Báo Công An Đà Nẵng

Người chỉ đạo kế hoạch “phản chiêu hồi”

Thứ tư, 18/07/2018 14:13

Đại tá Lê Đình Thi, sinh năm 1919 (bí danh Hoàng Tuấn Nhã), người con ưu tú của xã Phú Diên (nay là xã Quế Xuân 2, H. Quế Sơn, Quảng Nam) và của lực lượng An ninh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) và An ninh khu 5. Ngay từ nhỏ, chứng kiến quê hương bị quân thù dày xéo, người dân vô tội bị đàn áp, cậu bé Lê Đình Thi lúc bấy giờ đã sớm giác ngộ cách mạng, đứng ra tập hợp lực lượng thanh thiếu niên ở địa phương đấu tranh chính trị, đòi các quan chức, cường hào, địa chủ phải trả ruộng cày cho dân. Từ năm 1936-1939, ông tham gia mặt trận bình dân  đòi dân sinh, dân chủ, rồi đứng vào hàng ngũ của Đảng, năm 1941 được bầu làm Bí thư Chi bộ làng Phú Trạch, xã Phú Diên, một chi bộ đặc thù do Tỉnh ủy QN-ĐN  trực tiếp chỉ đạo. Năm 1942, ông bị địch bắt, kết án 6 năm tù tại Nhà lao Hội An. Mặc dù trong nhà tù thực dân tăm tối với nhiều thủ đoạn tra tấn hà khắc, ông vẫn giữ vững chí khí của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định mục tiêu đấu tranh và con đường giải phóng dân tộc. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ông được địch trao trả và tiếp tục nắm giữ nhiều chức vụ như Trưởng ban Tuyên huấn huyện Quế Sơn, Giám thị Trại cải tạo QN-ĐN. Cuối năm 1955, ông tập kết ra Bắc học tập lý luận chính trị tại Đảng Trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó được cử học nghiệp vụ an ninh tại Trường C500, Bộ Công an, nay là Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an.

Anh hùng LLVTND, Đại tá Lê Đình Thi

Xong khóa học, tháng 7-1959, ông trở vào chiến đấu tại chiến trường QN-ĐN. Lúc này tình hình địch có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là bọn phản cách mạng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tháng 3-1961, Tỉnh ủy QN-ĐN quyết định thành lập Ban bảo vệ Tỉnh uỷ và cử ông lúc này là Tỉnh ủy viên dự khuyết làm Trưởng ban. Sau đó Tỉnh ủy đổi tên thành Ban bảo vệ an ninh tỉnh. Trên cương vị của mình, ông đã trực tiếp tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn và tuyển chọn, huấn luyện nhiều CBCS an ninh tại chỗ để hình thành tổ chức an ninh từ huyện đến xã, các đội công tác và ban bảo vệ các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy quản lý. Tuy lúc bấy giờ chưa có sự chỉ đạo cụ thể của an ninh cấp trên, song ông đã biết vận dụng một số biện pháp nghiệp vụ của ngành vào hoàn cảnh thực tế ở địa phương. Những tháng cuối năm 1961, nhiều cán bộ của huyện Hòa Vang xuống cơ sở thường bị địch phục kích, bắn giết, trong đó có đồng chí Nguyễn Cách, Phó Bí thư Huyện ủy hy sinh.

Nhiều kế hoạch tấn công, phá ấp chiến lược Hương Lam, một mô hình kiểu mẫu chống cộng của địch cũng như một số phương án khác đều bị lộ. Nghi có nội gián, Đại tá Lê Đình Thi đã chỉ đạo cho An ninh huyện Hòa Vang làm rõ và phát hiện tên Nguyễn Bích, là đảng viên cộng sản bị địch bắt năm 1959, khống chế, cài cắm trở lại giữ chức Bí thư Chi bộ Hương Lam và chính y đã báo cho địch biết mọi kế hoạch của An ninh huyện. Ngày 22-4-1962, tại làng Bảo, bến Hiên, Tỉnh ủy QN-ĐN công bố quyết định đổi tên Ban bảo vệ an ninh  thành Ban An ninh tỉnh và ông vẫn được giao làm Trưởng ban. Tháng 6-1962 bộ đội đặc công tỉnh phối hợp với Huyện đội Hòa Vang tiêu diệt đơn vị biệt kích  tại Hòa Cầm và bắt sống 2 sĩ quan cố vấn Mỹ, 1 thông ngôn, giao cho Ban An ninh tỉnh xét hỏi. Lê Đình Thi đã trực tiếp hỏi cung 2 sĩ quan này, thông qua phiên dịch, do đó đã biết được nhiều tin tức quan trọng của địch ở Đà Nẵng. Thực hiện chủ trương của cấp trên, ông thay mặt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh QN-ĐN ký quyết định trả tự do 2 tù binh cố vấn Mỹ đã gây nên tiếng vang lớn về tính nhân đạo của cách mạng. Tháng 12-1962, tỉnh QN-ĐN chia tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, Lê Đình Thi được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Nam. Lúc này Ban An ninh tỉnh có chừng 50 người và dưới sự chỉ đạo của ông, lực lượng an ninh tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp diệt ác, phá kiềm, bảo vệ an toàn lãnh đạo, cơ quan đầu não của tỉnh, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật với phương châm “luồn sâu, lót sát” để nắm chắc tình hình địch.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng càn quét, bắn phá, đàn áp dã man những người chúng nghi hoạt động cách mạng. Chiến trường Quảng Nam cũng như đặc khu Quảng Đà (hợp nhất Quảng Đà và Đà Nẵng tháng 11-1967)  khốc liệt chưa từng có trong lịch sử, một số cán bộ, đảng viên thui chột ý chí chiến đấu, không chịu nổi gian khổ ở chiến trường đã bỏ hàng ngũ chạy về phía địch khai báo nhiều tin tức quan trọng, gây tổn thất nặng nề đối với cách mạng. Giai đoạn này, Lê Đình Thi được giao nhiệm vụ Phó trưởng Ban An ninh khu 5, ông càng đau xót trước sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí do bọn phản bội gây ra. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông đã trực tiếp chỉ đạo cho Ban An ninh Quảng Nam và Ban An ninh đặc khu Quảng Đà xây dựng kế hoạch “Phản chiêu hồi”. Theo kế hoạch này, lực lượng an ninh hai địa phương chọn một số cán bộ trung kiên, có lập trường vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng giả vờ bỏ hàng ngũ cộng sản chạy về với kẻ thù, khai báo nhiều thông tin giả với chúng. Khi được địch tin tưởng giao nhiệm vụ thì mở rộng mạng lưới hoạt động nắm tình hình địch, tiến hành ám sát bọn ác ôn, nợ máu và sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì quay trở lại  đơn vị cũ. Kế hoạch này rất thành công nên làm cho địch không còn tin cậy vào những kẻ phản bội nữa, tình trạng chiêu hồi, đầu hàng địch đã giảm đáng kể. Kế sách độc đáo “Phản chiêu hồi”  được Ban thường vụ Khu ủy 5 biểu dương, khen ngợi.

Sau ngày giải phóng, Đại tá Lê Đình Thi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc rồi nghỉ hưu và mất năm 1997. Cả cuộc đời ông đã đóng góp trọn vẹn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là một cán bộ lãnh đạo lực lượng an ninh dày dạn kinh nghiệm và tài ba, đức độ. Ghi nhận thành tích của ông, ngày 23-4-2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho Đại tá Lê Đình Thi.

THÁI MỸ