Báo Công An Đà Nẵng

Người Cơ Tu ơn Đảng

Thứ sáu, 03/02/2017 10:18

(Cadn.com.vn) - Nếu như trước đây, ai muốn đến nơi định cư của đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phải qua các quãng đường dài lầy lội, cách trở thì ngày nay, những con đường “nắng bụi, mưa bùn” ngày nào đã được thay thế bằng các con đường nhựa hoặc bê-tông rộng thênh thang, phẳng lì và có cầu kiên cố bắc qua sông. Điều đó cho thấy những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà xa hơn nữa, là sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho người dân miền núi... Già Nguyễn Văn Cần (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) nhớ lại, hơn 50 năm trước, ông được Chi bộ làng Ô Rây (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) kết nạp. Dưới cờ Đảng, ông thề sẽ trọn đời đi theo cách mạng. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Đảng, ông lại luôn tự hào và biết ơn. Nhờ Đảng chỉ đường dẫn lối mà ngày hôm nay, đồng bào Cơ Tu quê ông đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Biết rằng làm cách mạng là gian khổ nhưng người dân Cơ Tu sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó để theo Đảng đến cùng. Trước đây, đồng bào vùng cao còn nghèo lắm, cái ăn không đủ no thì nói chi đến cái mặc, học hành. Bây giờ khác rồi, cái đói, thất học đã thật sự bị đẩy lùi, đời sống ngày càng thêm khởi sắc. Có Đảng dẫn đường, người Cơ Tu một lòng theo Đảng xây dựng cuộc sống mới”, già Cần cho biết thêm.

H. Hòa Vang phục dựng lễ hội “Ăn thề kết nghĩa” của người Cơ Tu.

Năm 1982, khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách địa giới hành chính, H. Hòa Vang tiếp nhận 140 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu của H. Hiên về sinh sống, định cư tại các thôn Phú Túc và Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, được sự đầu tư của các ngành, các cấp, Hòa Vang đã tập trung chỉ đạo và giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho đồng bào dân tộc thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng định canh định cư; trong đó, có chủ trương mang nặng nghĩa tình là xây nhà ở kiên cố cho đồng bào dân tộc, giao đất rừng cho các hộ chăm sóc, trồng trọt. Bên cạnh đó, phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào miền núi cũng được các cấp chính quyền đẩy mạnh, coi đó là động lực nhằm giảm thiểu chênh lệch mức sống của người dân vùng cao với miền xuôi, thoát khỏi nghèo đói. Ngoài sự tiếp sức của huyện, sự đầu tư của TP thì nội lực tự vươn lên của bà con vẫn là yếu tố mang tính then chốt, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách Nhà nước. Ông Đinh Văn Như - Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí cho biết: “Có lẽ vì thế mà đã nhiều năm nay, đồng bào dân tộc nơi đây luôn một lòng tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ai nấy đều biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau, biết cùng nhau bàn cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo, không còn tình trạng bị đói giáp hạt, nhiều hộ đã được vay vốn làm ăn, được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được tào tạo nghề để lo cho cuộc sống chính mình”. Trong chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào Cơ Tu, có thể nhận thấy, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư giáo dục. Theo đó, tỷ lệ học sinh người dân tộc đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít. Kết quả này có được là nhờ thực hiện tốt chính sách miễn học phí hoàn toàn cho con em đồng bào dân tộc; trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho từng em ở từng cấp học khác nhau. Cùng với trợ cấp là cơ sở trường lớp không ngừng nâng cấp theo hướng tầng hóa. Với chính sách đầu tư giáo dục có hiệu quả, chính quyền các cấp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để học sinh dân tộc Cơ Tu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao, giúp các em tự tin hơn khi hòa nhập với xã hội...

Phụ nữ dân tộc Cơ Tu hăng hái tham gia hoạt động cộng đồng.

Ngược lên Hòa Bắc, Hòa Phú bây giờ mới thấy cái nghèo đói chỉ còn trong dĩ vãng. Tuy là địa bàn miền núi, nhưng người dân đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện các phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, thay thế tập quán canh tác lạc hậu, đồng bào Cơ Tu còn xóa dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nông thôn mới, xây dựng bản làng ấm no, bình yên... “Để làm được những điều kỳ diệu này là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn giản là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số”, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải đúc kết.

Vy Hậu