Báo Công An Đà Nẵng

Người đàn bà của câu chuyện mùa đông

Thứ sáu, 20/10/2017 07:00

Có vẻ như nhà biên kịch, nhà thơ Chu Thu Hằng rất có duyên với mùa đông. Năm 2016 vừa qua, sau những xôn xao từ kịch bản bộ phim 31 tập “Lời ru mùa đông” đến bài thơ “Đừng đi nắng vàng” về “chiến dịch” chống rét cùng trẻ em vùng cao được nhạc sĩ Quỳnh Hợp chuyển thành ca khúc, nay Chu Thu Hằng lại ra mắt tập thơ “Khăn gió ấm” gồm 58 bài thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành). Ngay từ bài thơ đầu tiên của tuyển tập  “Khăn gió ấm”, chúng ta đã gặp những câu: “Anh có quay lại với mùa đông /Để em đợi góc xưa phố cũ/ Nơi cây bàng đang chuyển màu lá đỏ/ Gió bấc khô bịn rịn mắt môi người/ Anh có về cùng những mùa đông trôi …” (Những mùa đông trôi). Và rồi: “Mưa sập sùi trên phố/ gió kéo lê bàn chân đi ngang cửa/ vai gầy xo xúi trong khăn/ mùa đông đã về nơi không có anh…(Áo tình). Hoặc thấp thoáng qua những tựa đề: Chào nắng nhạt, Sao em lại giận mùa thu, Nỗi buồn nàng Bân, Chỉ mới bắt đầu, Khúc mưa phùn…

Bìa tập thơ “Khăn gió ấm”.

Tuy nhiên, ẩn giấu trong mùa đông ướt át, giá băng ấy, phải chăng trên hết, với tác giả Chu Thu Hằng vẫn là những lời tự sự, kể lể về một câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung trong quá khứ xa xôi? Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận định: “Xuyên suốt tập thơ “Chiếc khăn gió ấm” của Chu Thu Hằng là tình yêu. Đúng hơn là nuối tiếc tình yêu. Ta thấy có một nhân vật ANH luôn tỏa bóng xuống đời EM. Nhưng anh chỉ là một cái bóng. Cái bóng ấy cứ suốt đời bám riết, che chở, tươi xanh nuôi trồng hy vọng và lắm lúc Em cũng bị “bóng đè”. Vâng, chỉ là một cái bóng, nhưng sao nó khắc khoải thế, nó yêu thương thế. Nó là thật hay chỉ là cái bóng “diêu bông”? Có lẽ người đọc cũng chả cần truy vấn cái bóng là ai, cái bóng là gì khi đọc thơ chị. Đó là biểu tượng của câu chuyện “yêu nhau không lấy được nhau” từ xưa cổ mà thôi. Nhưng đối với Chu Thu Hằng, nó như là “đặc sản” của riêng chị”.

* Làm một nhà thơ đã khó. Làm một người đàn bà làm thơ thật khó hơn nhiều. Tôi cứ nghĩ, với công việc của một nhà báo viết báo, làm báo như Hằng lại còn viết kịch bản cho hàng trăm tập phim và mấy tập truyện ngắn nữa, vậy mà gần đây thơ chị liên tục xuất hiện trên mạng xã hội khiến cho nhiều độc giả ngỡ ngàng. Thơ chị vừa xuất bản thành tập “Trong giấc mơ”, nay lại tiếp tục cho ra đời “Khăn gió ấm” thì quả là “gà đẻ trứng hồng”. Thơ đã làm cho chị hồi xuân, sống lại thời tuổi trẻ văn khoa giàu ước mơ lãng mạn. Thơ đã làm cho chị sống cùng lớp trẻ đang yêu. Hay là ngược lại? Chắc đều đúng cả.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Thật vậy, thơ tình Chu Thu Hằng luôn mang những nỗi khát khao gần như vô vọng: “Cho em được gần anh chút nữa/ Chỉ là mơ/ Có khó gì đâu/ Hãy đưa vai để em được tựa đầu/ Nghe hơi thở nhớ yêu thương ngày cũ/ Chỉ là mơ/ Cho em gần chút nữa…”. Có những lúc chị thốt lên: “Em gói kỷ niệm đi qua cất trong chiếc tủ thời gian/ khóa bằng nụ hôn giấu lửa/ bằng khát khao/ đợi chờ”. Mỗi bài thơ của Chu Thu Hằng chừng luôn đủ yếu tố một câu chuyện đầy hình ảnh, dù câu chuyện ấy chỉ có trong giấc mơ: “Em đi tìm anh chạy qua những giấc mơ/ Xuyên mây trời, ngược thời gian về quá khứ/ Nỗi nhớ anh chưa khi nào cũ”, hay đời thực không thể nào lẩn tránh: “Những bóng trắng lướt vội/ Đêm dài/ Thảng thốt tiếng gọi/ Những bóng người ngủ gục trên ghế ngoài hành lang bật dậy/Ngơ ngác hỏi nhau?/ Ai đi?/ Không gian đặc quánh”. Trong đó, bài thơ nho nhỏ, xinh xắn đẹp như một bức tranh “Chỉ mới bắt đầu” có lẽ là bài thơ chủ lực, minh họa cho chủ đề tuyển tập: “Anh đừng sợ mùa đông/ Em sẽ tặng anh chiếc khăn gió ấm/ Cả ngàn sợi nắng/ Chần theo những nụ hôn/ Anh đừng sợ bóng đêm/ Đã có nụ cười dẫn lối/Phía ấy là bình minh đang đợi/Dịu dàng một vòng tay…”.

 Chu Thu Hằng, dù ở lĩnh vực kịch bản phim, truyện ngắn hay thi ca chị vẫn luôn thể hiện một bút lực dồi dào, khỏe khoắn, cảm hứng không mệt mỏi. Đặc biệt, với tập thơ “Khăn gió ấm”, chị chuộng lối thể hiện tự do, nữ tính mà phóng khoáng, trẻ trung. Tuy ở một vài trường hợp chị sử dụng thơ 5 chữ: “Đêm ở thành phố lạ/ Giật mình nghe lá rơi/ Trở mình nghe gió thổi/ Giấc ngủ đâu mất rồi?”(Đêm trôi), và thơ lục bát: “Hôm nay họ cưới em rồi/ Xông xênh xiêm áo lệ rơi ngoài thềm/ Nụ cười chín ép bẽ bàng/Cài then quá khứ em sang nhà người”, song điều đó không làm giảm đi yếu tố sáng tạo cuồng nhiệt, lãng mạn, đam mê nơi chị: Người đàn bà của câu chuyện mùa đông.

 TRẦN TRUNG SÁNG