Báo Công An Đà Nẵng

Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng):

"Người 89" về xã (Kỳ 3: Quả thanh long ngon nhất trên đời)

Thứ sáu, 25/08/2017 12:03

Lúc chúng tôi bước vào gian hàng đặc sản rượu cần Phú Túc thì một người đàn ông bước ra. Ông mang bộ đồ rất vừa vặn, phù hợp với lứa tuổi, da mặt tươi tắn, râu cạo nhẵn, tóc gọn gàng. Chúng tôi cứ ngờ ngợ, hình như đã gặp ông ở đâu rồi. Cho đến khi ông cất tiếng chào bằng chất giọng lơ lớ của đồng bào Cơ Tu thì tôi mới nhận ra đó là ông Lê Văn Nghĩa, đã có lần tiếp xúc khi tìm hiểu dự án do tổ chức phi chính phủ World Vision tài trợ. Trong vị trí một doanh nhân như bây giờ, nhìn ông thật khác trước...

Anh Nguyễn Ngọc Hải tại vườn thanh long ruột đỏ nhà anh Phúc. 

Đưa chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất và gian hàng, giới thiệu các loại sản phẩm khác nhau, loại bình lớn, loại bình nhỏ, loại xách tay phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng khách hàng, ông Nghĩa hồ hởi nói: “Tất cả là nhờ Đề án của xã”.

“Đề án” mà ông Nghĩa nhắc tới là câu chuyện đầy thi vị! Đó là vào quãng tháng 6-2012, H. Hòa Vang giao xã Hòa Phú viết đề án khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ba tháng sau khi huyện giao, đồng chí cán bộ phụ trách Văn xã viết chưa xong, huyện hối quá, lãnh đạo xã sốt ruột nên giao cho Nguyễn Ngọc Hải tiếp quản công việc. Một tuần sau, đề án hoàn thành, trong đó chỉ rõ rằng, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở Phú Túc đã mai một nhiều, phương thức làm ăn, sinh sống, lễ tết, cưới hỏi, ẩm thực... nếu không khẩn cấp bảo tồn sẽ biến mất. Ngay khi trình lên huyện, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện gọi điện về, yêu cầu: Để khôi phục văn hóa truyền thống người Cơ Tu, trước hết phải khôi phục nghề nấu rượu cần! Rất nhanh chóng, xã tập hợp các hộ đồng bào lại, chọn ra 12 người, cử đi học tập. Bỗng một người giơ tay, hỏi: Học ở đâu?

Câu hỏi “học ở đâu” lại được giao cho Nguyễn Ngọc Hải. Anh cũng không biết, bởi lẽ, nói đến rượu cần là nói đến văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số, nhưng địa chỉ cụ thể thế nào, ai có thể truyền nghề..., thì không dễ. Bỗng anh nhớ đến một người, Y Ben, cậu bạn người Ê Đê, học chung ở trường kinh tế. Hồi ở trường, cả hai chung lớp, chung đội bóng, có đôi lần hết tiền, ăn ké cơm bụi với nhau. Nguyễn Ngọc Hải kể: “Tôi gọi cho Y Ben, cậu ta cười sang sảng trong điện thoại, bảo “chuyện nhỏ, Hải lên đây đi”. Thế là tôi cùng bà con Cơ Tu khăn gói dắt díu nhau lên làng của Y Ben, ở xã Eea Tiêu, H. Ku Kuin, Đắc Lắc. Người nhà Y Ben rất nhiệt tình chỉ dẫn. Bà con Cơ Tu lên đó, thấy người Ê Đê giữ nguyên được văn hóa truyền thống, ai cũng mê mẩn”.

Sau thời gian học tập, đoàn lại kéo nhau về Phú Túc triển khai thực hiện, cả chính quyền xã lẫn bà con Cơ Tu, mỗi người một việc, cuối cùng mẻ rượu đầu tiên cũng ra lò. 200 ché rượu cần xếp thành một hàng hùng dũng. Nguyễn Ngọc Hải và bà con thôn Phú Túc hớn hở mời đại biểu đến thử rượu. Sau các nghi lễ, cuối cùng ché cũng bày ra, cần cắm vào... Nhưng các đại biểu nhanh chóng nhận ra... mùi thất bại! Ché thì có vị chát, ché thì chua, ché thì ngọt, không ai giống ai cả. “Không giống rượu cần”, một người nói toạc ra tại buổi thử rượu. Nguyễn Ngọc Hải ngượng chín mặt. 12 hộ nấu rượu buồn rười rượi.

Anh Nguyễn Ngọc Hải và ông Lê Văn Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu cần lớn nhất Hòa Phú.

Hỏi ra mới biết, trong lúc nấu, bà con “sáng tạo” thêm, người thì bỏ thêm kẹo, người bỏ thêm cà-phê, người bỏ thêm lá ổi..., thành ra mỗi ché rượu có một vị khác nhau. Đến lúc này, Nguyễn Ngọc Hải chột dạ, vị rượu khác nhau có thể không đáng ngại bằng việc có thể có độc tố hay không? Anh lập tức mang mẫu chạy về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để kiểm tra. Tất cả các mẫu đều không đạt bất cứ một tiêu chuẩn nào! Vừa lúc đó, gặp được cán bộ phụ trách nông thôn mới của Chi cục, Nguyễn Ngọc Hải đề cập công việc của xã, đồng chí Chi cục trưởng nói ngắn gọn: “Ok!”. Từ đây, nhờ sự hỗ trợ của Chi cục, việc nấu rượu cần dần đi vào quy củ, rượu nấu ra đã đáp ứng được yêu cầu kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, giá thành sản xuất vẫn còn quá cao, nhất là việc mua ché, cần, giỏ từ Đắc Lắc về chi phí đắt đỏ, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Một hành trình nữa lại bắt đầu. Nhờ sự giúp sức của anh chị em trong nghề sành sứ, Nguyễn Ngọc Hải tìm ra nơi sản xuất ché ở Gia Lâm, Hà Nội. Anh khăn gói ra tận nơi kiểm tra, đặt hàng. Tại đây, chủ cơ sở sản xuất ché lại mách nước rằng, bà con dân tộc thiểu số ở Hòa Bình đã đạt được nhiều thành công trong việc áp dụng kỹ năng mới vào việc nấu rượu cần truyền thống, làm cho chất lượng rượu tốt, bảo quản được lâu hơn. Cứ thế, lần lượt qua các đầu mối khác nhau, cuối cùng “công nghệ” nấu rượu cần được du nhập và hoàn thiện ở thôn Phú Túc. Đó là sản phẩm được làm từ tay của đồng bào Cơ Tu bản địa, kết hợp với nghề truyền thống của đồng bào Ê Đê ở Đắc Lắc, đồng bào Mường ở Hòa Bình và sự góp sức của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP Đà Nẵng!

Giờ thì bất cứ lúc nào, người Cơ Tu ở Phú Túc cũng tự tin, sẵn sàng giới thiệu đặc sản của mình đến với du khách thập phương, sản phẩm từ Phú Túc đã dần dần được đặt lên khoang hành lý các chuyến xe ra Bắc vào Nam. Nhưng lãnh đạo xã vẫn chưa thực yên tâm với thành công bước đầu này. “Còn nhiều việc lắm, càng xới lên càng thấy việc” – Nguyễn Ngọc Hải nói với chúng tôi.

Rời gian trưng bày của ông Lê Văn Nghĩa, chúng tôi bước qua bên kia đường, đến nhà vợ chồng anh Lê Văn Hoàng, chị Đỗ Thị  Tuyết Nga. Anh Hoàng và chị Nga cũng đều là người người Cơ Tu, anh người bản xứ, chị đến từ H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Thấy khách, anh Hoàng vồn vã rót nước mời: “Mời anh dùng nước đóng chai tạm nghe. Vợ em mới đi xa về, em lu bu quá, không pha nước được”. Tôi buột miệng: “Chị nhà lên quê về hả?”. “Dạ không, vợ em đi du lịch Singapore về”. Anh Lê Văn Hoàng kể, trước đây đời sống kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào rừng, từ năm 2013, thực hiện chương trình nông thôn mới, anh được các cấp hỗ trợ, bày vẽ cho cách làm ăn mới, bước đầu đem lại hiệu quả. Hiện nay, ngoài 25ha keo, anh còn chăn nuôi heo rừng, trung bình có khoảng 40 con trong chuồng, cao điểm khoảng 70 con nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường. Nhìn chung đời sống đã khá hơn trước.

Từ nhà anh Hoàng, chúng tôi đi xuôi về thôn An Châu, một vùng bồn địa, tìm đến nơi mà Nguyễn Ngọc Hải nói rằng, có trái thanh long ngon nhất trên đời! Chuyện bắt đầu từ khi Nguyễn Ngọc Hải hoàn thành báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội xã Hòa Phú vào năm 2011. Lúc ấy, anh phát hiện ra việc trồng keo cho hiệu quả kinh tế rất thấp. 1ha keo trồng 4-5 năm cho thu về khoảng 40 triệu đồng, tính ra chỉ được bình quân 500 nghìn đồng mỗi sào. Gặp khi mưa bão, keo đổ gãy, xem như tay trắng. Do đó, để nâng cao đời sống thì dứt khoát phải chuyển đổi cây trồng. Anh phát hiện ra một loại cây rất thích hợp: Thanh long ruột đỏ, loại trái cây có hàm lượng dinh dưỡng lẫn giá thành rất cao. Thế nhưng, vận động người dân chuyển từ trồng keo sang trồng thanh long là cả một vấn đề. Sau rất nhiều lần vận động, Nguyễn Ngọc Hải mới vận động được  hộ anh Phúc ở thôn An Châu đầu tư 1ha.

Nguyễn Ngọc Hải kể: “Vận động được anh Phúc rồi, tôi gọi vào Viện Giống cây trồng miền Nam, gặp được anh Nguyễn Văn Bình xin mua giống. Nghe tôi đề đạt, anh Bình bảo chỉ trồng có 1ha mà phải chở giống ra tận miền Trung thì xa quá, khó cho Viện. Tôi năn nỉ quá, sau cùng anh cũng chịu giúp. Không những vậy, anh còn trực tiếp về Hòa Phú hướng dẫn rất tận tình. Mấy tháng sau, cây thanh long lên rất tốt. Tôi và anh Phúc chăm chú theo dõi, trong bụng ai cũng mừng thầm, chờ ngày kết trái. Tưởng là thuận lợi hết, ai dè, khi cây đang lớn thì bỗng dưng dừng sựng lại, không phát triển được nữa. Tôi hoảng quá, đến giờ này mà đổ bể thì nguy, không chỉ khoản đầu tư của anh Phúc mất trắng mà quan trọng hơn là làm sao thuyết phục được các hộ khác chuyển đổi cây trồng, làm sao bà con tin mình được nữa?”. Cây thanh long càng lúc càng lụi dần, Nguyễn Ngọc Hải lại điện thoại cho Viện Giống cây trồng miền Nam, nhờ trợ giúp. Theo hướng dẫn của Viện, hằng đêm Hải và Phúc mang theo mỗi người một cái đèn pin ra ngồi ở vườn thanh long, bật lên quan sát. Cả hai tá hỏa phát hiện ra hàng nghìn hàng vạn con bọ cánh cứng không biết từ đâu bay về bu kín vào cây thanh long. Thì ra đây là thủ phạm. Loài bọ này ban ngày không thấy đâu nhưng ban đêm nhiều vô kể, chúng bu bám, hút sạch chất dinh dưỡng của cây. Báo cáo kết quả quan sát vào, Viện Giống cây trồng miền Nam gửi ra các loại chế phẩm diệt bọ. Cây thanh long tăng trưởng trở lại, cuối cùng cũng ra hoa, kết trái.

Mô hình nuôi heo rừng của gia đình anh Lê Văn Hoàng. 

Khi trái thanh long đầu tiên chín, anh Phúc mời Nguyễn Ngọc Hải đến vườn, cả hai hồi hộp cầm dao bổ. Nguyễn Ngọc Hải nín thở, không biết bên trong sẽ là ruột trắng hay ruột đỏ? Phúc cũng hồi hộp không kém, nhấc dao lên mấy lần mà không dám bổ trái thanh long ra. “Thành bại chi là lúc này đây” – Nguyễn Ngọc Hải vừa nói vừa cầm dao bổ đôi trái thanh long ra. “Ruột đỏ, Phúc ơi!”. Hải kêu lên sung sướng. Rồi cả hai cùng thưởng thức trái thanh long ruột đỏ đầu tiên trong “lịch sử” xã Hòa Phú! “Đó là trái thanh long ngon nhất trên đời” – cho đến bây giờ Hải vẫn tin vào điều đó. Đến nay, vườn thanh long của anh Phúc đã cho mấy vụ thu hoạch, bình quân mỗi vụ đem về 25 – 30 triệu đồng/sào, cao gấp mấy chục lần trồng keo. Các hộ khác ở Hòa Phú từ chỗ đứng nhìn, giờ đây đã bắt đầu làm quen với việc trồng thanh long ruột đỏ để cung cấp cho thị trường Đà Nẵng.

Đến năm 2014, cả xã Hòa Phú “chấn động” bởi một tin mừng: Đạt chuẩn nông thôn mới! Từ một xã trong tốp cuối về đích nông thôn mới, khởi đầu với việc thiếu đến 10/19 tiêu chí, xã đã vượt tiến độ, về đích sớm hơn 2 năm so với dự kiến, góp phần đưa H. Hòa Vang trở thành huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Hòa Phú và cá nhân Nguyễn Ngọc Hải được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nguyễn Ngọc Hải kể: “Lúc nhận Bằng khen của Thủ tướng, bỗng tôi nhớ hết thảy những chuyện đã xảy ra, từ chuyện lần đầu lên xã được vợ nhét cho mấy củ tỏi vào túi để trừ tà, chuyện vui buồn trong “lớp 89”... Nhưng nhớ rõ nhất là hôm cùng bà con Cơ Tu dắt díu nhau học nấu rượu ở nhà Y Ben, những bữa xuống dân vận động hiến đất mở đường, xây nhà văn hóa. Và tôi như cảm thấy trong cổ họng có vị ngọt của quả thanh long ruột đỏ ở vườn nhà Phúc... Quả ngọt đầu mùa mà, ai chẳng nhớ, phải không nhỉ?”.

Còn một chuyện mà Nguyễn Ngọc Hải chỉ có thể cảm nhận được chứ bản thân anh không thể nào thấy được. Đâu đó trong TP Đà Nẵng này có những người âm thầm dõi theo từng bước chân của anh kể từ khi rời “lớp 89” về xã Hòa Phú.

(còn nữa)

Phóng sự: NGUYỄN LÊ - HOÀNG VIỆT

Kỳ cuối: "Bàn thắng phút 89"