Báo Công An Đà Nẵng

Người cán bộ binh vận năm xưa

Thứ ba, 28/03/2017 11:19

(Cadn.com.vn) - Cứ đến dịp kỷ niệm Mùa xuân Đại Thắng, ông Ngô Như Hưng (73 tuổi, ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) lại nao nao nhớ đến những năm tháng hoạt động giữa vùng địch tạm chiếm. Ngày ấy, dù bao khó khăn thử thách, nhưng niềm tin thắng lợi vẫn luôn tỏa sáng  trong sự che chở đùm bọc của nhân dân.

... Năm 1972, ông Hưng là Ủy viên Ban Binh vận Khu 1 Hòa Vang, phụ trách công tác binh địch vận ở các xã cánh bắc và trực tiếp chỉ huy tổ binh vận làm nhiệm vụ tại xã Hòa Lạc (nay là xã Hòa Liên). Thời gian đầu, cả tổ phải trú ẩn trong các bờ tre, đám mía, sau mới bắt liên lạc, xây dựng cơ sở và chuyển vào ở hầm bí mật trong nhà dân. Cơ sở nuôi giấu ông Hưng là gia đình ông Võ Ngân, nhà ở gần đồn Quan Nam của địch. Ông Hưng vẫn còn nhớ rõ, ông ở trong căn hầm dưới nền chuồng heo. Nhiều lần bọn địch đi lùng sục, xăm hầm, nghe mùi phân heo thì bụm mũi, tránh đi. Chính yếu tố bất ngờ ấy mà ông Hưng và một số anh em khác đã ở đây an toàn. Mỗi khi có địch càn, ông Hưng được gia đình ông Ngân báo cho biết. Nhiều lúc địch xộc tới thình lình, gia đình ông Ngân lại giả vờ đuổi gà, đuổi chó làm ám hiệu thông báo có địch.

Ông Ngô Như Hưng hiện nay.

Ban ngày, ông Hưng ở dưới hầm, soi đèn pin để viết tài liệu địch vận như thư gửi cho các tên chỉ huy địch, tài liệu vận động binh lính Sài Gòn không đốt phá nhà cửa, tài sản của nhân dân, kêu gọi họ quay về với cách mạng... Ban đêm, ông và anh em trong tổ binh vận tìm đến các cơ sở, hoặc hẹn gặp cơ sở để phân công nắm tình hình địch, chuyển thư tay, rải truyền đơn... "Chúng tôi còn đảm nhiệm vận động nhân dân đóng góp quỹ kháng chiến, quỹ nuôi quân, tổ chức mua lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội", ông Hưng kể.

Người cán bộ binh vận năm xưa nhớ rõ, ông Ngân có hai bà vợ là bà Nhiên và bà Tín, đều tham gia hoạt động cách mạng, hình thành một gia đình cơ sở trung kiên, đã nhiều lần bị địch bắt bớ, tra tấn, nhưng không hề khai báo nửa lời. Nhà ông Ngân làm nông, hai bà vợ ông thường xuyên gánh rau quả đi bán, lấy tiền mua gạo, muối, thuốc men tiếp tế cho cách mạng. Ông Hưng bùi ngùi: "Có những giai đoạn địch càn quét gắt gao, việc cày cấy hết sức khó khăn, gia đình ông Ngân phải ăn sắn lát qua bữa, nhưng vẫn dành cơm, cá cho chúng tôi, những anh em bị ốm còn được tiếp tế cháo gà, đường, sữa... Hai bà đã bán cả đôi bông tai (kỷ vật ngày cưới) để ủng hộ quỹ nuôi quân. Lòng dân đối với cách mạng như thế này, cách mạng chắc chắn sẽ thắng lợi!". Cô con gái lớn của ông Ngân tên là Võ Thị Hồng cũng thoát ly, tham gia cách mạng và rất nhiệt tình, xông xáo trong công tác, được bầu làm Phó Bí thư Đảng bộ xã Hòa Lạc. "Trong cơn lũ lớn năm 1972, dưới hầm ngập nước, chúng tôi phải lên trên, ông Ngân đã đưa các con nhỏ đến nhà người bà con ở để "tránh lũ", nhằm bảo vệ bí mật, đồng thời thường xuyên cảnh giới địch để báo tin cho chúng tôi", ông Hưng nhớ lại.

Sau Hiệp định Paris 1973, hoạt động binh vận càng được tăng cường và phát triển mạnh. Ban đêm, tổ binh vận dùng loa phóng thanh kêu gọi binh lính địch bỏ ngũ trở về với gia đình, với Cách mạng, đồng thời vận động nhân dân nổi dậy phá ấp chiếc lược, phá khu dồn, trở về vùng Cách mạng. Tên xã trưởng Nguyễn Văn Thanh liên tục nhận được thư kêu gọi của tổ binh vận và đã tỏ ra hoang mang, dao động. Nhiều tên đầu sỏ khác cũng nhận được thư kêu gọi và bàn tay tội ác của bọn chúng đã chùn lại. Ông Hưng còn nhớ rõ nhiều câu thơ kêu gọi ngụy binh như "Hỡi anh binh sĩ cộng hòa/Thi hành hiệp định, đừng đốt nhà của dân!", "Anh còn cầm súng quốc gia/Vợ con còn xấu hổ, mẹ cha lo buồn"...

"Từ đầu tháng 3-1975, tình hình lùng sục của địch đã giảm hẳn. Nhiều hôm, anh em binh vận lên hoạt động cả ban ngày. Tối 28-3, quân địch ở đồn Quan Nam rút chạy. Sáng hôm sau, chúng tôi nhận được tin quân ta từ các hướng đang ào ạt tiến vào thành phố Đà Nẵng và đến trưa 29-3, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Anh em binh vận lại cùng với các tổ chức khác, khẩn trương lo ổn định đời sống nhân dân trên quê hương vừa sạch bóng quân thù"-ông Hưng tự hào khi kể về những ngày tháng 3 lịch sử ở Đà Nẵng.

Lê Văn Thơm