vào con đường băng qua cánh đồng trước mặt, nói giọng địa phương đặc sệt: "Hồi trước, đường ni đi bộ chớ làm chi mà đi xe được. Bà con tui hiến đất làm đường mới thành ra ri đây chớ. Riêng tui hiến một sào". Dừng lại một lát, cười hể hả, bác nói tiếp: "Hiến đất xong về bị... vợ la cho một trận! Bà ấy nói, cứ đi nghe chú Hải vận động rồi hiến hết đất, lấy chi mà trồng cấy nữa!".

Anh Nguyễn Ngọc Hải thăm cánh đồng trồng mía ở xã Hòa Phú. Ảnh: N.L 

"Chú Hải" theo cách gọi của bác nông dân chính là Nguyễn Ngọc Hải, đương kim Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch HĐND xã Hòa Phú, một trong những người từng bị... ghét nhất xã, còn giờ đây đi đâu ai cũng sẵn sàng bắt tay, bá vai bá cổ như người thân trong nhà. Nhân vật khá đặc biệt này là một phần của câu chuyện lớn hơn mà TP Đà Nẵng cũng như cả nước quan tâm từ mấy năm qua: Đưa người trẻ làm lãnh đạo cấp xã.

Chúng tôi nghe tiếp câu chuyện về Nguyễn Ngọc Hải tại quán cà-phê của chị Thành, nhà ở khu vực "ngã ba chợ". Đây là nơi khá tấp nập. Một nhánh rẽ về Túy Loan để về cửa ngõ phía Nam thành phố, một nhánh rẽ về Hòa Ninh ra cửa ngõ phía Bắc, một nhánh về phía Tây đi các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam rồi từ đó theo đường 14G lên Tây Nguyên. Hồi trước, tại khu vực này, chị Thành có một cây hoa sữa. Chị kể, cậu con trai rất "cưng" cây hoa, ngày ngày chăm sóc. Rồi tai họa ập đến. Trong một lần đi gặp mặt lớp cuối cấp để chuẩn bị thi đại học, cậu bị nạn, tử vong. Từ ngày con mất, chị chăm sóc, bảo vệ cho cây hoa. Cũng từ đó, chính quyền địa phương từ xã Hòa Phú lên đến huyện Hòa Vang lẫn người trong xóm, không ai đả động gì đến việc di dời cây hoa. Có lẽ, không ai dám chạm vào nỗi đau của một người mẹ mất con.

Nhưng cây hoa không đơn độc.

Từ ngã ba chợ theo ngả về Hòa Ninh có một đoạn dẫn vào cầu Lâm Viên gần trụ sở UBND xã Hòa Phú, dài chừng hai trăm mét, có đến 22 công trình lớn nhỏ, cái kiên cố, cái tạm bợ lấn ra vỉa hè, lòng đường. Con đường này có từ "thời" HTX nông nghiệp Hòa Phong. Đến năm 2006, khi cả Đà Nẵng sục sôi phong trào hiến đất mở đường, con đường mở rộng  ra 5,5m, lề rộng 3m. Nhưng đường làm mới xong, một vài hộ lấn ra buôn bán. Người trước lấn một, người sau lấn hai, người sau nữa lấn ba, chẳng mấy chốc, con đường chỉ còn một rẻo bê tông chật chội, có nơi chưa đến 3m, khiến cho cái ngã ba miền núi này lâm vào cảnh kẹt xe. Nhìn rộng ra, nhiều nơi ở Hòa Phú, đường sá đi lại chật chội, khó khăn ghê gớm. Trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, hết đại hội, bầu cử, người này lên, người kia xuống, nhưng những con đường thì dường như ngày càng teo tóp, cỏ dại thì tốt lên, mặt đường thấp xuống...

Ngày 1-2- 2011, anh Nguyễn Ngọc Hải lên nhận công tác UBND xã Hòa Phú, mải mê ngắm cảnh núi rừng, suýt nữa anh đâm sầm xe vào cây hoa sữa nhà chị Thành. Anh thắc mắc, làm sao lại có cái cây hoa vô lý nằm giữa đường này, nhất định phải tham mưu cho lãnh đạo xã tìm cách "bứng" đi nơi khác, trả lại mặt đường cho phương tiện giao thông. Nhưng việc không dễ như anh tưởng.

Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1976, trước học trường kinh tế Đà nẵng, sau ra kinh doanh, được chiêu mộ theo Kết luận số 89 - TB/TU ngày 12-6-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về mở lớp tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn TP Đà Nẵng, thường gọi là Đề án 89. Nhiều người tin rằng con số "89" thực ra có một ý nghĩa, vừa là số công văn, nhưng cũng là một lối chơi chữ của ông Nguyễn Bá Thanh. Nó có ý nghĩa như "phút 89" trong bóng đá. Ở vào phút 89, cuối trận rồi, hai đội đang có tỉ số hòa, ai ghi bàn là chắc thắng! Mặc dù lãnh đạo thành phố gửi gắm thông điệp và kỳ vọng là vậy, nhưng về đến địa phương, không phải lúc nào "người 89" cũng dễ dàng được đón nhận. Về xã, Nguyễn Ngọc Hải được giao cho công việc thống kê, còn những việc lớn, việc khó thì để cán bộ bấy lâu đảm nhiệm. Nguyễn Ngọc Hải nhớ lại: "Mới về được giao làm thống kê, tôi cũng hơi nản, vì chẳng liên quan gì kỹ năng, kiến thức của mình. Nhưng lãnh đạo phân công thì phải thực hiện. Đọc những báo cáo thống kê cũ, tôi thấy không ổn. Số liệu năm này qua năm khác giống nhau đến mức khó tin. Tôi phải tìm cách thay đổi. Lúc đó nhằm vào kỳ nghỉ, con em xã Hòa Phú đi học ở các trường trở về địa phương. Tôi tìm gặp các em, đề nghị tham gia công việc của xã. Các em hào hứng nhận lời, chia nhau đi đến từng hộ, từng xóm, từng thôn ghi chép rất tỉ mỉ, đưa thông tin, số liệu cho tôi tổng hợp. Số liệu thống kê lần đó rất sát thực, rõ ràng. Từ đó tôi mới biết trong xã còn bao nhiêu đất, mỗi sào trồng keo cho thu hoạch bao nhiêu, đường sá thế nào, tình hình hộ nghèo ra sao... Nhờ đó, tôi kịp thời tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo xã nhiều vấn đề sát sườn với địa phương".

Bản thống kê do UBND xã Hòa Phú và các học sinh, sinh viên con em trong xã thực hiện lại trở thành "hiện tượng". Tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự... đã được lượng hóa bằng những con số rất rõ ràng. Trong năm đó, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011, Tổng cục Thống kê đã cử người về tận Hòa Phú để tìm hiểu thực hư, chọn làm đơn vị điểm của TP Đà Nẵng, còn bản thân Nguyễn Ngọc Hải thì nhận được bằng khen. Nhưng điều anh tâm đắc nhất chính là qua đó có cơ sở vững chắc để tham mưu cho lãnh đạo xã hàng loạt vấn đề. Một trong những vấn đề bức bách nhất là đường giao thông.

Ngay từ những ngày đầu về xã, Nguyễn Ngọc Hải đinh ninh rằng, muốn mở đường, trước hết phải chấn chỉnh đoạn từ "ngã ba chợ" vào cầu Lâm Viên, vì nằm ngay trước cổng UBND xã mà không làm được thì không đâu làm được. Vì vậy, ngày 4-10-2012, đúng 7 tháng sau khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, Nguyễn Ngọc Hải tổ chức họp dân, bàn việc giải tỏa.  Thế nhưng, ngay khi anh đề cập, sóng gió bắt đầu nổi lên! 22 hộ dân có công trình lấn chiếm phản ứng dữ dội. Thấy bóng Nguyễn Ngọc Hải ở đâu là tỏ "thái độ" ngay. Có người công khai chỉ trích: "Đường sá xưa giờ vẫn thế, cái ông lạ hoắc ở đâu về... lộng hành!". "Anh mới lên mà anh làm quá đáng, không để cho dân sống!"... Ngay cả một số vị lãnh đạo cũng chưa có thái độ rõ ràng, khiến cho các hộ lấn chiếm càng có đà lấn tới. Thậm chí ngay lúc xã vận động, một vài hộ vẫn tiếp tục xây thêm công trình trái phép như muốn thách thức. Riêng với chị Thành, người chăm sóc cây hoa sữa của cậu con trai đã mất để lại, không có phản ứng gì, nhưng gặp Nguyễn Ngọc Hải, chị rơm rớm nước mắt...

Đường dẫn từ "ngã ba chợ" vào cầu Lâm Viên sau khi được giải tỏa. Ảnh: N.L

Trước tình cảnh này, nếu không nhớ đến lời dặn của người đứng đầu thành phố, chắc anh đã đầu hàng. Nguyễn Ngọc Hải kể: "Trong lúc khó khăn bủa vây tứ phía, tôi nhớ lời dặn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh,  làm lãnh đạo thì phải quyết đoán, không quyết đoán thì đừng làm! Nhưng quyết đoán như thế nào đây? Sau nhiều lần cân nhắc, tôi tham mưu cho lãnh đạo xã vận động, thuyết phục, trước hết là những bà con có quan hệ thân hữu với các đồng chí lãnh đạo xã. Trong lúc vận động, nói rõ là sẽ tiến hành cưỡng chế nếu không tự ý tháo dỡ công trình trái phép. Đích thân tôi sẽ dẫn đầu đoàn cưỡng chế, cương quyết tháo dỡ công trình sai phạm...".

Sau nhiều lần tiếp xúc, vận động tại các hộ, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hải ra thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế vào ngày 24-10-2011. Trước thái độ cương quyết của anh và tập thể lãnh đạo xã, một hộ, hai hộ, rồi ba, bốn hộ... lần lượt tự tay tháo dỡ, đập bỏ các công trình sai phạm. Có những công trình trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng, người thì xuýt xoa, người cằn nhằn nhưng tất cả đều phải chấp hành. Các lực lượng của xã thấy dân làm, cũng triển khai dân phòng, thanh niên, phụ nữ... ra hỗ trợ thêm, mỗi người một tay, chẳng mấy chốc một không gian thoáng đãng mở ra ngay trước mắt. Cho đến khi hộ cuối cùng tháo dỡ công trình của mình, cây hoa sữa nhà chị Thành  bỗng trở nên lạc lõng lạ kỳ. Không đợi ai nhắc, chị kêu người về, bứng cây hoa sữa  đi. Hình ảnh ấy khiến Nguyễn Ngọc Hải và các vị lãnh đạo xã Hòa Phú xúc động mạnh. Bởi lẽ, từ chỗ buộc phải dùng đến lực lượng để thực thi luật pháp, giờ đây, câu chuyện đã đạt đến một tầm mức khác hơn hẳn, đó là tinh thần tự giác của người dân. Có thể xem đó là kết quả bước đầu của ý Đảng, lòng dân, vượt qua những rào cản của tư duy, lợi ích cá nhân để vươn đến những mục tiêu cao hơn.

Cuối năm 2011, xã vận động được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây được cổng chào tại đoạn đường vừa giải tỏa, các hộ dân quanh đó góp tiền, mua đèn màu về trang trí cho cổng chào, cổng ngõ. Cả một đoạn đường sáng rực hẳn lên. Đêm 30 Tết, bà con trong xóm và các nơi kéo về khu vực cầu Lâm Viên ăn mừng, vui vẻ chúc tụng lẫn nhau. Lãnh đạo xã cũng hòa lẫn vào trong đám đông chung vui với bà con. Câu chuyện về cuộc "đối đầu" đầy căng thẳng mấy tháng trước bỗng như tan biến. Nhưng lãnh đạo xã cũng như Nguyễn Ngọc Hải biết rất rõ rằng, chỉ bước qua Tết này, nhiều việc khó khăn hơn đang chờ phía trước...

(còn nữa)

Phóng sự: NGUYỄN LÊ - HOÀNG VIỆT

Kỳ tới: "Lại kêu hiến đất nữa à?"