Báo Công An Đà Nẵng

Người có uy tín ở Phước Sơn: “Cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

Thứ ba, 14/01/2025 09:30
Ông Nguyễn Đình Sơn (bên trái) là người có uy tín, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 2.

Với vai trò là người có uy tín, ông Nguyễn Đình Sơn (1947) - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 2 (thị trấn Khâm Đức), luôn sâu sát với bà con để tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng những mô hình kinh tế hiệu quả cho mọi người cùng làm nhằm thoát nghèo.

Ông Sơn chia sẻ, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, bà con nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm rõ rệt; hiện tại tổ chỉ còn 2 trường hợp. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, ông Sơn cho hay, trong quá trình tuyên truyền phòng chống tảo hôn gặp không ít khó khăn, vì nhiều người trẻ cứ quen nhau qua mạng rồi lén lút quan hệ, đến khi phát hiện thì chuyện cũng đã rồi. Do đó, việc tuyên truyền phải thường xuyên, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để họ thay đổi nhận thức và tránh xa.

Không chỉ tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ông Sơn còn là người đi đầu trong việc vận động người dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong những năm gần đây, khu vực đồi núi qua địa bàn thị trấn xuất hiện tình trạng sạt lở, đe dọa đến đời sống người dân, nhất là những hộ bất chấp xây nhà dọc tuyến đường này. Ông Sơn đứng ra vận động, tuyên truyền người dân không được xây dựng công trình, nhà ở khu vực này, như vậy rất nguy hiểm. “Với tinh thần là Bí thư Chi bộ, tôi cố gắng vận động để người dân hiểu, thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước. Là người có uy tín và kiên trì vận động nên người dân đều đồng thuận, chấp hành”- ông Sơn tâm sự.

Ông Hồ Văn Lắm (44 tuổi, thôn 2, xã Phước Mỹ) là người có uy tín được bà con địa phương yêu mến. Khi gia đình, hàng xóm nào trong làng xảy ra mâu thuẫn, xích mích, ông đến gặp gỡ, động viên, hòa giải. Đối với một số tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay, ông Lắm cùng những người có uy tín ở địa phương đứng ra tuyên truyền, bãi bỏ những tập tục này. Nhờ vậy, những năm qua, tình cảm gia đình, làng xóm được gắn kết, người dân chăm lo làm ăn vươn lên thoát nghèo. “Khi hòa giải mâu thuẫn, đầu tiên tôi phải nắm rõ vụ việc, sau đó phân tích việc đúng, sai để họ cảm thông với nhau. Khi mâu thuẫn được hóa giải, tình cảm gia đình hàng xóm hòa thuận trở lại. Trước đây, đồng bào hay đâm trâu để cúng chữa bệnh, vừa tốn kém vừa không có kết quả. Tôi đứng ra tuyên truyền, vận động người dân nên đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ chữa trị, không nên tin vào những điều mê tín. “Mưa dầm thấm đất”, đến nay các hủ tục gần như được xóa bỏ” - ông Lắm chia sẻ.

Ông Hồ Văn Lắm là người có uy tín được bà con yêu mến, là tấm gương trong phát triển kinh tế.

Ngoài ra, ông Lắm là tấm gương trong phát triển kinh tế để bà con noi theo. Từ một gia đình khó khăn, chật vật với kinh tế, ông Lắm đã mạnh dạn vay vốn, khai hoang đất để trồng ra cây keo, dổi và đàn trâu, bò 30 con cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông Lắm ấm no, con cái được ăn học đầy đủ. “Chỉ có làm kinh tế tốt thì mới thoát được cái nghèo, cái khó. Từ suy nghĩ đó, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Làm một loại thì lâu có thu nhập nên vợ chồng tôi xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Thời gian tới tiếp tục phát cây bụi để trồng thêm một số loại cây ăn trái. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, tôi thường xuyên vận động bà con làm theo để có nguồn thu nhập thoát nghèo, ổn định cuộc sống”- ông Lắm tâm sự.

Ông Võ Văn Tường – cán bộ Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết, người có uy tín trong ĐBDTTS là những nhân tố tích cực, là chiếc “cầu nối” vững chắc trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền địa phương.“Bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, đội ngũ người có uy tín, già làng ở địa phương đã và đang có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là trong vấn đề xóa bỏ các tập tục đã không phù hợp, hay phòng chống tảo hôn” - ông Tường nhìn nhận.

Quỳnh Trang