Báo Công An Đà Nẵng

GÓP Ý VÀO DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI):

Người chưa thành niên phải chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng

Thứ bảy, 05/09/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Qua thực tiễn hơn 14 năm thi hành, đến nay Bộ luật Hình sự (BLHS) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù BLHS năm 2000 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 nhưng qua thực tiễn còn nhiều bất cập, vì vậy,  việc tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành là việc làm cần thiết. Để góp ý kiến vào dự thảo BLHS, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trích đăng một số ý kiến của ông Trần Quốc Cường, Phó Chánh án TAND Q. Thanh Khê (Đà Nẵng):

Ông Trần Quốc Cường - Phó Chánh án TAND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

1. Về nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng với người chưa phạm tội:

Theo quan điểm của ông Cường, ông thống nhất giữ nguyên quy định hiện hành (Điều 12) về phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên: "Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng". Vì nếu theo như quy định tại dự thảo, mặc dù các em là người chưa thành niên nên có hạn chế về nhận thức nhưng chắc chắn rằng các em nhận biết được hành vi nào, hậu quả nào nếu gây ra thì phải chịu TNHS hoặc không phải chịu TNHS. Từ đó, các em nảy sinh ý thức chủ quan cố ý để thực hiện hoặc không thực hiện. Hơn nữa, có thể xảy ra việc người đã thành niên vì mục đích cá nhân tiêu cực đã cố tình dụ dỗ, ép buộc các em (do các em lệ thuộc) phải thực hiện hành vi phạm tội mà theo dự thảo quy định sẽ không phải chịu TNHS. Đây là kẽ hở của pháp luật nếu quy định và sẽ loại trừ TNHS đối với các em nếu thực hiện, từ đó dẫn đến bỏ lọt tội phạm đối với người thực hiện.

Về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, ông Trần Quốc Cường thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, cần bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ... Vì vậy, cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm và hạn chế việc đưa họ vào vòng tố tụng. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc trong mối tương quan với việc bảo đảm tính hiệu quả của công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm nói chung, người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, có những vụ trọng án do người chưa thành niên thực hiện đã gây ra sự bức xúc lớn trong cộng đồng xã hội. Thực tiễn xét xử cho thấy người chưa thành niên phạm tội thường có hoàn cảnh thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường... Vì vậy, nếu phạm vi cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự hoặc giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục mở rộng như Dự thảo hiện nay thì sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả trong giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội mà ngược lại, còn tạo điều kiện để người chưa thành niên trốn tránh TNHS đối với những hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

2. Về việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng:

Thống nhất với ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì quy định của BLHS hiện hành là đã đủ và rõ ràng để căn cứ xử lý. Quy định như dự thảo thì vấn đề phức tạp xảy ra như: Quy định như thế nào để coi là có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại hay gia đình họ? Vì có thể cùng một tài sản chiếm đoạt như nhau nhưng ở vùng miền này, người này, gia đình này cho rằng có giá trị nhưng cũng có thể đối với vùng miền khác, người khác không phải là giá trị như thế. Hoặc ở thời điểm này giá trị như thế, thời điểm khác có thể giá trị khác đi. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo là phù hợp.

3. Về hình phạt trục xuất:

Thống nhất với ý kiến thứ nhất, nên giữ như quy định hiện hành, theo đó hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung để đảm bảo tính linh hoạt cho Tòa án trong việc cân nhắc áp dụng hình phạt trục xuất trong từng trường hợp phạm tội cụ thể và từng đối tượng phạm tội cụ thể. Vì, trong trường hợp một người phạm tội cụ thể thì tòa án căn cứ vào tính chất hành vi phạm tội để xử phạt bằng hình thức này (phạt tù) hoặc hình thức kia (trục xuất) hoặc cả hai hình thức (phạt tù và trục xuất), nhằm đảm bảo cho hoạt động của tòa án có thẩm quyền khi xử lý được linh hoạt. Do vậy, đối với mọi trường hợp là người nước ngoài hay công dân Việt Nam khi phạm tội đều bình đẳng khi xét xử tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có thể đồng thời bị xử phạt tù và bị trục xuất, đồng nghĩa với việc chấp hành xong phạt tù và sẽ bị trục xuất sau đó.

Trang Trần
(ghi)