"Người cha vĩ đại" của chúng tôi: Những chuyện cảm động về tình phụ tử
Có thể với một số người, việc dùng cụm từ "người cha vĩ đại" có vẻ quá "kêu" nhưng tác giả Nguyễn Minh Hải cho biết, chỉ có cách diễn đạt đó mới đủ nói lên ảnh hưởng của người cha đối với cá nhân anh và các anh em của anh. Xuyên suốt trong 40 bài viết, phần lớn là các ký ức của tác giả, người cha của anh hiện ra với sự chịu thương chịu khó, hết lòng yêu thương con cái, đặc biệt quan tâm đến việc học của các con và đã nỗ lực hết mình để con mình được học hành nghiêm túc.
Người cha ấy dù mới học lớp Ba trường làng rồi đi ở đợ cho điền chủ nhưng đã say mê đọc sách, ham học hỏi và có kiến thức khá rộng về nhiều lĩnh vực, có cách dạy con khoa học, có lối nghĩ tiến bộ, vượt lên khá xa so với những người cùng thế hệ ở vùng đất nơi ông sinh sống. Nhờ vậy, dù ông xuất thân là nông dân rất nghèo khó nhưng qua sự giáo dục, định hướng của mình, các con ông trở thành nhà báo, nhà giáo, kỹ sư; trong số 6 người con (kể cả dâu rể) thì có 5 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người lấy bằng thạc sĩ, tất cả đều làm những công việc ít nhiều có đóng góp cho xã hội…
Thực ra, câu chuyện về những người nông dân nghèo tạo điều kiện cho con cái học hành nên người ở xã hội ta không hiếm. Nhưng qua các chuyện kể của tác giả, người cha của anh có thể coi là một điển hình của những người vươn lên ở chế độ mới, được thừa hưởng những thành tựu của đất nước sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới. Dù là những chuyện kể mang tính gia đình nhưng qua đó, người đọc có thể thấy mỗi người dân đã được phát triển sức lao động, phát huy sự chủ động, sáng tạo, như việc làm lúa, nuôi vịt, thả đáy, trồng cây ăn trái…, mà từng chuyện ít nhiều mang tính điển hình của một giai đoạn phát triển của xã hội, điển hình của từng địa phương trong đất nước. Nhờ những chính sách tiến bộ của Nhà nước, mỗi người dân chăm chỉ, tiến bộ đều có được những thành tựu riêng của mình. Có lẽ đó là một khía cạnh khác mà tác giả muốn chia sẻ chứ không phải chỉ riêng việc của gia đình mình.
Dẫu vậy, trên hết, người đọc không khó nhận ra tình cảm ấm áp, sâu lắng, đầy cảm động về tình gia đình, nhất là tình phụ tử. Rất nhiều câu chuyện khắc họa hình ảnh người cha hết mực thương yêu các con, đầy tinh thần trách nhiệm, hào hiệp và là một tấm gương sáng cho con cái trên nhiều khía cạnh. Bằng ngòi bút giản dị, giàu hình tượng, tác giả đã vẽ lại chân dung người cha mình không lung linh, không bay bổng mà chân thực, đời thường. Người cha ấy chịu khó dạy con lội kinh, bơi xuồng, chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho con, đọc sách cho con nghe, hy sinh nhiều thứ để con cái được học hành chu đáo, dạy dỗ, uốn nắn con bằng những cách tinh tế, sâu sắc... Người cha ấy bỏ thuốc lá, bỏ rượu, bỏ quê để cố gắng cho gia đình có được cuộc sống tốt nhất. Người cha ấy khi đau bệnh vẫn thể hiện một gương sáng về tinh thần lạc quan, không đầu hàng trước bệnh tật. Người cha ấy cuối đời còn dặn dò các con chuẩn bị chuyến đi xa của mình rất kỹ lưỡng và nhân văn, như tổ chức tang lễ giản tiện, không được chôn mà phải thiêu, không chấp điếu, nếu có người gửi phúng viếng thì lấy đó làm công tác xã hội…
Ở chiều ngược lại, tác giả cũng thể hiện lòng yêu kính của mình với người cha rõ nét. Trên hết là anh đã học được ở cha anh những đức tính quý, như ham học, yêu thích đọc sách (tác giả tự nhận là được thừa hưởng "gene đọc sách" từ ba mình), sống có trách nhiệm với gia đình, luôn nêu gương với các con, hiếu lễ với cha mẹ… Người đọc hẳn sẽ thấy cay mắt với sự ray rứt của anh khi không kịp đưa ba anh đi ăn buffet lần nào như ông ao ước, không kịp đưa ba đi thăm một số người thân, không kịp làm cuốn sách về ba anh khi ông còn sống… Hay những đoạn tác giả thuật lại về những lần "gặp" ba anh trong bệnh viện khi ông đã hôn mê, về cảnh gia đình đau lòng "rút ống" khi kỳ tích không xuất hiện, kể cả đoạn nói về người con rể của ông đi đi lại lại nhiều lần gọi ba…
"Người cha vĩ đại" của chúng tôi tuy chủ yếu nói một người cha cụ thể nhưng thông qua đó ít nhiều phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội trong khoảng 40 năm qua, gắn với các địa phương mà tác giả từng sống, ít nhiều phản ánh những cách sống, những nếp sinh hoạt, những đặc điểm vùng miền… của hai khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Và trên hết, cuốn sách có thể gợi cho người đọc những tình cảm gia đình ấm áp, trong đó có tình cảm cha con, để rồi khi gấp cuốn sách lại, mỗi người có thể thấy yêu kính người cha, người mẹ của mình hơn…
Trịnh Minh Giang