Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất
Tấm gương tận hiến
Trình bày diễn văn về sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Trác, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, đồng chí Nguyễn Trác sinh ngày 4-11-1904 tại tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, nay là xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Học hết năm thứ 2 bậc trung học, tháng 6-1927, người thanh niên Nguyễn Trác thoát ly gia đình vào Sài Gòn - Gia Định làm công nhân. Bị bóc lột sức lao động, đồng chí Nguyễn Trác được anh em tiến bộ giác ngộ, tuyên truyền về cách mạng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, đánh đuổi bọn thực dân, phong kiến và tham gia tổ chức Công hội đỏ ở hãng Grands magasins Charner.
Đến đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ TP Sài Gòn được thành lập, đồng chí Nguyễn Trác tiếp tục được tuyên truyền, giác ngộ về tư tưởng, tôn chỉ, mục đích của Đảng Cộng sản. Qua nhiều lần thử thách, ngày 20-7-1930, đồng chí Nguyễn Trác được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được phân công làm Thư ký Chi hội Công hội đỏ, sau đó được Thành ủy Sài Gòn chỉ định làm Bí thư Chi bộ Charner.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, công nhân hãng Charner đấu tranh đòi quyền lợi cải thiện đời sống. Sau đó, đồng chí Nguyễn Trác bị bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn). Sau hơn 2 năm bị giam cầm, tra tấn không khuất phục, tháng 5-1933, đồng chí Nguyễn Trác bị kết án 10 năm vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, đày đi Côn Đảo. Ở Côn Đảo, đồng chí cùng các đồng chí bị giam tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của chốn địa ngục trần gian này và làm Bí thư một chi bộ ở nhà tù Côn Đảo.
Tháng 7-1936, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp ra lệnh “ân xá tù chính trị” ở Đông Dương. Nhờ đó, đồng chí Nguyễn Trác và nhiều đồng chí khác ở nhà tù Côn Đảo được trao trả tự do. Về đến quê nhà, đồng chí liên lạc ngay với các đồng chí vừa ra khỏi các nhà tù để tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau đó, đồng chí Nguyễn Trác được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào. Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Trác đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Ngày 15-11-1938, đồng chí Nguyễn Trác bị địch bắt và kết án 5 năm vì tội tham gia tổ chức Đảng, âm mưu lật đổ chính quyền. Đồng chí Nguyễn Trác bị giam tại nhà lao Quy Nhơn (Buôn Ma Thuột), đến năm 1943 được mãn hạn tù, bị đưa đi an trí ở Đắk Tô (Kon Tum). Tại đây, đồng chí được phân công làm Bí thư chi bộ trại an trí Đắk Tô. Sau khi được mãn hạn tù, tháng 7-1945, đồng chí Nguyễn Trác về đến Quảng Nam móc nối với cơ sở tiếp tục hoạt động và được phân công tổ chức lại Thành ủy và Thành bộ Việt Minh Đà Nẵng. Tối 16-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa TP Đà Nẵng được thành lập, đồng chí Nguyễn Trác được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, phụ trách quân sự, binh vận và tiếp quản Tòa án thành phố. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân TP Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng và thắng lợi.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Trác được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chánh Tòa án Quân sự khu vực Thuận Hóa, Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4, Giám đốc Tư pháp Công cáo Ủy viên Tòa án Quân sự Liên khu 4 tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Pháp chế Trung ương Đảng đến tháng 4-1979 nghỉ hưu theo chế độ. Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí từ trần ngày 11-8-1986.
Với những công lao đóng góp to lớn, đồng chí Nguyễn Trác được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 29-3-2013, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Nguyễn Trác.
“Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Trác đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Lễ Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Trác là dịp để chúng ta học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Trác, người con của quê hương Quảng Nam với những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung với Đảng, tận tụy với công việc, tận hiến với nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Khẳng định công lao của đồng chí Nguyễn Trác
Sau chương trình Lễ kỷ niệm, vào sáng 4-11, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trác”. Tại hội thảo, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, nhà nghiên cứu lịch sử đã trình bày tham luận, tập trung làm rõ quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trác với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là việc thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và khôi phục phong trào cách mạng tỉnh nhà những năm 1936 - 1939.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, trong những tháng năm đen tối dưới ách kìm kẹp của chế độ thuộc địa giai đoạn 1930 - 1945, TP Đà Nẵng nói riêng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung đã trở thành chiếc nôi của cách mạng miền Trung, nơi Xứ ủy Trung kỳ làm căn cứ, bàn đạp, đứng chân gieo hạt giống đỏ đầu tiên giải phóng dân tộc. Trong tiến trình ấy, đồng chí Nguyễn Trác (bí danh Thiều) có những dấu ấn quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn 1936 - 1939 (với vai trò Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thời kỳ các chi bộ ở Đà Nẵng thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam) và khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 (với vai trò Bí thư Thành ủy Đà Nẵng).
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu những cứ liệu lịch sử nhấn mạnh vai trò của đồng chí Nguyễn Trác trong phong trào đấu tranh dân sinh - dân chủ 1936 - 1939. Theo đó, cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Trác mời mỗi phủ, huyện một đồng chí về họp tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh ở làng Tân Hạnh, nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Hội nghị chủ trương phát triển thực lực Đảng, thực lực quần chúng cả bí mật và công khai một cách đều khắp. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư. Sau hội nghị, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam đã tiến hành thành lập các phủ ủy, huyện ủy; phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các phủ, huyện, để cùng các phủ ủy, huyện ủy lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.
Trình bày tham luận về hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Trác tại Ban Pháp chế Trung ương giai đoạn 1966 - 1979, PGS-TS Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Nội chính Trung ương cho biết: "Với lối sống giản dị và trí tuệ phi thường, đồng chí Nguyễn Trác luôn hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân nhưng luôn phân biệt rạch ròi giữa việc công và việc tư, giành hết thời gian, tâm huyết cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam và công tác nội chính Đảng".
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng và gia đình đồng chí Nguyễn Trác đã nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan, trong đó, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu đề xuất tiếp tục mở rộng đặt tên đường đồng chí Nguyễn Trác tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh, thành. Đồng thời, đề nghị đặt tên trường học đồng chí Nguyễn Trác tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ngoài ra, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cần phối hợp để tiếp tục sưu tầm, lưu giữ và trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Trác nhằm giáo dục truyền thống cách mạng...
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, qua hội thảo đã bổ sung tư liệu làm sáng tỏ hơn về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết và sôi nổi của đồng chí Nguyễn Trác qua các thời kỳ cách mạng với nhiều cương vị công tác, cũng như những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, những vấn đề mới, phát sinh liên quan đến quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Trác, sau hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và các cơ quan liên quan, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, xác minh để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh quá trình hoạt động và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng trong các công trình lịch sử đảm bảo tính khách quan, khoa học.
LÊ VƯƠNG