Người cựu chiến binh 2 lần gặp Bác Hồ
Chúng tôi gặp ông Trần Văn Toán (86 tuổi, trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ở buổi gặp mặt các lão thành cách mạng tổ chức tại Huyện ủy Hòa Vang. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông được Trung ương ghi nhận bằng những Huân chương, Huy chương về thành tích chiến đấu. Đặc biệt, qua lời kể của ông về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ khiến nhiều bạn trẻ xúc động...
Ông Trần Văn Toán kể chuyện về 2 lần được gặp Bác Hồ. |
Sinh ra tại vùng cơ sở cách mạng làng Phú Sơn (xã Hòa Khương), chứng kiến bọn thực dân Pháp tàn sát dân lành, những chiến sĩ cách mạng, cậu bé Trần Văn Toán ấp ủ lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 16 tuổi, Toán tham gia Liên đội Thiếu niên tiền phong làng Phú Sơn, làm nhiệm vụ thông tin liên lạc cho cách mạng. Giữa năm 1949, trong một lần bám địch thu thập thông tin, Toán bị giặc phát hiện, bắt đi cải tạo 6 tháng tại đồi Bà Du (Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam). Sau khi được thả, Toán tiếp tục làm nhiệm vụ liên lạc thông tin, đến đầu năm 1951, anh tình nguyện tham gia bộ đội đơn vị C216-D5, trung đoàn 108 thuộc bộ đội chủ lực Quân khu 5. Chiến sĩ Trần Văn Toán đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ở chiến trường Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam-Đà Nẵng...gây nhiều tiếng vang lớn...
Sau thắng lợi Điện Biên Phủ 1954, do bị thương nặng nên Trần Văn Toán được giao nhiệm vụ thường trực huyện Đoàn H. Yên Thành (Nghệ An), đồng thời tham gia HTX sản xuất lương thực chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trần Văn Toán luôn tích cực lao động sản xuất giỏi, tham gia công tác đoàn rất năng nổ, được tặng Huy chương Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Tuy nhiên, điều khiến ông Toán không thể quên suốt mấy chục năm qua là cảm xúc dâng trào lúc được gặp Bác Hồ. Ông thường kể cho các thế hệ đảng viên, đoàn viên trẻ trong thôn về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. "Năm 1958, H. Yên Thành tổ chức Đại hội đoàn, có sự tham dự của gần 500 đoàn viên thanh niên. Lúc đó không ai biết là Bác sẽ về tham dự. Khi Bác bước ra, cả khán đài bất ngờ, vui mừng. Câu đầu tiên Bác hỏi là: "Ở đây có cháu nào quê ở miền Nam? Nghe vậy tôi liền giơ tay cùng với 5 cánh tay khác. Rồi Bác nói tiếp: "Các cháu cố gắng làm tốt công tác được giao, tích cực lao động, lúc nước nhà thống nhất thì sẽ được về xây dựng quê hương"...Buổi lễ kết thúc, mọi người chạy lên để ghi hình cùng Bác nhưng Bác nói rằng: Bác chỉ có một, các cháu ai cũng muốn đứng cạnh Bác thì sao được. Vậy là Bác dẫn tất cả đoàn viên ra sân bắt nhịp hát bài ca Kết Đoàn, chụp ảnh kỷ niệm rồi Bác chào tạm biệt"-ông Toán xúc động kể.
"Vào cuối tháng 7-1960, Trung ương có quyết định khen thưởng HTX Ông Trung vì có nhiều thành tích trong sản xuất lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam, giao cho Huyện đoàn làm công tác tổ chức. Lúc đó có rất đông bà con đến tham dự buổi lễ, nhưng không ai biết vị cán bộ Trung ương về dự đó chính là Bác Hồ. Khi trực thăng đáp xuống, Bác bước ra, hàng ngàn con tim vỡ òa hạnh phúc. Phát biểu tại buổi lễ, Bác tuyên dương HTX Ông Trung thực hiện tốt chủ trương của Trung ương đề ra, "Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người", tất cả vì miền Nam ruột thịt... Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm đó đã gần trưa, nắng rất gắt. Thấy vậy, Chủ tịch H. Yên Thành Phạm Duệ cầm ô chạy lên che nắng cho Bác nhưng bác khoát tay từ chối rồi nói: "Khán đài cả ngàn người dân chịu nắng được chẳng lẽ Bác lại không". Nghe Bác nói vậy, cả khán đài vỗ tay rôm rả. Kết thúc buổi lễ cũng đã trưa, lãnh đạo Ủy ban mời Bác vào dùng bữa cơm đã chuẩn bị sẵn nhưng Bác từ chối. Bác đến trực thăng lấy chiếc cà-mèn đựng thức ăn, trong đó chỉ có cơm trắng với một chén cà dầm tương. Ăn xong, Bác vẫy tay chào tạm biệt mọi người rồi lên trực thăng trở về"- ông Toán nhớ lại...
Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Phú Sơn Nam Trần Văn Pháp, tâm sự: "Thế hệ các em chỉ được biết về Bác Hồ thông qua những tư liệu lịch sử, nhưng hôm nay rất vinh dự khi được ông Toán bộc bạch cảm xúc của mình về những hình ảnh giản dị về Bác. Câu chuyện càng làm chúng em thêm phần kính trọng Bác, một vị lãnh tụ, một người cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam".
LÊ VƯƠNG