Báo Công An Đà Nẵng

Người chữa bệnh vô sinh cho thủy tùng

Thứ hai, 08/06/2015 11:41

(Cadn.com.vn) - Thủy tùng (thông nước) là loại thực vật duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus, đây là loài đặc hữu của vùng cận nhiệt đới hiện diện ở Tây Nguyên (Việt Nam). Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài nằm trong sách đỏ này, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã thành công khi bắt thủy tùng phải "sinh nở". Theo Tiến sĩ Trần Vinh: "Thủy tùng là một cây thuộc nhóm đặc biệt, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Chỉ còn một nơi trên dải đất hình chữ S này tồn tại, đó là H. Krông Năng và H. Ea H'leo, tỉnh Đắc Lắc, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để không bị sát hại".

Hai chữ "sát hại" thể hiện rõ ràng nhất tầm quan trọng và mức độ quý hiếm của loài cây này. Năm 1996, thủy tùng được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc chỉ còn sót lại chưa đầy 200 cây. Với thớ gỗ mịn màng, không cong vênh, mối mọt và lời đồn đoán gỗ cây này có thể chữa bệnh ung thư, xua muỗi đuổi tà nên lọt vào tầm ngắm của lâm tặc. Đến năm 2012, tỉnh Đắc Lắc quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, đặt trụ sở tại Buôn Trấp Ksơr, xã Ea Hồ, H. Krông Năng để bảo vệ loài cây cổ nhất thế giới thì đo đếm chỉ còn lại 161 cây phân bố rải rác ở hai huyện Krông Năng và Ea H'leo nên phải lập hai trạm, chia nhỏ lực lượng ra bảo vệ.

Thủy tùng được trồng và chăm sóc cẩn thận tại nhà Tiến sĩ Trần Vinh.

Quản lý và bảo vệ cây thủy tùng chống chọi lại với lâm tặc, bọn trộm gỗ đã khó nhưng cái cấp bách là sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng, cây lâu năm thì thoái hóa chết dần. Cây còn lại thì sức sống kém, vẫn ra hoa kết quả nhưng hạt lại lép, gần 40 năm trời nhưng không có một cây con nào sinh ra tự nhiên, sự sống còn của nó chỉ còn nước phụ thuộc vào bàn tay của con người. Trước thực trạng đó, năm 2007 Tiến sĩ Trần Vinh bắt tay nghiên cứu nhân giống thủy tùng bằng ba phương pháp: nuôi cấy mô, giâm hom và ghép chồi.

Kết quả bước đầu cho thấy cây non sinh ra bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom sinh trưởng không tốt, chỉ được giai đoạn đầu, thời gian sau không thể sống nổi. Phương pháp ghép chồi được thực hiện với loại cây họ hàng gần là sa mu nhưng tỷ lệ sống vẫn không cao. Sau những thất bại, nhưng vị tiến sĩ nông dân này vẫn không dừng bước. Một thời gian dài tìm tòi nghiên cứu đến năm 2011 ông Vinh thành công với phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc có xuất xứ từ Mỹ (danh pháp khoa học là Taxodium distichum), có quan hệ gần gũi với cây thủy tùng.

Ông Vinh bên vườn thủy tùng vừa thực hiện ghép chồi, tỷ lệ sống rất cao.

Năm 2012, mầm ghép cây thủy tùng được ông dành phần đất vườn của mình để trồng thử nghiệm và xem nó như một báu vật, được chăm sóc một cách kỹ lưỡng nhất. Một năm sau thủy tùng được tự tay ông Vinh mang về trồng thử nghiệm tại các huyện Lắc, Krông Năng và Ea H'leo trên nền đất ẩm ướt và vùng đầm lầy. Kết quả thu được ngoài dự tính, cây trồng trên cạn đạt tỷ lệ sống 90%, sinh trưởng và phát triển tốt, sau 3 năm cây cao trung bình 7 m, đường kính gốc khoảng 25 cm. Trong khi đó ở môi trường sình lầy, sau 3 năm tỷ lệ sống đạt 70%, cây cao khoảng 2,5m, đường kính gốc 8 cm.

Ông Vinh giải thích: "Trước đây môi trường nguyên sinh thuận lợi cho thủy tùng là vùng đầm lầy có mực nước thấp ổn định và lên xuống theo mùa. Nhưng đến nay việc đắp đập tạo hồ khiến mực nước tăng lên, không có chỗ bám cho rễ cây thủy tùng nên chúng sinh trưởng và phát triển không tốt. Ngay cả những cây nguyên thủy cũng không thích ứng nên thoái hóa rất nhanh. Đây là giai đoạn trồng thử nghiệm để đánh giá chính xác môi trường nào thích hợp nhất cho cây ghép".

Gốc ghép là cây bụt mọc được nhập hạt giống từ Mỹ.

Một điều đáng mừng hơn, với cách nhân giống bằng phương pháp ghép chồi, tiến sĩ Vinh đã tạo ra được 2.000 cây thủy tùng cung cấp cho các vùng đầm lầy trên địa bàn và là món quà biếu tặng mà ông tâm huyết nhất trong cuộc đời của mình cho những nơi có điều kiện để trồng loài cây này. Ông tâm sự: "Tôi từng lang thang trong những cánh rừng đại ngàn ở Tây Nguyên, bàng hoàng trước cảnh phá rừng, thay đổi sinh cảnh của con người. Lâu dài nếu chúng ta quá chú trọng phát triển kinh tế mà không gắn với bảo vệ môi trường thì con cháu sau này sẽ lãnh hậu quả. Thủy tùng là một ví dụ, nếu không chữa vô sinh thì chắc chắn nó sẽ tuyệt tự. Sau này nếu viết báo hay viết sách thì chỉ còn nước nói rằng thủy tùng là loài cây đặc biệt quý hiếm, từng sống ở Việt Nam và đến nay thì đã tuyệt chủng...".

Một con người luôn tâm huyết với những cánh rừng, vì sự sống còn thủy tùng mà mất ăn mất ngủ đáng để những tay "cưa đục" sẵn sàng sát hại chúng ngẫm nghĩ lại. Và, hơn ai hết những người xung quanh gọi mình với cái tên thân mật "tiến sĩ dáng dấp nông dân"... làm ông Vinh không khỏi chạnh lòng.

Tứ Đức