Báo Công An Đà Nẵng

Người bắc cầu qua dòng sông phẳng lặng

Thứ bảy, 30/11/2013 13:13

(Cadn.com.vn) - Nói đến nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhiều người nghĩ ngay đến bộ tiểu thuyết 3 tập "Dòng sông phẳng lặng" viết về cuộc chiến đấu của  quân dân Huế trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968 của anh đã được dựng thành phim truyền hình 15 tập cùng tên và được tái bản đến 5 lần...

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Tô Nhuận Vỹ tên thật là Tô Thế Quảng, quê ở Vinh Xuân, Phú Vang, TT-Huế. Thời nhỏ anh ở Vỹ Dạ quê ngoại, cùng kiệt, xóm với Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Bửu Chỉ... Tập kết ra Bắc, anh học lớp 8C, 9C, 10C của trường Chu Văn An nổi tiếng, cùng lớp với bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Tốt nghiệp Đại  học Sư phạm Hà Nội, Tô Thế Quảng về dạy cấp ba ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Lứa học trò  ấy của anh bây giờ đã về hưu, đã lên ông  bà nội ngoại cả. Nhưng mỗi lần thấy Quảng ra Thanh Hóa lại tíu tít bên thầy. Trước khi về Nam chiến đấu, cấp trên bắt buộc mỗi người phải có một tên mới. Quảng từ nhỏ ở Vỹ Dạ, nên lấy tên là Vỹ.

Thời sinh viên, Quảng yêu một cô gái cùng lớp, quê Phú Nhuận (Sài Gòn). Mặc dù trước khi lên đường về Nam cô gái ấy đã cho  Quảng "đo ván" rồi, nhưng kỷ niệm buồn lại... đeo lấy anh với cái tên Tô Nhuận Vỹ từ chiến tranh cho đến bây giờ... Hồi chiến tranh Vỹ làm phóng viên báo "Cờ giải phóng" của  khu Trị Thiên Huế. Mậu Thân 1968, một lần đi lấy tin tức chiến sự, Tô Nhuận Vỹ  bị máy bay trực thăng Mỹ bắn vỡ hông và thủng bụng. Nhân dân vùng cát Phú Đa đã chăm sóc, bảo vệ anh và hàng trăm thương binh dưới các hầm bí mật trong điều kiện thuốc men cạn kiệt.

Những năm phụ trách cơ sở nội thành Huế, Tô Nhuận Vỹ quen một nữ sinh Đồng Khánh khá xinh đẹp. Đó là Phạm Thị Cúc, học sinh tú tài II, Ban B. Cúc hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên Huế và  là cơ sở nội thành của Thành ủy Huế. Quá trình hoạt động gian khổ, hiểm nguy đã gắn bó họ với nhau. Tháng 3-1968, ngay giữa một trận càn lớn của liên quân Mỹ-Sài Gòn, ba người Vỹ, Cúc và nhà báo Ngô Kha chen chúc dưới căn hầm bí mật chật chội ở Viễn Trình chờ lên căn cứ.

Đêm đó, dù đang bị thương nặng, nhưng thương cô nữ sinh Đồng Khánh chỉ quen với sách vở và áo dài trắng, phải ở trong căn hầm ngột ngạt, Tô Nhuận Vỹ đã làm  thơ: Trong hầm bí mật lèn ba đứa/Nằm đếm bước đi bọn Mỹ càn/ Lắng nghe tim em đang gấp nhịp/Thương quá em mình chịu gian nan. Hồi đó, "nữ sinh Đồng Khánh" Phạm Thị Cúc cũng làm rất nhiều thơ tặng người yêu Tô Nhuận Vỹ và hai người đã trở thành vợ chồng...

Những ngày vợ đi học cao học, có đêm, Tô Nhuận Vỹ gọi tôi lên nhà ngủ để nghe anh đọc những chương mới trong tiểu thuyết "Ngoại ô".

Nhân vật trong các tiểu thuyết Tô Nhuận Vỹ, ai cũng có một cá tính mạnh bạo, sống động và rất chân thật, nhất là trong tình yêu. Số Tô Nhuận Vỹ đào hoa lắm. Anh luôn được nhiều cô gái "để ý". Có lẽ vì thế mà mới đây tôi đến nhà chơi, vừa mới nói mấy câu xa gần về "chuyện ấy" của Tô Nhuận Vỹ, chị Cúc đã nước mắt lưng tròng, "tố cáo": "Ông ấy vấy tôi  quá chừng". Vấy, tiếng quê, tức là làm khổ. Tô Nhuận Vỹ ngồi nghe vợ "phán" bẽn lẽn như cậu học trò không thuộc bài trước mặt cô giáo nghiêm khắc.

Nổi tiếng nhất là chuyện Tô Nhuận Vỹ  mất tích. Cơn lụt lịch sử cuối năm 1985 nhấn chìm Huế trong biển nước, Tô Nhuận Vỹ đi đâu mất tiêu không thấy về nhà. Một ngày hai ngày, rồi một tuần cũng không thấy. Thế là  tin nhà văn "Tô Nhuận Vỹ mất tích" bay đi khắp nơi. Có người bảo thấy anh  đi xe bọc thép cùng bộ đội vớt đồng bào bị nạn ở  dưới huyện. Có người lại bảo  anh đang ở Cam Lộ, Quảng Trị.

Cả thành phố Huế xôn xao. Anh em văn nghệ sĩ lo lắng. Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng cử một đoàn do nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn đưa vòng hoa ra Huế viếng tang Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên Tô Nhuận Vỹ. Ra đến nơi chẳng thấy tang tiếc gì cả. Thì ra Vỹ bị "kẹt lụt" cả tuần ở nhà một người đẹp.

Vỹ có cuốn  tiểu thuyết Vùng sâu được NXB Hội Nhà văn in xong cuối năm 2011 và  bản thảo cuốn tự truyện  gia đình rất xúc động. Năm 1986, Tô Nhuận Vỹ thay nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Nhiều bài nghiên cứu và tác phẩm văn nghệ đăng tải trên Sông Hương đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Ngoài việc đăng tải những tác phẩm  có xu hướng đổi mới,  Tô Nhuận Vỹ đã mở ra mối quan hệ của Tạp chí Sông Hương với thế giới bên ngoài.

Tô Nhuận Vỹ cũng đã dốc lòng góp phần trong  việc đưa nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng về với Huế. Anh lo lắng từ việc đề xuất kế hoạch, làm cầu nối giữa tỉnh với các nghệ sĩ, tìm cách tháo  gỡ từng vướng mắc nhỏ để hình thành cho được Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở số 1-Phan Bội Châu, Huế và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ở 15A-Lê Lợi, Huế...               

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ có nét sinh hoạt tôi không theo được là  5 giờ rưỡi sáng đã  đến quán cà- phê Sơn  ở bờ sông Hương ngồi. Một  buổi sáng làm hai cữ cà- phê. Nhưng anh có hai điểm rất hợp với tôi là rất sốt sắng với công việc và rất ghiền bóng đá. Về hưu rồi, lại ở "tận trên đồi Thiên An" cách anh em mấy cây số, thế mà những chuyện như Đại hội văn nghệ tỉnh, Đại hội Nhà văn Việt nam, chuyện đối ngoại của Hội Nhà văn... ngồi đâu anh  cũng nêu các vấn đề để anh em mạn đàm.

Đọc cái gì của anh em viết ra thấy  xúc động là tìm  tới tận nhà chia sẻ. Tôi có cuốn bản thảo "Một trăm ngày vượt Trường Sơn" chưa xuất bản được, in vi tính mấy cuốn để  nhờ bạn bè đọc góp ý. Anh đọc xong, sáng sớm chủ nhật đến nhà tôi gõ cửa: "Cho mình thắp nén nhang cho bà cụ. Mình thấy  bà cụ vĩ đại quá". Vỹ  cực kỳ mê bóng đá. Nhà không có  cáp nên nhiều lần đêm hôm anh phải đi sáu bảy cây số về chỗ tôi xem bóng đá ngoại hạng Anh...

Ngô Minh