Báo Công An Đà Nẵng

Người Đà Nẵng làm gì để ứng xử với APEC?

Thứ ba, 11/07/2017 07:46

(Cadn.com.vn) - Đồng hồ đếm ngược đến thời điểm khai mạc Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 (APEC 2017) đặt ở phía tây cầu Sông Hàn, Đà Nẵng, đang dần về số 0. Đó là thời điểm quan trọng với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. 

Sáng 18-4-2017, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ấn nút khởi động đồng hồ
đếm ngược chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 do Ủy ban Quốc gia APEC 2017
và UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

Dự kiến, trong khuôn khổ APEC 2017, có hơn 100 hội nghị, trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên cùng khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) lớn trên thế giới và 6.000 phóng viên quốc tế, được xem là sự kiện quốc tế lớn nhất mà Việt Nam tổ chức trong năm 2017. Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ diễn ra Tuần lễ cấp cao quy tụ các lãnh đạo cấp cao đến từ 20 nước thành viên, hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Đà Nẵng, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho cả người dân...

Để đón chào sự kiện quan trọng, có tầm cỡ này, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố đã triển khai đầu tư, cải tạo nâng cấp nhiều công trình, hạng mục, tất cả để tạo ra hình ảnh của một Đà Nẵng chuyên nghiệp,  hiện đại, văn minh, đủ sức và lực để đón tiếp hàng ngàn khách mời đến từ 21 nền kinh tế và vùng lãnh thổ, từ các vị nguyên thủ quốc gia đến các nhà DN, các phóng viên báo chí... Đó là về những sự đầu tư mang tính chất “vật thể”.

Một yếu tố khác mang tính “phi vật thể”, không kém phần quan trọng để bạn bè gần xa biết đến một Đà Nẵng thân thiện, hiếu khách, văn minh và lịch sự, là hành vi, thái độ ứng xử của người Đà Nẵng trước sự kiện này, yếu tố này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp của Đà Nẵng đến bạn bè gần xa. Nó đòi hỏi mỗi người Đà Nẵng phải thể hiện một cách rất chân thực trách nhiệm, ý thức trên nền tảng xuất phát từ lòng tự trọng và tự hào về thành phố quê hương, bao năm qua đã được bạn bè gần xa ngưỡng mộ và trìu mến nhìn nhận là một “thành phố đáng sống”.

Cái được, cái hay, cái tốt đẹp “phi vật thể” vốn có của Đà Nẵng cần được giữ gìn và phát huy và sẽ được thể hiện không chỉ cho hiện tại, mà còn cho tương lai, cụ thể là trước, trong và sau sự kiện APEC. Chuyện có thể đơn giản từ việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường của mỗi người dân nơi tổ dân phố, người cán bộ công chức nơi cơ quan, công sở. Đó là sự nghiêm chỉnh trong việc chấp hành Luật an toàn giao thông, đơn cử như việc không vượt đèn đỏ, không đi vào đường một chiều, không bóp còi xe gây ồn ào; qua đường đúng nơi quy định. Đó là cách ứng xử, giao tiếp thể hiện sự văn minh và lịch sự như: không chèo kéo, bu bám, “chặt chém” khách nước ngoài mỗi khi họ ở trong các khách sạn, khi ra đường, vào quán ăn, thăm các danh lam thắng cảnh. Đó còn là thái độ lịch sự, hòa nhã của những người lái xe taxi, xích lô, xe buýt, cảnh sát giao thông...

Đội ngũ những “sứ giả văn hóa” này phải được huấn luyện những kiến thức cơ bản về giao tiếp, phong tục tập quán của các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc APEC, trong đó đặc biệt lưu ý về ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để kịp thời, chủ động xử lý các tình huống gặp phải khi tiếp xúc và giao dịch với các đối tác, đối tượng người nước ngoài. Đội ngũ cán bộ, công chức, tình nguyện viên có liên quan cần được đặc biệt quan tâm. Họ phải được tập huấn, huấn luyện các kiến thức cơ bản về giao tiếp, ngoại ngữ, kiến thức cơ bản để đủ sự tự tin khi giao tiếp với các đối tác trong quá trình diễn ra các hoạt động trước trong và sau Hội nghị cấp cao APEC.

Để tạo được  nét đẹp và văn minh cho Đà Nẵng không ai khác hơn là chính những con người Đà Nẵng, từ cán bộ công chức đến người tiểu thương, từ học sinh sinh viên đến anh tài xế taxi, từ nhân viên khách sạn nhà hàng đến anh cảnh sát giao thông... Tất cả đều phải thể hiện được cái chân thực trong giao tiếp, ứng xử của người Đà Nẵng. Thành phố đang phát động chiến dịch "Nụ cười Đà Nẵng" nhằm vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mỗi người dân trở thành "đại sứ văn hóa" nhằm tạo ấn tượng đẹp trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bên cạnh đó, để phục vụ chu đáo cho sự kiện này, thành phố đã và sẽ mở nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là bồi dưỡng ngoại ngữ giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên thường xuyên túc trực ở sân bay, bến tàu, bến xe, lễ tân khách sạn... Khi khách quốc tế tiếp xúc với lực lượng này sẽ ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu, đảm bảo yên tâm hài lòng khi tham dự sự kiện này.

Đi sâu vào một nội dung mang tính cụ thể, đơn cử như những người lái xe taxi, một đối tượng thường xuyên được “vẫy gọi” trên đường hoặc tại các khách sạn, trung tâm hội nghị..., và cũng là đối tượng dễ tạo ra ấn tượng ban đầu cho các vị khách về địa điểm lần đầu tiên họ đặt chân đến, những yêu cầu đặt ra cho các “bác tài” đầu tiên là sự lịch sự, thân thiện, vốn liếng ngoại ngữ căn bản và nhất là không chạy lòng vòng để “chặt chém” khách. Lưu ý cả những hành vi cử chỉ “nhỏ” nhưng không nhỏ như thắt dây an toàn trong khi lái xe, không lạm dụng còi xe, không lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu...

Để đón đầu, để ứng xử xứng tầm với APEC thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Và thực tế là đã có những bước đi mang tính “khởi động”, “diễn tập” đã được triển khai ở thành phố, từ các hội nghị, hội thảo, các sự kiện tầm cỡ như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2017... đã chứng tỏ khả năng, tiềm năng của Đà Nẵng trong việc tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế. “Đón APEC” không chỉ là chuyện chuẩn bị về cơ sở hạ tầng để đón lãnh đạo của các nền kinh tế tới Đà Nẵng mà còn phải chuẩn bị cả về con người, văn hóa cũng như giới thiệu những gì tốt nhất tới bạn bè năm châu.

Một APEC thành công mỹ mãn cũng là đồng nghĩa với việc có một Đà Nẵng trưởng thành, vững bước đi trên con đường hội nhập và phát triển. Điều đó cần rất nhiều vào sự đồng lòng thuận chí của người Đà Nẵng từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường. Từ năm 2017 đáng nhớ này, những cái “được” sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy; những cái “chưa được” sẽ được khắc phục, sửa chữa, tất cả để hướng đến một Đà Nẵng thực sự của những sự kiện tầm cỡ không những ở khu vực, châu lục mà còn ở phạm vi rộng lớn hơn.

DÂN HÙNG